Đăng nhập

Tết trong ký ức – ấm áp và đầy cảm xúc

(VOH) - Tết ngày nay là sự háo hức được về thăm quê, được đi du lịch, được thỏa thức mua sắm, bày biện mai, đào, quần áo đẹp… Nhưng có những cái Tết khác trong ký ức.

Với những người trải qua nhiều thăng trầm, nhiều giai đoạn khác nhau của đất nước, Tết trong lòng họ cũng có sự đổi thay ít nhiều theo thời gian. Và ở lứa tuổi tóc đã muối tiêu, cảm xúc Tết mỗi khi nhớ lại khác xa rất nhiều so với bây giờ.

Chú Hoàng Minh Hồng (Hà Nội)

Khi chú đang học phổ thông, nhà ở trong một dãy tập thể khoảng 10 gia đình ở Gia Lâm (Hà Nội). Để chuẩn bị cho Tết, từ giữa năm, một gia đình trong dãy được giao nuôi con heo nhỏ - họ sẽ mua cám, mua rau để nuôi heo.

Cuối năm, trước Tết vài ngày, cả khu sẽ tổng kết lại xem tiền rau cám nuôi heo là bao nhiêu, rồi các nhà chia tiền – sau đó mổ heo chia cho mỗi nhà một ít thịt, một phần thịt sẽ làm cỗ Tất Niên - quây quần hàng xóm láng giềng ăn cùng.

Các nhà khi đó sẽ tự gói bánh chưng, anh em trong nhà người thì rửa lá, người ướp thịt, đãi đỗ xanh gói bánh… rồi tự đánh dấu bánh nhà mình bằng dây buộc.

TẾTXem toàn màn hình
Chú Hoàng Minh Hồng (Hà Nội)

 

Cả khu tập thể luộc chung bánh chưng trong một cái thùng phi. Trên các thùng phi bao giờ cũng đặt một chậu nhôm to đầy nước – để khi nước sôi, có thể múc nước để pha nước tắm trong những ngày giá rét, nước này cũng dùng để đổ xuống thùng phi bánh chưng để bánh lúc nào cũng ngập nước.

Tối 29-30 Tết, khi lửa luộc bánh chưng bập bùng, các gia đình đều ngồi quay quần bên thùng bánh trò chuyện rôm rả, ấm cúng, rất vui.

bánh chưng
Luộc bánh chưng bằng thùng phi là kỷ niệm vẫn còn lưu dấu trong ký ức nhiều người.

Thực ra, chú vẫn thích Tết cổ truyền như xưa, vì đó là phong tục, tập quán không phải nước nào cũng có. Hơn nữa, Tết là khoảng thời gian để các gia đình mình sum họp, đoàn tụ sau một năm vất vả đi làm.

Chú còn nhớ, sau này lớn lên - đi làm ở trên Phú Thọ, ngày Tết  cơ quan cho quà gì thì lại mang về nhà tặng má. Má chú người Huế - làm toàn những món ngon như là mứt gừng, kẹo lạc hay chè lam. Cả nhà tập trung hết trong đêm giao thừa, ăn kẹo, mứt, rồi kể lại những việc trong một năm – vô cùng vui vẻ, ấm áp.

Với chú, Tết trong ký ức cũng là khoảng thời gian chuyện trò vui vẻ bên hàng xóm láng giềng… Ở ngoài Bắc - hàng xóm láng giềng sống với nhau, tối lửa tắt đèn có nhau - những lúc vui vẻ, những lúc khó khăn chỉ cần “ới” một tiếng là người này hỗ trợ người kia – và Tết là thời điểm thăm nhau, cùng nhau làm thịt heo, luộc bánh - tình làng nghĩa xóm gắn kết và khó quên lắm!

Cô Bùi Thị Bên (Hải Phòng)

Tết ở làng ngày xưa vui lắm! Trong một năm ai cũng đi làm, lo công việc cuộc sống bận bịu. Đến ngày 28, 29 Tết, dọn dẹp nhà cửa xong hết thì các gia đình quây quần gói bánh. Anh em, bà con, cháu chắt, gia đình - người lau lá, người xé lá, người chuẩn bị dây, người gói bánh, rồi người chuẩn bị xoong, người chuẩn bị củi để luộc bánh… rất tấp nập mà ấm cúng.

Gói bánh xong thì mọi người lại quây quần bên bếp lửa bánh chưng bập bùng giữa thời tiết gió rét – giờ nghĩ đến vẫn còn thấy vui.

Cô Bùi Thị Bên
Cô Bùi Thị Bên (Hải Phòng)

Có một điều cô cứ nhớ mãi không bao giờ quên, đó là bao giờ gói bánh chưng, người lớn cũng gói thêm vài cái bánh nhỏ - để cho trẻ con. Đến khoảng chừng 12 giờ, 1 giờ đêm, những bánh nhỏ chín trước sẽ được vớt ra trước để chia cho trẻ con. Trời ơi sao lúc đó nhận được bánh mà cảm giác sung sướng, thú vị!

Mấy ngày rồi TPHCM trời âm u, se lạnh, sao mà nhớ Tết ngày xưa quá đỗi. Cô nhớ cảnh quay quần bên bếp lửa, gió bấc thổi vun vút; nhớ cảnh ngồi trông bánh, mọi người cùng chơi Tam Cúc - ai thua thì quỳ, rồi quẹt lọ nghẹ - anh chị em mặt mũi lem nhem… - không khí Tết đó rất tuyệt vời.

bánh chưng
Bánh chưng là món ăn mơ ước một thời của nhiều người.

