Vào dịp hè, do trẻ được nghỉ học nhiều, các bậc cha mẹ lại đi làm thường xuyên, nên tình trạng trẻ “đắm chìm” vào các thiết bị là không thể tránh khỏi.
Thực tế, nghiện công nghệ là vấn đề đối với mọi người ở mọi lứa tuổi. Nhưng đối với sự phát triển trí não, tầm nhìn và ý thức về giá trị bản thân của trẻ, việc dành quá nhiều thời gian trên màn hình và mạng xã hội có thể gây hại.
Theo các chuyên gia, để dần tách trẻ với thiết bị điện tử, các bậc cha mẹ cần có “chiến lược” phù hợp chứ không thể sử dụng các hình thức cực đoan như cấm đoán, mắng mỏ, tịch thu điện thoại, cắt mạng Internet… Vậy các bậc cha mẹ nên làm gì?
Dưới đây là một số điều cha mẹ có thể làm để giúp con cai nghiện công nghệ:
Thay thế việc sử dụng thiết bị bằng các hoạt động thú vị khác
Cha mẹ nên dành thời gian cùng trẻ tăng cường các hoạt động thể chất như chơi thể thao, làm cho bản thân bận rộn. Nếu rảnh rỗi sẽ khiến trẻ không biết làm việc gì ngoài việc đắm chìm trong trò chơi, mạng xã hội để giết thời gian.
Hãy cho phép trẻ tự do đi chơi với một người bạn đáng tin cậy, thăm một công viên hoặc đi đá bóng, chơi bóng rổ… Hãy giữ thái độ tích cực bằng cách coi việc chơi tự do như vậy như một món quà, giúp chúng khám phá niềm vui của việc vui chơi và thiên nhiên thông qua con mắt và trải nghiệm của chính chúng.
Những hoạt động này nên có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
Lập danh sách những việc phải hoàn thành trước khi sử dụng thiết bị
Phụ huynh nên đặt ra yêu cầu và hướng dẫn trẻ về những việc phải làm trước khi trẻ có thời gian xem màn hình, chẳng hạn như bài tập về nhà, dọn dẹp, chuẩn bị đi học và thời gian dành cho gia đình.
Giảm dần thời gian của thiết bị thay vì dừng đột ngột
Thay vì yêu cầu trẻ dừng sử dụng thiết bị công nghệ đột ngột, cha mẹ hãy giảm dần thời lượng trong ngày dành cho ứng dụng đó.
Phụ huynh có thể tự đặt quy định về thời gian sử dụng và nghiêm túc thực hiện. Thời gian cứ giảm dần cho đến khi trẻ có thể kiểm soát được việc sử dụng các ứng dụng của bản thân.
Để phương pháp này hiệu quả, chính phụ huynh cũng cần bỏ điện thoại xuống và chơi cùng trẻ, làm việc nhà cùng trẻ, trò chuyện cùng trẻ nhiều hơn - trong khoảng thời gian trẻ rảnh rỗi.
Điều hướng nội dung thay vì ngừng sử dụng
Trong thời gian trẻ sử dụng thiết bị, cha mẹ có thể ngồi cùng và điều hướng trẻ, thay thế các trò chơi giải trí đơn thuần hoặc không cần suy nghĩ bằng các ứng dụng hoặc chương trình có tính giáo dục nào đó.
Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ đọc sách, nghe nhạc, nghe podcast với nhiều nội dung có lợi cho tinh thần của trẻ. Điều này cũng giúp trẻ có kiến thức tốt hơn và tăng khả năng tập trung.
Ưu tiên sử dụng thiết bị có tác động tích cực
Sử dụng một công nghệ thay thế có thể hữu ích cho trẻ lớn. Cha mẹ có thể cung cấp cho trẻ một máy ảnh kỹ thuật số cũ chẳng hạn. Trẻ em thích chụp ảnh và cha mẹ có thể tạo ra các trò chơi trinh thám, khám phá tự nhiên tuyệt vời. Với chiếc máy chụp hình, trẻ có thể dành hàng giờ để tìm kiếm kho báu hay chụp ảnh côn trùng.
Đặt ranh giới và khoảng thời gian hàng ngày khi không sử dụng thiết bị
Phụ huynh có thể đưa ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị hàng ngày hay "múi giờ sử dụng thiết bị", chẳng hạn như không sử dụng trong thời gian dành cho gia đình hoặc trước khi đi ngủ.
Để dễ dàng hơn, hãy thống nhất với trẻ về việc cài các ứng dụng thiết lập thời gian sử dụng máy tính của trẻ (chẳng hạn như Kaspersky) để trẻ chỉ có thể sử dụng thiết bị trong khoảng thời gian cho phép. Như vậy, phụ huynh cũng không mất công giám sát hoặc nhắc nhở trẻ tắt máy khi quá giờ.
Bằng cách thiết lập những thói quen sử dụng thiết bị điện tử lành mạnh cho trẻ, con bạn sẽ có nhiều khả năng chuyển những thói quen này sang tuổi trưởng thành và điều hướng thế giới kỹ thuật số một cách có ý thức và hiệu quả hơn.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), tại Việt Nam cứ 10 trẻ em thì có 7 trẻ tham gia khảo sát sử dụng Internet hơn 1 tiếng/ngày; 43,4% trẻ em tham gia khảo sát sử dụng Internet từ 1-3 tiếng/ngày. 80,8% trẻ em nói rằng cha mẹ hoặc người thân biết trẻ sử dụng Internet; 50,4% trẻ em chia sẻ việc tiếp cận Internet với bố mẹ/người thân. Đáng chú ý, chỉ có 30,4% bố mẹ/người thân chủ động kiểm soát việc sử dụng Internet của trẻ; 4% trẻ em giấu không cho bố mẹ/người thân biết mình có sử dụng Internet. Trẻ ở lứa tuổi lớn hơn thì giấu không cho bố mẹ/người thân biết về các hoạt động trên mạng Internet của mình nhiều hơn nhóm trẻ ở lứa tuổi nhỏ (7,6% so với 1,3%). Đa số trẻ tham gia khảo sát (60%) trả lời là cảm thấy an toàn khi sử dụng Internet. |