Bộ trưởng Y tế Cholnan Srikaew cho biết, một dự thảo mới về Dự luật cần sa, vốn không vượt qua được các rào cản của quốc hội trước cuộc bầu cử vào tháng 5 - đã được viết lại do lo ngại rằng việc lạm dụng cần sa có thể dẫn đến nghiện.
Ông nói: “Giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe, chúng tôi đặt sức khỏe lên hàng đầu”.
Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi tập trung vào các biện pháp chặt chẽ hơn để ‘bịt những lỗ hổng’ cho phép sử dụng cần sa để giải trí, quy định mới về trồng trọt và xử lý hình sự. Dự thảo luật có thể sẽ được đệ trình để Nội các phê duyệt vào tháng 12.
Động thái viết lại Dự luật diễn ra sau cam kết của Thủ tướng Srettha Thavisin nhằm hạn chế sử dụng cần sa, sau khi hàng nghìn cửa hàng bán cần sa được mở trên khắp đất nước kể từ khi quốc gia này hợp pháp hóa cần sa.
Thái Lan chính thức rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân sử dụng cần sa phục vụ mục đích y tế từ tháng 6/2022.
Đây là động thái hợp pháp hóa cần sa đầu tiên tại châu Á, trong bối cảnh Thái Lan nỗ lực phục hồi kinh tế, du lịch hậu Covid-19, cũng như tìm chỗ đứng trong thị trường thực phẩm, dược phẩm cần sa đang phát triển.
Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý đã dẫn đến việc mọc lên như nấm của hơn 6.000 cơ sở kinh doanh cần sa, từ các sản phẩm y tế cho đến cần sa giải trí.
Các cửa hàng này bán tất cả mọi thứ, từ nụ cần sa đến chiết xuất dầu chứa ít hơn 0,2% tetrahydrocannabinol – hợp chất tác động lên thần kinh.
Đảng Pheu Thai của ông Srettha đã thúc đẩy một chiến dịch chống ma túy cứng rắn trước cuộc bầu cử tháng 5, cam kết một lần nữa phân loại cần sa là ma túy.
Nhưng đảng này hiện đang liên minh với Đảng Bhumjaithai do Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul lãnh đạo, đảng đã dẫn đầu động thái phi hình sự hóa loại cây trồng này.
Ông Cholnan không cho biết liệu chính phủ có đi xa đến mức cấm sử dụng cần sa để giải trí hay không. Theo ông Cholnan, dự thảo Luật sẽ được xem xét nhiều hơn và chính phủ sẽ nhận được phản hồi của các bên liên quan trước khi hoàn thiện văn bản vào tháng 12.
Gần một năm sau chính sách hợp thức hóa cần sa, Chính phủ Thái Lan ghi nhận khoảng 1,1 triệu người đăng ký trồng cần sa, song khó xác định được số người trồng bất hợp pháp. Một số nguồn tin cho biết, ít nhất 1/2 số cần sa đang được bán tại Thái Lan là hàng nhập lậu, song không thể ước tính số lượng hoặc giá trị của chúng.
Cũng từ thời điểm hợp thức hóa cần sa, du khách quốc tế đổ xô đến Thái Lan để tham gia "du lịch cần sa".
Theo khảo sát của Hiệp hội Bác sĩ Tâm thần Thái Lan, nước này cũng ghi nhận hơn 11 triệu người từng sử dụng cần sa để giải trí trong năm 2022, tăng nhiều lần so với 1,89 triệu người vào năm 2021.