Chờ...

Cần giải pháp tổng thể giải quyết thừa - thiếu giáo viên

(VOH) - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19.

Tại phiên giải trình, câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra nhiều nhất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ là nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng thừa - thiếu giáo viên hiện nay. Đặc biệt trong bối cảnh việc tinh giản biên chế đang được các ngành, địa phương quyết liệt thực hiện.

can-giai-phap-tong-the-giai-quyet-thua-thieu-giao-vien-voh.com.vn-anh1
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình các ý kiến ĐBQH. (Ảnh: quochoi)

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Cần giải pháp tổng thể, lâu dài và bền vững để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, bởi nếu chỉ có một vài giải pháp sẽ rất khó giải quyết được. Ngoài ra, đây cũng không chỉ là việc của ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.

Với xu hướng tỷ lệ dân số ngày càng tăng, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ngày càng lớn, đòi hỏi về chất lượng giáo dục ngày càng cao… Bộ trưởng nhận định, nhu cầu về giáo viên sẽ ngày càng nhiều hơn, vì vậy, sẽ cần ngay giải cấp bách để giải quyết sớm vấn đề thiếu giáo viên. Bộ trưởng cũng đề cập cụ thể tới một số giải pháp để giải bài toán thiếu giáo viên như quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống trường lớp; các địa phương theo phân cấp cần chủ động điều tiết giáo viên ngay trong địa phương phù hợp với vùng miền, bậc học.

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến vấn đề thừa - thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề lớn, liên quan đến tổng thể các giải pháp làm thế nào đảm bảo lâu dài và bền vững việc sắp xếp phù hợp giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể tuy nhiên để thực thi các giải pháp này không chỉ phụ thuộc vào nội bộ ngành giáo dục mà còn liên quan đến các chính sách của quốc gia, địa phương.

Về mặt giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và thống nhất với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông; Chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học; Đẩy mạnh là xã hội hóa, tăng cường tự chủ ở các cơ sở giáo dục công lập mà có điều kiện xã hội hóa,...