Làm việc hơn 40 giờ/tuần tăng nguy cơ đột quỵ

(VOH) - Thời gian làm việc quá dài là nguyên nhân gây ra 745.000 ca tử vong do thiếu máu cơ tim và đột quỵ (năm 2016).

Tỷ phú Elon Musk vừa tiếp quản Twitter và tiến hành quá trình cải tổ hoạt động để thay đổi nền tảng này. Đáng chú ý, ông đã yêu cầu nhiều kỹ sư làm việc theo ca 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần trong giai đoạn nước rút để đạt được các mục tiêu tháng 11, thông tin từ CNBC. 

Elon Musk không phải CEO duy nhất tin rằng, thời gian làm việc kéo dài là cần thiết để hoàn thành tốt công việc. Một khảo sát công bố năm 2018 của Đại học Harvard khi theo dõi 27 CEO cho thấy, họ làm việc trung bình 62.5 giờ/tuần. 

Theo một cuộc thăm dò của Gallup, 1/2 số lao động toàn thời gian ở Mỹ làm việc hơn 40 giờ/tuần, trong đó, có tới 18% người lao động cho biết, họ làm việc hơn 60 giờ/tuần. 

Vậy khi làm việc hơn 40 giờ/tuần, cơ thể và bộ não sẽ “đối mặt” với những nguy cơ nào?

1. Tử vong do đột quỵ và đau tim

Theo số liệu ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thời gian làm việc quá dài (hơn 55 giờ/tuần) là nguyên nhân gây ra 745.000 ca tử vong do thiếu máu cơ tim và đột quỵ trong năm 2016. 

Làm việc từ 55 giờ/tuần hoặc hơn sẽ khiến người lao động có nguy cơ bị thiếu máu cơ tim và đột quỵ cao hơn khi làm việc 35 - 40 giờ/tuần. Từ năm 2000 đến 2016, tỷ lệ tử vong do bệnh tim bắt nguồn từ làm việc nhiều giờ đã tăng 42% và do đột quỵ tăng 19%. Trong đó, có tới 72% là nam giới. 

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất là lao động trung niên và lao động trong độ tuổi 60 - 79 đã từng làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần khi còn ở độ tuổi 45 - 74. 

Nguyên nhân là do, làm việc nhiều giờ sẽ làm tổn thương các tế bào não và tim, gây ra các phản ứng hành vi nguy cơ như ít tập thể dục, chế độ ăn ít dinh dưỡng hơn hoặc ngủ ít hơn.

Làm việc hơn 40 giờ/tuần tăng nguy cơ đột quỵ 1
Làm việc nhiều giờ có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và đột quỵ

2. Tăng nguy cơ bị thương 

Viện Sức khỏe, Môi trường và Nghề nghiệp Mỹ (năm 2005) đã xem xét 110.236 hồ sơ công việc từ năm 1987 đến năm 2000. Kết quả cho thấy, làm việc từ 12 giờ/ngày khiến tỷ lệ lao động tăng 37%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người làm việc ít nhất 60 giờ/tuần là 23%. 

Như vậy, làm việc nhiều giờ khiến nguy cơ bị tổn thương về thể chất trong khi làm việc tăng lên.

3. Sức khỏe tinh thần xấu

Tạp chí PLos One đã công bố một nghiên cứu năm 2020 khi theo dõi những người lao động Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30. Nhóm người này có thời gian làm việc từ 31 đến hơn 60 giờ/tuần. Theo đó, thời gian làm việc càng nhiều thì mức độ căng thẳng, trầm cảm và ý định tự tử càng cao.

4. Giấc ngủ bị ảnh hưởng

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá 200 báo cáo từ năm 1998 đến năm 2018 và kết luận, thời gian ngủ ngắn là vấn đề cần được quan tâm nhất, liên quan đến làm việc kéo dài.

Giấc ngủ rất quan trọng đối với con người. Những người mất ngủ sẽ rơi vào trạng thái mệt mỏi, chức năng nhận thức kém, dễ gặp nhiều chấn thương trong công việc và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm là nguyên nhân khiến bạn trở nên cáu kỉnh ở nơi làm việc, dễ bị phân tâm, lo lắng và bốc đồng.

Làm việc hơn 40 giờ/tuần tăng nguy cơ đột quỵ 2
Thời gian làm việc kéo dài khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng

5. Không thể phát huy điểm mạnh

Một cuộc khảo sát kéo dài 5 năm với 5.000 nhân viên và quản lý trong các ngành công nghiệp của Giáo sư quản lý Morten Hansen thuộc Đại học California cho thấy, làm việc từ 30 - 50 giờ có thể cải thiện hiệu suất của người lao động, trong khi làm việc hơn 50h khiến hiệu suất công việc đi xuống. Nếu làm việc hơn 65 giờ/tuần, hiệu suất sẽ giảm mạnh.

Theo nhà kinh tế học Stanford John Pencavel, làm việc trong thời gian dài gây mệt mỏi hoặc căng thẳng, điều này không chỉ làm giảm năng suất mà còn làm tăng khả năng xảy ra sai sót, tai nạn và ốm đau, gây ra gia tăng chi phí cho người sử dụng lao động. 

Nguồn ảnh: Internet