Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Thụy Điển: Phát triển thiết bị bẫy rệp thông minh

VOH - Các nhà khoa học mới đây đã nghĩ ra giải pháp tối ưu - một thiết bị bẫy rệp - loài hút máu người vốn lây lan nhanh và khó tiêu diệt.

Rệp là loài nổi tiếng khó tiêu diệt. Chúng bị thu hút bởi CO₂, một loại khí con người thở ra khi hít thở. 

Vì lý do này, rệp thường bò ra cắn những người đang ngủ - vì khi ngủ, con người hầu như không di chuyển, carbon dioxide tạo thành một 'đám mây' bao quanh cơ thể và ‘lôi kéo’ rệp đến cắn. 

bẫy rệp
Thiết bị mới được thiết kế bởi hai sinh viên thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Thụy Điển

Xem thêm: Cách phát hiện và loại bỏ rệp

Theo Dailymail, hai sinh viên thạc sĩ tại Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Thụy Điển - Maja Åstrand và Simon Lilja - mới đây đã tạo ra thiết bị bẫy loài động vật hút máu này một cách hiệu quả.

Thiết bị được đặt tên là Ifigenia - có kích thước bằng bình oxy và có khả năng tự tạo ra khí CO₂. 

Đoạn video thử nghiệm tính hiệu quả của thiết bị cho thấy, thiết bị dụ rệp vào máy và nhốt chúng bên trong cho đến chết.

Ifigenia hiện được thử nghiệm trong một phòng thí nghiệm chứa rệp được mô phỏng giống như một phòng ngủ thực tế để xem mức độ hoạt động tốt như thế nào.

Simon Lilja, một trong hai người sáng tạo thiết bị cho biết, họ lạc quan rằng, thiết bị này đủ mạnh để ngăn chặn rệp xâm nhập vào các phòng liền kề trong quá trình xử lý thuốc diệt côn trùng. 

Nó thậm chí có thể rút ngắn thời gian xử lý khi các công ty kiểm soát dịch hại cho biết, có thể mất tới 6 tuần để loại bỏ hoàn toàn sự lây nhiễm loài động vật này.

Theo dữ liệu do công ty kiểm soát dịch hại Rentokil công bố vào tháng 9, từ năm 2022 đến năm 2023, Vương quốc Anh chứng kiến ​​tỷ lệ nhiễm rệp tăng 65%.

Các chuyên gia cảnh báo, sự gia tăng của rệp có thể do việc đi lại tăng lên sau lệnh phong tỏa vì Covid-19.

Rệp phần lớn đã biến mất khỏi cuộc sống con người ở các nước phát triển vào những năm 1950 nhưng đã quay trở lại trong 30 năm qua, có khả năng do chúng kháng thuốc diệt côn trùng ngày càng tăng, sự phát triển nhanh của phương tiện công cộng và xu hướng mua hàng cũ ngày càng tăng.