Thường thường, phong tục ngoài Bắc, năm hết Tết đến, mọi người hay tắm nước lá mùi, gội đầu cho thơm, rửa sạch hết những bụi bẩn của năm cũ, những thứ không tốt đẹp để hy vọng sang năm mới được thơm tho, may mắn. Cô đã vào trong này sống mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ tìm lại được cái cảm giác đó.

Nghĩ lại một thời cả nước đều khổ nhưng trong cái khổ cũng có nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui. Ai cũng háo hức mong đến ngày Tết để được ăn thịt, để được bố mẹ mua cho cái áo mới…

Cô Lương Thị Út (Long An)

Ở dưới quê cô Tết rất vui! Xung quanh nhà cô ở là nguyên một dòng họ. 29 Tết, các nhà bắt đầu nấu bánh tét. Người đi cắt lá, lau lá, người tước dây buộc, ai gói đẹp thì sẽ được gói bánh – vừa gói vừa kể chuyện, hát hò đối đáp.

Cô Lương Thị Út (Long An)
Cô Lương Thị Út (Long An)

Nhà nào cũng gói bánh, rồi luộc chung trong một cái nồi to. Trong lúc ngồi đợi vớt bánh, bọn con nít hát hò, chơi bịt mắt bắt dê chạy ầm ầm. Nửa đêm chơi, tụi cô còn nhảy xuống sông ùm ùm vậy đó.

Đến khoảng 5h sáng,  bánh tét bắt đầu được vớt ra, treo trước hiên. Ở dưới quê, nhà ai cũng gói hết nên không phải biếu như bây giờ. Nếu biếu chỉ biếu cho những người bà con ở xa thôi.

Chợ Tết ngày xưa thường họp ngày 27, 28; đến ngày 29, 30 Tết là không ai bán gì nữa cả. Hồi đó mình tự do đốt pháo, chợ đông như vậy mà chút éc pháo lại nổ cái đùng, mọi người lấn qua lấn lại né pháo, vui lắm.

Cô Nguyễn Thị Bích Nhung (TPHCM)

Tết Sài Gòn ngày xưa khác với bây giờ vì có pháo. Giáp Tết, cứ tí tách, đùng đoàng vài ba tiếng pháo, háo hức lắm.

Hồi đó, cô chỉ mong tới Tết để được lì xì, được có đồ mới. Có được một bộ quần áo mới, giày dép mới là mừng lắm. Và vui nhất với cô là được ba chở đi coi sở thú dịp Tết. Thời đó, Sài Gòn chỉ có sở thú để thăm thú nên người ta chen chúc nhau mua vé vào chơi.

Cô Nguyễn Thị Bích Nhung (TPHCM)
Cô Nguyễn Thị Bích Nhung (TPHCM)

Các công viên ngày Tết cũng rất là đẹp vì người ta trồng thêm nhiều hoa, cây cảnh, nhiều người ta cũng đi đến đó để chụp hình.

Tết xưa, cả một xóm gói bánh riêng nhưng lại nấu chung trong một nồi lớn hoặc thùng phi – được đậy bằng cái mâm cơm bên trên. Mỗi thùng phi đựng mấy chục cặp bánh.

Ngày xưa khó khăn nhưng mà rất vui, bà con hàng xóm xúm xít nhau, rộn ràng mấy ngày Tết!

Ông Phạm Hữu Nhuận (Thái Bình)

Hồi ông còn nhỏ, chỉ mong đến ngày Tết, tính từng ngày một. Tết được nghỉ học dài, rồi lại được ăn bánh chưng, được ăn thịt, rồi được mặc áo mới, được mừng tuổi và nô đùa cùng bạn bè…

Ông Phạm Hữu Nhuận (Thái Bình)
Ông Phạm Hữu Nhuận (Thái Bình)

Hồi đó, cứ đến ngày 25, 26 Tết các nhà phải tính toán sao có mấy chiếc bánh chưng. Nhà không có cũng phải cố gắng kiếm 1, 2 bơ gạo nếp để làm bánh. Ngoài Bắc chỉ biết làm bánh chưng chứ không biết làm bánh tét. Ông biết tới bánh tét qua bài thơ của Phạm Hổ:

“Anh bộ đội miền Bắc

Vào chiến đấu miền Nam,

Trong gian khổ chín năm

Đón xuân toàn bánh tét.

Anh bộ đội Miền Nam tập kết

Ra miền ngoài ăn tết bánh chưng.

Chuyện xa dẫn đến chuyện gần

Hai anh kể chuyện ngày xuân quê mình...”.

Thời đó không có thịt đâu, 4, 5 nhà mới có một con lợn con con, làm thịt rồi bày ra sân, xé lá để bốc xem nhà nào nhận phần nào. Mỗi nhà được chia 1, 2 cân thịt - dành nấu đông, ăn dè sẻn.

Mấy nhà làm chung một nồi bánh chưng (bánh chưng bé thôi, thịt ít – mà toàn mỡ, nhưng lá lại nhiều), rồi luộc bánh chưng đúng 30 Tết (chứ không giống như bây giờ), đến tờ mờ sáng ngày mùng 1 Tết mới xong. Người lớn, trẻ con vừa ngồi trông nồi bánh, vừa nướng khoai, nướng sắn, ăn rất vui.

Nhưng, hồi còn bé mong đến Tết bao nhiêu thì bây giờ ông lại sợ đến Tết bấy nhiêu vì mỗi lần Tết lại thấy thời gian qua nhanh quá! Niềm vui nho nhỏ những ngày Tết này đối với ông là các con, các cháu ở xa được trở về sum vầy, đoàn tụ.

Bình luận