Đăng nhập

Loài bọ 'ăn xác chết' cháy hàng

VOH - Điều đáng kinh ngạc là “cung không đủ cầu”, dù nguồn gốc của loài này khiến nhiều người rùng mình.

Từng bị coi là sinh vật gớm ghiếc thường lẩn trốn nơi ẩm thấp, loài bọ có tên rận gỗ nay lại trở thành mặt hàng đắt đỏ được săn lùng ráo riết, với giá hơn 550.000 đồng mỗi kg – đắt hơn cả thịt lợn, thịt bò.

Rận gỗ, hay còn được gọi là bọ viên, có tên khoa học là Armadillidium cf. vulgare. Chúng thường sống trong các khe nứt trên tường, dưới lớp gạch, những nơi tối tăm và ẩm ướt. Với lớp vỏ đen cứng, thân hình chia đốt, nhiều chân và khả năng cuộn tròn thành hình cầu, loài bọ này khiến không ít người khiếp sợ. Chúng có tập tính ăn xác thực vật mục nát, thậm chí từng được phát hiện xuất hiện trong các xác chuột đang phân hủy, khiến chúng mang tiếng xấu là “bọ ăn xác chết.”

ran gopXem toàn màn hình
 
 
 

Tại Việt Nam, rận gỗ cũng phân bố ở nhiều nơi, nhưng không mấy ai để ý đến giá trị thực sự của chúng. Chỉ đến khi thị trường Trung Quốc ghi nhận mức giá ngất ngưởng – khoảng 160 nhân dân tệ/kg (tương đương 552.000 đồng) – thì cái nhìn về rận gỗ mới bắt đầu thay đổi. Nhiều người ngạc nhiên: tại sao một sinh vật bị coi là “bẩn thỉu” lại có giá cao đến vậy?

Lý do là bởi rận gỗ từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc như một vị thuốc quý. Theo các tài liệu Đông y, rận gỗ có nhiều công dụng nổi bật như: thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chữa tắc nghẽn đường tiết niệu, tiểu buốt, tiểu khó, kinh nguyệt không đều, sốt rét, hen suyễn và thậm chí là trị chứng co giật ở trẻ em. Dưới dạng khô, chúng được sơ chế sạch, phơi khô rồi dùng sắc lấy nước uống, hoặc kết hợp trong các bài thuốc gia truyền.

Các thầy thuốc Đông y cho biết, nhờ vào khả năng sinh sống trong môi trường phân hủy và tiêu hóa chất hữu cơ, cơ thể rận gỗ chứa một số enzym đặc biệt và hoạt chất sinh học hiếm có thể hỗ trợ chống viêm và giải độc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, số lượng rận gỗ trong tự nhiên ngày càng suy giảm, khiến nguồn cung khan hiếm và giá trị đội lên nhanh chóng.

Tại một số chợ dược liệu ở Trung Quốc, người ta phải đặt hàng trước mới mong có được vài lạng rận gỗ khô, còn mua tươi thì gần như không có vì khó bảo quản và dễ phân hủy. Tình trạng khan hiếm khiến nhiều nơi ở Việt Nam bắt đầu “săn” rận gỗ tự nhiên để bán sang Trung Quốc, mở ra một “nghề mới” kỳ lạ: bắt bọ làm dược liệu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, không nên tự ý thu gom hoặc sử dụng rận gỗ chưa qua sơ chế đúng cách vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Ngoài ra, việc tiêu thụ cần có hướng dẫn từ các thầy thuốc có chuyên môn để tránh biến dược liệu thành độc dược.

Từ loài bọ từng bị xua đuổi, rận gỗ giờ đây trở thành “vàng đen” trong giới dược liệu. Nhưng cùng với đó là câu hỏi về đạo đức khai thác và bảo tồn hệ sinh thái – khi mà một sinh vật từng sống âm thầm dưới nền đất, nay trở thành món hàng đắt đỏ, khiến người người săn lùng bất chấp.

Bình luận