Chuyện lì xì ngày Tết

(VOH) - Lì xì (mừng tuổi) ngày đầu năm vốn được coi là nét văn hóa đặc sắc, dù ngày nay, việc đón Tết đã có ít nhiều thay đổi, nhưng nét đẹp ngày xuân này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.

Tục mừng tuổi đầu năm đã được lưu truyền từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Dù xưa hay nay, việc mong mỏi được nhận chiếc bao lì xì trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi, nhất là đối với những đứa trẻ.

Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ảnh minh họa: internet

Theo phong tục cứ vào mỗi sáng mùng 1, sau khi thức dậy và diện những bộ quần áo đẹp, người lớn và trẻ nhỏ lần lượt chúc tết, chúc thọ và biếu lì xì cho ông bà, bố mẹ. Sau đó, người lớn sẽ tặng cho những đứa trẻ những chiếc bao lì xì đựng tiền cùng với lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm.

Không chỉ vậy, lì xì còn được mang tặng cho họ hàng, láng giềng và những người quen biết thay cho lời chào, lời chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, phát tài phát lộc.

Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.

Việc mừng tuổi không chỉ gói gọn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài cho tới mùng 10, thậm chí hiện nay, việc lì xì có thể kéo sang hết cả tháng Giêng.

Phong bao lì xì mang rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm. Nhiều người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì càng tin rằng mình đã phát tài phát lộc.

Những chiếc bao lì xì gắn kết mọi người với nhau hơn, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới ấm áp, an lành và gặp thật nhiều may mắn. Dù ngày nay, cách đón Tết của chúng ta đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục lì xì vẫn được duy trì như là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Tuy nhiên, để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, người lớn nên lưu ý không cho quá nhiều tiền vào bao lì xì khi cho trẻ, đồng thời dạy cho trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này, không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì.

Đồng thời, để tiền mừng tuổi có ý nghĩa, người lớn nên hướng dẫn con trẻ quản lý tiền bằng cách mua heo đất để bỏ tiền vào, nhằm dạy trẻ học cách tiết kiệm. Chỉ khi nào có nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, áo quần,… mới “mổ” heo. Hoặc hướng trẻ biết dùng tiền lì xì vào công tác từ thiện, giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ đồng bào khó khăn, các bạn nhỏ cùng trang lứa ở các vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng bị thiên tai,... cùng hưởng một cái Tết ấm áp, no đủ và sum vầy.

Sự tích tục lì xì ngày Tết

Lì xì Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.

Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy.

Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì đầu năm.