4 giá trị mang lại cho trẻ khi gửi tiền lì xì trong ngân hàng

(VOH) - Dùng số tiền lì xì vào mục đích gì cho phù hợp là vấn đề mà nhiều phụ huynh phải tư vấn cho trẻ sau mỗi dịp Tết bởi trẻ ngày càng thông minh và phụ huynh không dễ dàng “tịch thu” số tiền này.

Tùy hoàn cảnh của từng gia đình mà phụ huynh có cách hướng con sử dụng số tiền lì xì theo cách khác nhau.

Nếu như có những phụ huynh hướng con đến việc tiết kiệm tiền (bỏ heo, gửi ngân hàng…) hay dùng số tiền để mua những vật dụng cần thiết cho trẻ (máy tính, đàn, giày thể thao mà trẻ yêu thích…) thì cũng có những người “tịch thu” của trẻ vì đủ lý do đóng học, mua đồ ăn, trả những khoản tiền đã chi trong quá trình nuôi dạy trẻ…

tiền lì xì, bao lì xì, gửi tiết kiệm, lãi suất ngân hàng
Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ cách giữ hoặc sử dụng tiền lì xì chứ không nên lấy tiền của trẻ (Ảnh: chineseamericanfamily).

Chuyên gia tâm lý Bích Phượng chia sẻ: “Cha mẹ nên hỏi trẻ rằng “muốn làm gì với số tiền lì xì của mình?”. Nếu trẻ vẫn không biết làm gì - cha mẹ hãy đề nghị giữ giúp trẻ, để mua dụng cụ học tập, quần áo, đi chơi... Nói chung phải có sự thỏa thuận với trẻ.

Phụ huynh hãy bỏ ngay tư tưởng áp chế, tiền lì xì của con phải đưa cho ba mẹ. Bởi bây giờ cha mẹ có thể lấy được tiền lì xì của con nhưng có chắc vài năm nữa lấy được, đó là chưa kể đến việc cách làm này khiến trẻ cứng đầu hơn và phản ứng lại.

Hãy coi số tiền lì xì là tài sản của trẻ có được và đưa ra lời khuyên, hướng dẫn cất giữ, sử dụng chứ không phải là dọa nạt, ép buộc trẻ nộp tiền lì xì”.

>>> 4 bước dạy con cách quản lý và sử dụng tiền lì xì Tết  2019 hợp lý, ý nghĩa

>>> Dạy trẻ những bài học tuyệt vời từ tiền lì xì

Vài năm trở lại đây, các bậc cha mẹ có xu hướng hướng trẻ đến việc tiết kiệm khoản tiền này và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Gửi ngân hàng là một lựa chọn hợp lý hay nói đúng hơn là hợp lòng của cả cha mẹ và trẻ.

Việc gửi ngân hàng và được đứng tên sổ tiết kiệm đối với khoản tiền lì xì của mình giúp trẻ có cảm giác kiểm soát được số tiền của mình chứ không bị cha mẹ tiêu mất. Trong khi đó, phụ huynh lại yên tâm hơn vì trẻ sẽ không dùng số tiền này để mua những thứ “vớ vẩn” hay sử dụng tiền vào mục đích không chính đáng.

Ngoài ra, việc hướng trẻ gửi tiền tiết kiệm còn giúp trẻ học được nhiều bài học thú vị mà trẻ sẽ không có được khi sử dụng tiền lì xì theo các cách khác.

1. Trải nghiệm thú vị

Ở lứa tuổi dưới 18, không nhiều trẻ em có cơ hội vào ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm. Cũng không có nhiều trẻ được phụ huynh chia sẻ về việc gửi tiết kiệm trong ngân hàng là gì, có lợi ích gì?

Do đó, việc đưa trẻ đến ngân hàng, sử dụng giấy khai sinh để làm thủ tục gửi tiết kiệm sẽ là trải nghiệm thú vị với trẻ. Trẻ sẽ được quan sát cách nhân viên ngân hàng đếm số tiền của mình, cách làm việc của các nhân viên ngân hàng và “chốt” được số tiền mà ngân hàng đang “giữ dùm” mình.

Như vậy, trẻ sẽ khá hào hứng không chỉ vì có tài khoản riêng, sổ tiết kiệm riêng mà còn vì được thử làm những việc mà trước đây chỉ người lớn mới có thể làm.

