Mái ấm Từ thiện: Nơi hạnh phúc được chắp cánh

VOH - Kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM, thành viên các thế hệ trưởng thành từ mái ấm có dịp quay về tham dự buổi họp mặt với nhiều cảm xúc.

Các em là những thế hệ trưởng thành từ 7 mái ấm: Mái ấm Ánh Sáng, Mái ấm Bà Chiểu, Mái ấm Hướng Dương, Mái ấm Bình Minh, Mái ấm Ga Sài Gòn, Mái ấm Hoa Sen, Mái ấm Tân Bình. 

Năm 1989, các cô, dì từng là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM nghỉ hưu đã quyết định thành lập Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM, để tiếp tục hành trình hướng đến sự san sẻ, yêu thương, chăm lo cho những mảnh đời khó khăn, bất hạnh.

3_20240915170811
Bà Đoàn Lê Phong, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM - Ảnh: Phương Dung

Bà Đoàn Lê Phong – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM cho biết, đến nay 7 Mái ấm của Hội đã nuôi dưỡng 800 cháu là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều cháu đã trưởng thành, lập gia đình và có công việc ổn định.

Nhìn các cháu khôn lớn, tôi rất bồi hồi. Thương các cháu, mừng cho các cháu được ổn định cuộc sống. Được như vậy là nhờ các thầy cô rất kiên trì, tùy theo sức của các cháu để tìm trường dạy nghề và việc làm phù hợp, Bà Phong nói thêm.

Mới ngày nào, các em là những trẻ bất hạnh, bơ vơ được đưa đến các mái ấm để nhận sự chăm sóc, nuôi dạy; nay đã có cuộc sống mới nhưng ai cũng nhớ về nơi đã trao yêu thương. Nhiều em còn đưa cả bạn đời, con cái, người yêu về tham dự buổi họp mặt.

2_20240915170815
Không khí ấm áp của buổi họp mặt các thế hệ trưởng thành từ mái ấm - Ảnh: Phương Dung

Em Vũ Nguyễn Ngọc Trân, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Khoa học sức khỏe, hiện ở Mái ấm Hướng Dương kể, em mồ côi cả cha lẫn mẹ, được nhận vào mái ấm năm em học lớp 5. Được má và các cô trong Mái ấm yêu thương, dạy cho em rất nhiều điều trong cuộc sống, những điều hay, ý nghĩa và tử tế. Sự yêu thương của các cô là động lực lớn để em nỗ lực học tập.

Với em Nguyễn Hoàng Lan Anh – sinh viên năm 3 Khoa Ngôn ngữ Trung, Trường Đại học Hùng Vương – ở Mái ấm Bình Minh nói: các cô, các mẹ trong mái ấm, cho em một mái nhà che nắng, che mưa và được đi học như bao trẻ em khác. Từ khi vào đại học, Lan Anh vừa đi học, vừa đi làm các công việc như pha chế, làm mẫu tay để có tiền đóng học phí.

Cô Trương Thị Yến – người có nhiều năm gắn bó với Cơ sở xã hội ngoài công lập Bà Chiểu kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ban đầu cô đến hỗ trợ dạy kèm thêm cho các em, nhưng sau đó thấy thương các em quá nên xin ở lại đây chăm sóc cho các em. Bản thân cô cảm thấy rất xúc động khi nhìn các con trưởng thành, có công ăn, việc làm. Đặc biệt còn dẫn chồng, con trở về, cô cảm xúc rất khó tả.

Tôi làm ở đây đến nay là 24 năm. Trong công việc tôi cảm thấy mình như một người mẹ trong gia đình. Để chăm lo cho các con thì mình không thể tính ngày, tính tháng được, nhưng ngoảnh lại đã 24 năm, cô Yến chia sẻ thêm.