Chờ...

Các nghiên cứu hệ gen Việt Nam cần thêm nhiều hợp tác trong nước và quốc tế để phát triển

VOH - Do thiếu nguồn lực, các nghiên cứu hệ gen tại Việt Nam vẫn cần thêm nhiều hợp tác trong nước và quốc tế để có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đây là chia sẻ của Giáo sư Nông Văn Hải - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – tại Hội nghị Quốc tế về Sinh học Hệ Gen Việt Nam 2023 (VCIGB 2023) diễn ra tại Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) mới đây.

Tại Hội nghị, Giáo sư Nông Văn Hải chia sẻ về thực trạng các nghiên cứu hệ gen hiện nay tại Việt Nam với nhiều cột mốc quan trọng trong hành trình nghiên cứu hệ gen người Việt.

Trong đó, có công trình ghi lại 10 chuỗi ADN ty thể đầu tiên của 10 người Việt đến từ 3 dân tộc Kinh, Tày, và Mường đến việc hoàn thiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt” với 1.000 hệ gen người Việt được giải trình tự bởi Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup.

Giáo sư Nông Văn Hải - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giáo sư Nông Văn Hải - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị.

Tại hội nghị, TS. Michael Otto - Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cũng chia sẻ thông tin về Tích hợp khoa học Omics trong nghiên cứu chức năng phân tử, dẫn chứng từ các nghiên cứu liên quan đến bệnh truyền nhiễm do tụ cầu và liên cầu gây nên.

TS. Otto thông qua tổng hợp kết quả từ ba dự án trước đó về bệnh truyền nhiễm, đã chỉ ra vai trò quan trọng của việc tích hợp phân tích các phân tử bằng khoa học Omics nhằm giải mã các chức năng phân tử chưa từng được khám phá trong hệ vi sinh vật và hệ gen của cơ thể người, trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày càng diễn biến phức tạp.

Hội nghị Quốc tế về Sinh học Hệ Gen Việt Nam 2023 tập trung xoay quanh chủ đề Hệ Gen và Phân tích Dữ liệu lớn: Bối cảnh hiện tại và Định hướng trong tương lai và được chia làm 3 phần chính là Y học Hệ Gen, Nông nghiệp, và Nhóm ngành nghiên cứu Omics và phân tích Dữ liệu lớn.

Dù lần đầu tổ chức nhưng Ban tổ chức đã nhận về hơn 30 công trình nghiên cứu từ các học giả trong nước và quốc tế tham gia Hội nghị.

PGS.TS. Đinh Đức Anh Vũ – Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học Quốc tế cho biết, hội nghị là cầu nối để các nhà nghiên cứu có thể tự do chia sẻ và bàn luận các chủ đề mới, từ đó thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nghiên cứu và cống hiến cho xã hội những tri thức và công nghệ mới trong lĩnh vực Sinh học Hệ Gen.

Bình luận