Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Gặp người gần cả đời bán sách cũ

(VOH) - Cụ Trình (Nguyễn Thị Bông) là cái tên quen thuộc với nhiều người yêu sách cũ TPHCM vì cụ đã gắn bó với nghề bán sách cũ hơn 50 năm.

Sạp sách nhỏ của cụ Trình ngụ ở số 176 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3.

Cụ Trình sinh ngày 9/2/1954 và là con út trong gia đình có 9 anh chị em. Hàng ngày, đi dọc theo đoạn đường Cách Mạng Tháng Tám có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà cụ tóc bạc phơ, ngồi đọc sách trên vỉa hè. Mặc cho người xe qua lại, cụ Trình luôn chìm đắm trong từng trang sách.

Gặp người gần cả đời bán sách cũ 1
Cụ Trình xếp sách tại tiệm sách không biển hiệu

Biết chữ để đọc sách

Yêu sách, say mê đọc sách từ khi mới biết chữ, cụ Trình dành hết số tiền gia đình cho để mua truyện. Đối với cụ, chỉ cần có sách đọc, vậy là đủ. Người phụ nữ 68 tuổi chọn nghề bán sách đơn giản chỉ để được đọc sách mỗi ngày mà không phải tốn tiền. Bà kể: "Hồi đó đi học chủ yếu là để biết chữ, biết chữ xem sách nhiều tự nhiên sẽ biết nhiều điều hay".

Luôn tự hào khi vừa kiếm được tiền lại được đọc sách miễn phí, cụ đã kiên trì gắn bó với nghề bán sách cũ hơn 50 năm qua. Tiệm sách của cụ cứ nhỏ dần theo thời gian vì ít kinh phí. Từ lúc còn bán trong nhà, cụ phải chuyển qua bán trên xe. Không biển hiệu, không tủ kệ, đến nay tiệm sách của cụ chỉ còn vỏn vẹn vài chồng sách đặt sát gốc cây trên vỉa hè. 

Cuộc đời dành cho sách

Cha mẹ qua đời, căn nhà bán đi được chia cho anh chị. Nhiều biến cố xảy ra, cụ Trình dọn ra căn trọ nhỏ, chỉ đủ chỗ ngủ và cất sách. Mỗi ngày khi bày sách ra bán cụ chỉ mong muốn kiếm được hơn 100.000 đồng, 80.000 đồng trả tiền xe ôm, còn lại được bao nhiêu cụ dành dụm để trả tiền nhà. Biết được hoàn cảnh của cụ, nhiều người tìm đến cho tiền nhưng cụ đều không nhận.

Anh Vũ Nam - chạy Grab trên đường Cách Mạng Tháng Tám cho biết: “Mình chạy xe gần đây, mua sách ủng hộ cụ hoài, có năm ngàn, mười ngàn một quyển, có cho thêm cụ cũng không nhận đâu. Mọi người xung quanh đây nhìn thương quá cũng chỉ có thể mua giúp hộp cơm thôi”.

Trước đợt dịch Covid-19 năm 2021, một đợt bệnh nặng khiến cụ bị liệt hai chân, phải nằm trong bệnh viện. Được sự giúp đỡ của nhiều người trong xóm trọ cụ mới qua khỏi, nhưng hiện tại không thể lái xe, cầm vật nặng cũng khó. Cụ Trình tỏ ra vui vẻ: “May mà trước đợt dịch, chứ dịch ai chữa cho nữa, chắc giờ không còn ngồi đây”.

Khi được hỏi đọc bao nhiêu sách mỗi ngày, cụ chia sẻ: “Tôi gọi là xem sách, tức là  mắt mình nhìn, đầu mình ngẫm, phải thả mình vào từng trang sách, lúc đó mới thấy được cái hay, giá trị của sách”.

Đối với cụ Trình, không có gì cũng được, chỉ có sách là không thể thiếu. Có người hỏi sao không kết hôn, cụ thẳng thừng: “Mình thì ai lấy, kết hôn để làm gì, sống một mình không phải nhờ vả ai. Sống độc thân tự do tự tại, có tiền thì mua sách, vậy còn cần gì”. 

Gặp người gần cả đời bán sách cũ 2
 Cụ Trình chăm chú đọc sách trên vỉa hè

Mong muốn nhiều người mê sách

Khách nào đến mua và ngồi lại, cụ Trình đều niềm nở dành cả giờ đồng hồ về kể về lịch sử, nhất là về Sài Gòn xưa. Bạn Khánh Vy (sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) thường ghé mua sách ủng hộ cụ chia sẻ: “Mình hay rủ bạn bè mua sách ủng hộ cụ, rồi ngồi lại nghe cụ kể về lịch sử thành phố. Có lần, cụ Trình kể hồi còn nhỏ đã nhìn thấy Thích Quảng Đức tự thiêu cơ, nên cụ mê lịch sử lắm. Cụ bảo kể để cho mọi người thấy đọc sách có nhiều điều hay, bổ ích, còn trẻ nên đọc nhiều sách vào, có nhiều thứ đọc sách mới hiểu, học trên ghế nhà trường thôi không biết được đâu.”.

Dù không bán được nhiều, cụ vẫn sẵn sàng tặng sách khi có người đến mua để làm từ thiện. Với mong muốn càng nhiều người đọc sách càng tốt, dù không đủ kiếm tiền nhà, tiền xe, cụ vẫn bày sách bán từ sáng đến gần tối. Đối với cụ, bày sách không chỉ để kiếm tiền, mà còn để bản thân mình có thể đọc sách và giúp nhiều người không có tiền có điều kiện đọc sách.

Ngày nay, con người có thể đọc sách chỉ với một cú click chuột Người đọc sách cũ cũng ngày càng ít đi. Tuy nhiên, sách cũ vẫn luôn giữ được giá trị của riêng mình và những người như cụ Trình vẫn còn tiếp tục để giữ gìn lại những giá trị đó. 

“Những gì viết trong sách đáng quý lắm. Người ta phải chắt lọc nhiều thứ, sau đó ghi lại cho mình cùng đọc. Tất nhiên là ông tác giả cũng thêm mắm thêm muối nhiều thứ, nhưng chỉ để cho quyển sách thêm màu sắc hơn, để những người chưa biết đến cho thể nghiền ngẫm, nhận thức sâu sắc hơn. Vậy tội gì mình không đọc, đọc để tăng thêm kiến thức, để không bị chê là kém hiểu biết.”