2. Nhận biết giá trị tăng thêm từ việc gửi ngân hàng

Gửi số tiền lì xì hoặc tiền tiết kiệm từ việc nuôi heo đất còn giúp trẻ biết giá trị tăng thêm từ việc gửi ngân hàng.

Hiện, các ngân hàng đều có chính sách tiền gửi dành cho trẻ em chẳng hạn như được hưởng mức lãi suất có kỳ hạn và được áp dụng theo dạng bậc thang và theo số tiền thực gửi; hình thức gửi linh hoạt, không giới hạn số lần và số tiền nộp vào tài khoản...

Mặc dù số tiền lãi hàng năm không nhiều nhưng trẻ sẽ thấy được số tiền tiết kiệm của mình tăng theo thời gian dù chúng không chạm vào nó.

3. Tăng động lực tiết kiệm

Trẻ em thường quan sát và học hỏi từ chính những hành động của cha mẹ mình. Do đó, khi nói đến tiết kiệm tiền, chúng cũng có thể học hỏi từ việc quan sát phụ huynh. Nếu cha mẹ tiết kiệm tiền và trao đổi với trẻ về tầm quan trọng của tiết kiệm thì điều này sẽ ghi vào tâm trí chúng.

tiết kiệm tiền, tiền lì xì, voh.com.vn
Những trải nghiệm về gửi tiền ngân hàng, lãi suất sẽ giúp trẻ tăng động lực để dành tiền (Ảnh: Freepik).

Việc cho trẻ trải nghiệm thêm hoạt động gửi tiền ngân hàng, đứng tên tài khoản riêng đối với số tiền của mình, thấy được giá trị tăng thêm hàng năm từ việc gửi ngân hàng sẽ giúp trẻ hiểu hơn về giá trị của tiết kiệm và có động lực hơn trong việc tiết kiệm tiền.

Khi trẻ có động lực gửi tiết kiệm, trẻ có thể dành dụm từng chút một bằng việc bỏ tiền vào heo đất. Khi các con heo đất đã đầy, cha mẹ hãy cùng trẻ mang đi gửi ngân hàng để gửi thêm vào tài khoản tiết kiệm của chúng. Khi trẻ được quyết định số tiền chúng gửi vào tài khoản, chúng có thể hiểu rõ hơn về cách tích lũy tiền trong tương lai.

4. Gửi tiền tiết kiệm là những bài học đầu tiên về quản lý tài chính

Tiết kiệm tiền là kỹ năng cần thiết mà cha mẹ nên dạy ngay từ khi con còn nhỏ. Khi biết tiết kiệm tiền, trẻ sẽ không tiêu xài hoang phí, biết vạch ra kế hoạch chi tiêu khi lớn lên. Trong đó, gửi tiền tiết kiệm là một trong những cách dạy trẻ về tiết kiệm thông minh, cũng là một trong những bài học đầu tiên cho trẻ về quản lý tài chính.

Khi cho con gửi tiền tiết kiệm, cha mẹ nên giải thích rõ cho con ý nghĩa của việc này. Ngoài ra, cần hướng trẻ tới những mục tiêu tiết kiệm để giúp trẻ có động lực cũng như định hướng sử dụng số tiền tiết kiệm một cách hợp lý.

Ví dụ: Nếu trẻ muốn mua một chiếc laptop xịn xò, chúng cần khoảng bao nhiêu tiền. Theo đó, trẻ nên tiết kiệm những khoản gì (lì xì, tiêu vặt, làm thêm…) và gửi tiền ngân hàng trong bao nhiêu lâu để đạt được mục tiêu đó.

>>> Top Laptop giá rẻ: Tham khảo ngay các dòng máy sau đây!

Như vậy, cùng với việc tư vấn cho con cách giữ tiền hợp lý, cha mẹ cũng nên khuyến khích con viết ra danh sách những thứ mà con muốn và ưu tiên thực hiện thứ quan trọng/hợp lý nhất theo danh sách đó, cách tiết kiệm để đủ tiền thực hiện mục tiêu.

Đây là những khởi đầu của một kế hoạch tài chính và cách tư duy này sẽ có lợi cho trẻ khi chúng trưởng thành.