Cần có kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với học sinh khuyết tật hòa nhập

(VOH) - Thành phố hiện có 21 trường chuyên biệt và 12 trung tâm hỗ trợ giáo dục hoà nhập  với hơn 3.200 học sinh thuộc các dạng tật.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác giáo dục khuyết tật năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 diễn ra sáng 6/10, Sở GD & ĐT yêu cầu cần có kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với học sinh khuyết tật hoà nhập

Thành phố hiện có 21 trường chuyên biệt và 12 trung tâm hỗ trợ giáo dục hoà nhập  với hơn 3.200 học sinh thuộc các dạng tật. Tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên phục vụ tại các đơn vị này là hơn 800 người.

Cần có kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với học sinh khuyết tật hòa nhập 1
Học sinh khuyết tật thể hiện năng khiếu nghệ thuật tại hội nghị Tổng kết công tác giáo dục khuyết tật

Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức cho hơn 9.100 học sinh học hòa nhập từ cấp mầm non đến phổ thông tại 925 đơn vị trường học. Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng năm học vừa qua, dịch covid - 19 đã ảnh hưởng nhiều đến công tác giáo dục hòa nhập như: sĩ số học sinh không ổn định, khả năng học tập của nhiều học sinh bị ảnh hưởng bởi thời gian tạm dừng đến trường kéo dài. Bên cạnh đó, tình hình  thiếu nhân sự, phòng học nhỏ, thiếu sân chơi, thiếu sách giáo khoa, nhất là khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng là những khó khăn cho công tác giáo dục trẻ khuyết tật.

Cần có kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với học sinh khuyết tật hòa nhập 2

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Thường trực Ban chỉ đạo Giáo dục khuyết tật cho rằng trong thực hiện chương trình giáo dục chuyên biệt - hoà nhập các đơn vị  cần có kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh, cân nhắc kéo giãn thời lượng, nội dung bài học, giảm yêu cầu cần đạt ở giai đoạn đầu năm và chia thành nhiều “chặng” tiếp theo. "Không phải một dạng tật sẽ có một chương trình khác nhau mà chỉ có một chương trình, đó là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo Thông tư 32. Tuy nhiên giáo viên tuỳ theo năng lực và điều kiện của học sinh sẽ cân nhắc, điều tiết chương trình cho phù hợp với học sinh. Giáo viên có thể kéo dãn nội dung thời lượng bài học. Ví dụ, với học sinh bình thường nội dung sẽ được học trong 1 tuần, với trẻ khuyết tật có thể cân nhắc kéo dài nội dung học tập đó trong 1 tháng. Đối với học sinh bình thường, hết lớp 1 các em có thể tính toán đọc viết trong phạm vi 100, nhưng đối với trẻ khuyết tật đôi khi chỉ cần các em nhận dạng được từ 1 tới 10 cũng là một nội dung giáo viên làm được."  - Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng năm học 2022-2023 ngành giáo dục đã có một khởi đầu khá thuận lợi khi cuộc sống dần trở lại bình thường. Năm học 2022-2023, các đơn vị  cần chú động rà soát trang thiết bị, cơ sở vật chất để xem xét bổ sung, hoàn thiện và khai thác tốt, đồng thời chủ động hoàn thiện các chính sách cho giáo viên.

Ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng việc giáo dục trẻ khuyết tật - hoà nhập sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn do số lượng trẻ thuộc đối tượng này ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu: "Các hướng dẫn về mặt chuyên môn, đặc thù của ngành giáo dục khuyết tật - hoà nhập cần được thực hiện phù hợp, xác thực với các loại hình tật mà đơn vị tổ chức giảng dạy.  Đối với giáo viên, cần tiếp tục tăng cường công tác trao đổi chuyên môn trong nhà trường, giữa các đơn vị khác nhau trên tinh thần ngồi lại cùng nhau để xây dựng các tiết dạy, các chủ đề học tập phù hợp các loại hình khuyết tật. Từ đó, giúp các em  phát triển một cách toàn diện, tốt nhất, phát huy các năng lực đặc thù của bản thân."

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý các đơn vị khai thác các hỗ trợ về mặt chuyên môn, hoặc các hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác để có thể thực hiện giảng dạy và giúp học sinh phát triển hòa nhập tốt.