Chính sách nhập cảnh không thể mỗi nơi một kiểu

(VOH) - Tối 15/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị “Triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả”.

Sự kiện do Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng tổ chức để lắng nghe ý kiến của 99 Đại sứ quán, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, 40 cơ quan du lịch địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành và hàng không trong nước.

Dù ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch quốc tế nhưng các ý kiến từ hội nghị cho thấy, các bên vẫn đang chờ một hướng dẫn cụ thể chứ không phải mỗi nơi một kiểu.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất
Sau khi mở cửa du lịch quốc tế, hy vọng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ không đìu hiu như thế này.

Tại buổi tọa đàm, các Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã nêu lên những kinh nghiệm mở cửa du lịch; những vấn đề có thể gây khó khăn trong việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế và khuyến nghị về hướng giải quyết cho ngành du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, bản thân ông rất vui mừng khi Chính phủ mở cửa lại du lịch quốc tế, đây là chủ trương phù hợp với yêu cầu, điều kiện và bối cảnh hiện tại của nước ta.

Theo ông Dũng, hiện tại thị trường du lịch nội địa ở Mỹ đang phục hồi tốt. Sau 2 năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao, cả trong và ngoài nước. Du khách Mỹ luôn xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, để mở cửa du lịch an toàn và hiệu quả, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là chính sách.

Ông Nguyễn Quốc Dũng nêu ý kiến: “Dù đã có chủ trương mở cửa du lịch nhưng chưa có các hướng dẫn về phương án cách ly, phòng chống dịch. Đến nay, nhiều du khách biết Việt Nam mở cửa du lịch từ 15/3 nhưng Đại sứ quán vẫn chưa thể cấp visa cho du khách.

Số ca nhiễm tại Việt Nam quá cao và CDC đã nâng cảnh báo dịch ở Việt Nam lên mức 4 - không nên đến do dịch Covid-19, đây là điều bất lợi cho những du khách Mỹ muốn đến Việt Nam. Tôi mong chủ trương được triển khai nhất quán từ Trung ương tới địa phương và cung cấp thông tin sớm cho các cơ quan đại diện, các hãng hàng không…, tránh việc thay đổi đột ngột gây khó khăn cho du khách”.

Đó cũng là ý kiến của đa số các đại biểu khi phát biểu tại hội nghị. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho hay, liên tục một tháng qua, nhiều doanh nghiệp, đối tác đề nghị cung cấp các thủ tục hướng dẫn cụ thể về điều kiện nhập cảnh, hình thức cách ly y tế để họ xây dựng các chương trình quảng bá, thu hút du khách nhưng Sở này cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Bà Hạnh thẳng thắn kiến nghị : “Chúng tôi mạnh dạn đề xuất với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần phải có hướng dẫn cụ thể về thủ tục xuất nhập cảnh, quy định y tế đối với khách quốc tế. Chúng tôi đề xuất áp dụng những điều kiện này như khách nội địa. Bên cạnh đó, cần thiết đơn giản hóa thủ tục là điều cần thiết cho cả khách và doanh nghiệp khai thác nguồn khách.

Bộ Y tế cũng xem xét, cân nhắc cho trường hợp khách quốc tế khi nhập cảnh vào Việt Nam đang đi du lịch mà bị phát hiện nhiễm Covid-19 thì cho họ được điều trị thể nhẹ tại khách sạn mà khách đang lưu trú để tạo tâm lý an tâm cho du khách”.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch, hàng không cũng chung đề xuất, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nhiều chính sách và biện pháp chống dịch. Đặc biệt, sau hội nghị này, trong vòng 1-2 tuần phải sớm có văn bản ban hành rõ ràng quy định về mở cửa toàn diện, mở cửa nhất quán, ổn định và lâu dài để có kế hoạch khai thác ổn định.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó TGĐ Thường trực Bamboo Airways hy vọng: “Hôm nay, Chính phủ sẽ có thông điệp Việt Nam mở cửa như thế nào, bao gồm visa cộng cách ly y tế. Cho dù cách ly y tế với điều kiện nào đi nữa thì cũng cần phải đưa ra, nhưng lưu ý dứt khoát phải là một Việt Nam nhất quán, chứ không phải vào Việt Nam nhưng còn phải theo địa phương này, theo địa phương khác. Việc này giúp mang lại hiệu ứng tích cực vì chúng ta đang cạnh tranh điểm đến”.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại, việc thông báo mở cửa hoạt động du lịch quốc chỉ là một bước trong kế hoạch phục hồi mở cửa giao lưu và giao thương quốc tế từ ngày 15/3 như khi chưa có dịch Covid-19, kèm theo một số giải pháp quản lý, kiểm soát rủi ro, có những biện pháp tối thiểu nhất để giữ an toàn cho tất cả mọi người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Về chính sách thị thực thì Chính phủ đã ra Nghị quyết phục hồi lại chính sách thị thực mà trước kia Việt Nam đã áp dụng khi chưa có dịch Covid-19.

Về kiểm soát y tế, tinh thần của Chính phủ là không phân biệt người trong nước và nước ngoài. Cụ thể, lĩnh vực này không phải thẩm quyền của Chính phủ mà Chính phủ chỉ nắm chủ trương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải có một văn bản hướng dẫn chính thức. Văn bản này phải xin ý kiến chuyên môn từ Bộ Y tế. Bộ Y tế phải lấy ý kiến nhiều khâu mới ban hành.

Trên tinh thần rất thoáng, đối với khách đi bằng đường hàng không chỉ cần xét nghiệm, còn khách đường bộ và đường thủy cần thêm những quy định khác để đảm bảo an toàn.

Nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 thì được điều trị như người nhiễm”.