Dạy trẻ những bài học tuyệt vời từ tiền lì xì

(VOH) - Thay vì giữ rịt tiền lì xì của trẻ, cha mẹ hoàn toàn có thể để trẻ giữ tiền và dạy chúng rất nhiều điều hữu ích từ số tiền may mắn đầu năm.

Trước đây, nhiều bậc cha mẹ có thói quen thu lại toàn bộ tiền lì xì của trẻ vì suy nghĩ… đằng nào số tiền này cũng để dành mua những đồ dùng cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ em ngày nay “tinh khôn” và độc lập hơn nên việc “tỏ thái độ”, đòi quyền giữ tiền không phải chuyện hiếm.

Dạy trẻ cách xài tiền lì xì cũng là một nghệ thuật (Ảnh minh họa: bigfun)

Thay vì để “mâu thuẫn” phát sinh xung quanh bao lì xì ngày đầu năm, cha mẹ hoàn toàn có thể giữ hòa khí gia đình bằng cách đưa tiền cho trẻ giữ và giúp trẻ học thêm nhiều bài học mới từ những bao lì xì của mình.

Dạy trẻ giá trị của sự biết ơn

Khi trẻ nhận tiền lì xì từ cha mẹ, ông bà, cô, dì, chú, bác, bạn bè cha mẹ…, hãy nhắc trẻ rằng đó là điều may mắn, tốt đẹp mà mọi người mong muốn con đạt được trong năm mới. Trẻ cần thể hiện sự biết ơn những người đã lì xì, trân trọng tiền lì xì bằng cách sử dụng tiền một cách có ý nghĩa.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Nguyên, số tiền này dù bố mẹ giữ hộ hay trẻ tự giữ thì cha mẹ cũng cần chia sẻ với trẻ rằng, tiền lì xì có thể để mua sách vở, hộp bút, 1 bộ đồ chơi mà trẻ thích hay để bé mua quà sinh nhật cho người thân – những người đã lì xì cho bé. Nếu trẻ tiêu xài tiền lì xì hoang phí, ăn uống vô tội vạ hay bị ngộ độc thực phẩm… thì người lì xì sẽ cảm thấy buồn và năm sau có thể không lì xì cho trẻ nữa.

Dạy trẻ cách tiêu tiền

Với trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ hoàn toàn có thể giữ tiền giùm trẻ nhưng cần nói rõ với trẻ rằng, bố mẹ giữ hộ vì nếu con tự cầm có thể bị rơi hoặc mất. Bố mẹ cầm giúp, khi cần sử dụng vào việc gì chính đáng (mua đồ chơi hoặc đồ dùng học tập) trẻ vẫn có thể đề nghị bố mẹ chi trả bằng tiền lì xì.

Với trẻ trên 6 tuổi - đã ý thức được về giá trị tiền, cha mẹ không nên quá khắt khe trong việc cho bé giữ tiền lì xì. Lúc này cần chia sẻ với trẻ nhiều hơn về cách giữ tiền làm sao không bị mất, có nên mang tiền đi học hay không và định hướng cho trẻ cách quản lí, sử dụng số tiền lì xì.

Chị Thúy Vân (Q.3) chia sẻ, con chị học lớp 1 đã được phép giữ tiền lì xì riêng cho mình. Đúng là đôi khi trẻ có những sở thích – trái ngược với suy nghĩ của người lớn, thích dùng tiền mua những thứ mà cha mẹ đánh giá là không phù hợp. Cách của chị là không ngăn cản nhưng nói rõ cho bé tác hại nếu trẻ mua và định hướng cho trẻ mua một món đồ khác phù hợp hơn. Khi hiểu ra vấn đề, bé sẽ thay đổi ý định và suy nghĩ kĩ hơn khi có ý định mua món đồ gì đó.

Dạy trẻ tiết kiệm tiền

Có những bậc cha mẹ không muốn con tự ý tiêu tiền nên mua cho trẻ con heo đất để bỏ tiền lì xì. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên đặt ra cho bé thời hạn sử dụng hoặc mục tiêu sử dụng số tiền này để trẻ thêm háo hức.

Chẳng hạn như bé thích mua một cây đàn piano, việc bỏ heo tiết kiệm cho đến khi đủ tiền mua sẽ khiến bé hào hứng hơn và nhất là không đòi dùng tiền vào những việc linh tinh như mua kẹo, mua đồ chơi.

Nếu cha mẹ đưa ra thời hạn tiết kiệm, thì đến hạn “đập heo” nên hướng dẫn trẻ cách dùng tiền. Ví dụ, một ít mua đồ chơi, 1 ít mua đôi giày hay cuốn sách bé thích và một phần có thể để nộp tiền học cho bé… Điều này khiến bé cảm thấy số tiền được chi dùng đúng cách và không ai xài tiền của bé cả.

Một số cha mẹ “cao tay” hơn thì hướng dẫn bé gửi tiền ngân hàng và dù số tiền chỉ vài trăm ngàn hay vài triệu thì bé vẫn có cảm giác thoải mái và đầy tự hào được dẫn đến ngân hàng, gửi tiền vào tài khoản riêng của mình (dù bé không được đứng tên). Hơn hết, bé sẽ vô cùng thích thú khi số tiền này sẽ sinh lời hàng tháng.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, định hướng trẻ cách giữ tiền, tiêu tiền lì xì là cách dạy trẻ, cũng là cách mang tới niềm vui cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần tránh 2 thái độ tiêu cực là: giữ rịt tiền của trẻ hoặc để trẻ cầm tiền muốn làm gì thì làm.

Việc “tịch thu” tiền lì xì của trẻ, khiến trẻ chẳng biết mình được lì xì bao nhiêu tiền. Điều này sẽ gây ra tâm lý hụt hẫng, trẻ sẽ nghĩ rằng bố mẹ không tin tưởng, tôn trọng mình và mất đi niềm vui khi nhận được lì xì. Ngược lại, nếu để trẻ tự cầm, sử dụng theo ngẫu hứng, mục đích không tốt như ăn quà vặt hay chơi điện tử thì đều không tốt của trẻ.

Do đó, tùy theo tính cách của con em mình, cha mẹ nên có cách định hướng cho các con tiết kiệm hoặc chi tiêu một cách phù hợp. Khi đó, trẻ sẽ cân nhắc, làm theo và có ứng xử thích hợp với tiền lì xì năm mới.