Thổi hồn Việt vào món bánh xứ bạn

(VOH) - Thổi hồn Việt vào món bánh xứ bạn là nét đặc trưng của tiệm bánh do vợ chồng chị Phạm Thị Thanh Phương và anh Tăng Ái Linh ngụ tại quận 10, TPHCM thành lập.

Vốn có sở thích đi du lịch và thưởng thức những món ăn mới lạ, sau mỗi chuyến du lịch, vợ chồng chị Phương lại tự mình mày mò và nghiên cứu làm ra các loại bánh sao cho vừa lạ vừa quen, có hương vị xứ bạn nhưng lại đậm chất Việt Nam.

Văn hóa ẩm thực là không biên giới

Dù có công việc ổn định với số lương khá cao nhưng chị Phương lại quyết định bỏ việc, tự mày mò học hỏi và trở thành nghệ nhân làm bánh với niềm đam mê của mình.

Năm 2013 song song với việc làm du lịch, được đi đến nhiều nơi, thưởng thức nhiều món bánh, chị bắt đầu mày mò nghiên cứu bánh. Đến giữa năm 2015, chị làm và gửi cho bạn bè ăn thử.

Năm 2016 vợ chồng chị quyết định dồn tất cả tâm huyết để cùng nhau mở tiệm và chiếc bánh dứa Đài Loan là chiếc bánh gợi lên cảm hứng, là “tiếng sét” đầu tiên khiến chị quyết tâm mở tiệm.

Nhất đẳng phẩm vị
Chị Thanh Phương (chủ tiệm bánh Nhất đẳng phẩm vị) đang tạo hình cho chiếc bánh hoa sen

Trong tiệm bánh nho nhỏ của vợ chồng chị Phương luôn dành riêng một góc cho những cuốn sách nghiên cứu về bánh, về dược tính của các loại hoa quả. Chị kể rằng, để cho ra đời một món bánh là cả một quá trình dài nghiên cứu kỹ càng về nguồn gốc, về công thức và cả những nguyên liệu làm bánh để khi ăn thực khách vừa cảm nhận được dư vị, vừa có tính kháng chữa bệnh và vừa thấy được ý nghĩa của chiếc bánh mà nhớ mãi không quên.

Cũng giống như việc giới trẻ theo đuổi phong cách thời trang từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… thì ẩm thực cũng thế, chị Phương khẳng định: “Văn hóa ẩm thực là không biên giới”.

Mỗi một món ăn đều có một hương vị và tinh túy riêng của nó và khi được đem về Việt Nam, chị Phương lại biến nó thành một phiên bản dành riêng cho người Việt.

Chị Phương thổ lộ: “Việt Nam mình thổ nhưỡng ưu ái nên có nhiều loại thực phẩm tươi tốt mà nước bạn không có, mình luôn cố gắng thả hồn Việt vào những công thức làm bánh của nước bạn để làm ra những chiếc bánh vừa lạ vừa quen”.

Vợ chồng chị Phương luôn tâm niệm: “Mình làm bánh vì đam mê, lợi nhuận tuy không nhiều nhưng hai đứa tự nhủ là làm vừa ăn, vừa đủ thôi. Linh và Phương đã trải nghiệm 18 - 20 năm lăn lộn với cuộc sống rồi, giờ chỉ cần một cuộc sống bình an, đủ no, đủ sống là mình đã cảm thấy hạnh phúc rồi”.

Nhất đẳng phẩm vị
Bánh hoa sen được bán với giá 25.000 đồng, với các sư thầy tại chùa, vợ chồng anh chị chỉ lấy với giá 15.000 đồng.

Hồn Việt trong “Lục vị tinh tú”

“Lục vị tinh tú” là hộp gồm 06 loại bánh tươi bán chạy nhất của tiệm vào mỗi dịp Tết Trung thu. Vào dịp cao điểm này số đơn đặt hàng lên tới 1.000 – 1.500 hộp, vì làm thủ công nên có khi vợ chồng anh chị phải thức tới 4 - 5 giờ sáng để kịp giao cho khách. Mỗi công đoạn làm bánh đều phải làm hết sức tỉ mỉ và thận trọng từ nặn bột đến chiên bánh.

Chị Phương chia sẻ, để hoàn thành hộp bánh “Lục vị tinh tú” này cũng phải mất khoảng 5 - 6 năm nghiên cứu và mày mò. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 khi giãn cách xã hội không thể buôn bán được, vợ chồng chị Phương đã dành tất cả tâm huyết để nghiên cứu ra từng loại bánh.

bánh trung thu
Những chiếc bánh trong “Lục vị tinh tú” luôn là mặt hàng được săn đón trong dịp Tết Trung thu.

“Lục vị tinh tú” gồm có:

- Bánh hoa sen (Liên Hoa Điểm), khi chiên bánh sẽ nở ra những cánh hoa, sau khi bánh được nướng nóng lại lần nữa, từng cánh sen sẽ giòn tan lạt lạt cùng với sự ngọt béo vừa vặn của nhân dừa hoàng kim.

- Bánh Hoa Đào (Bánh nướng ngàn lớp nhân đậu đỏ trần bì), vỏ bánh từng lớp mỏng hồng nhạt xếp lại, gói trọn vị the ngọt của đậu đỏ trần bì.

- Bánh Minh Châu Ngũ Hạt gồm có: hạt óc chó, hạt hạnh nhân, hạt bí xanh, hạt dưa, hạt hướng dương, đậu phộng, mè trắng, mè đen, mứt bí, mứt vỏ cam, mật quế hoa và mật ong.

- Bánh mè đen (Vân nguyệt điểm), lớp vỏ ngàn lớp từ than tre Nhật Bản hòa quyện cùng hương vị của mè đen.

- Bánh Bà Xã (Bánh nướng ngàn lớp nhân bí đao), vỏ bánh giòn xốp, nhân bên trong là bí đao đại kết hợp với mè trắng rang vàng thơm, vị bánh ngọt thanh nhẹ thơm ngon có công dụng giải nhiệt và làm mát cơ thể.

- Bánh khoai môn (Tây Sương Điểm), món bánh ngàn lớp với nhân khoai môn trứng muối, bánh có hình xoắn vỏ ốc. Bánh khoai môn có thể được xem là đặc sản của người Quảng Châu, lớp vỏ ngàn lớp hoà quyện cùng với vị bùi mặn từ trứng muối, độ ngọt được điều chỉnh phù hợp với người Việt Nam là ít ngọt và nhẹ thanh.

Chị Phương cũng bật mí, như món bánh Hoa Sen (Liên Hoa Điểm), người Triều Châu (Trung Quốc) thường sử dụng nhân từ hạt sen và dùng mỡ heo để chiên bánh. Nhưng khi đưa về Việt Nam, để phù hợp với văn hóa người Việt thay vì sử dụng nhân hạt sen chị lại dùng nhân dừa. Vì ở nước ta có nguồn cung cấp dừa rất lớn, lại rất được người Việt ưa chuộng. Ngoài ra, việc sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ heo còn có ý nghĩa to lớn cho những người ăn thuần chay và giảm độ ngấy.

Dầu sẽ được thay liên tục để bảo vệ sức khỏe cho người dùng vì với anh chị, “người ăn bánh cũng như người trong gia đình, làm bánh phải làm bằng cái tâm của mình”, chồng chị Phương chia sẻ.