Theo số liệu của Sở Y tế, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghi nhiễm COVID-19 được phát hiện tại trường, từ ngày 07/02 đến ngày 02/03/2022 là gần 40.000 (39.934) trường hợp trong đó 36.605/39.934(91,7%%) là học sinh. Nhìn chung, số trường hợp nghi nhiễm chung toàn thành phố ở học sinh là 2,3%.
Các địa phương có số ca nghi nhiễm cao nhất là Quận 1 (4.005), Quận Bình Thạnh (3.483), Thành phố Thủ Đức (3.303), Quận 12 (3.222) và Quận Tân Phú (2.871).
Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật từ các cơ sở giáo dục số lượng ca nghi nhiễm trong trường học hơn 44.000 ca, trong đó, học sinh thuộc ca nghi nhiễm ghi nhận là 40.385 ca (số ca học sinh phát hiện tại trường là 2.160 ca).
Một số cha mẹ học sinh không khai báo y tế địa phương và nhà trường khi có con em đang nhiễm bệnh, gây cản trở trong công tác khoanh vùng xử lý F1 tại trường.
Các đại biểu cho rằng, vai trò nhân viên y tế học đường rất quan trọng không chỉ trong đợt dịch này mà cả trong công tác chăm sóc sức khoẻ học đường. Tuy nhiên, thống kê chỉ có 56,3% (1.319/2.339) trường học có nhân viên y tế có chuyên môn theo đúng quy định.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết, nhiều cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách, gây khó khăn trong việc thực hiện phòng, chống dịch tại trường.
"Trong một thời gian nhất định, ngành không được tuyển nhân viên y tế. Gần đây mới được cho xét tuyển lại vị trí này. Thực tế, hiện có những trường không có nhân viên y tế chuyên trách mà là giáo viên kiêm nhiệm. Có những trường chuyên môn của nhân viên y tế không đảm bảo theo quy định. Qua đợt dịch vừa rồi, năm học 2021-2022 lực lượng này không được bổ sung mà còn "rơi rụng", "sứt mẻ".
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện Thành phố đã cung ứng khoảng 60.000 kit test nhanh cho các trường. Lực lượng nhân viên y tế học đường có vai trò rất quan trọng, không chỉ khi có dịch Covid-19 mà cả trong việc hạn chế các tật, bệnh không truyền nhiễm, góp phần nâng cao thể chất, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ thế hệ tương lai.
Hai 2 ngành y tế - giáo dục đã thống nhất sẽ có đề xuất với Thành phố về vấn đề nhân viên y tế học đường. Hiện quy định 4 vị trí (văn thư, kế toán, thũ quỹ và y tế học đường) nhưng chỉ có 3 biên chế. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có trường học không có nhân viên y tế học đường.
Ngoài ra, theo quy định việc trích quỹ từ Bảo hiểm y tế học sinh để phục vụ công tác y tế học đường chỉ được thực hiện khi nhân viên y tế học đường của đơn vị đó có chứng chỉ hành nghề.
Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin: "Chúng tôi đề xuất với Thành phố để thí điểm làm sao đảm bảo được, trước hết là số lượng nhân viên y tế học đường. Hai Sở sẽ cùng với các trường đại học đào tạo, đào tạo lại anh chị em này, đảm bảo công tác y tế học đường".
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội, HĐND Thành phố đánh giá cao sự phối hợp của Sở Giáo dục và Sở Y tế trong phòng chống dịch bệnh trong trường học. Ông Bình cũng khẳng định, sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng nhân viên y tế học đường và nhân viên y tế địa phương là rất quan trọng.
Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi, tại một số cơ sở, việc phối hợp này chưa kịp thời do lực lượng y tế địa phương còn thiếu về nhân lực.
Trưởng Ban Văn hoá Xã hội cho rằng: "Một trạm y tế hiện chỉ có 5-7 người, cao lắm là 10 người nhưng quản lý dân số hàng trăm ngàn người. Mỗi phường, xã, thị trấn có nhiều trường. Khi có một trường hợp F0, nhân viên y tế phải có mặt ngay thì khó có thể thực hiện được.
Thời gian tới, mong rằng bộ phận y tế, bộ phận giáo viên của nhà trường cần được tập huấn nhuần nhuyễn hơn để đảm bảo công tác sàng lọc, truy vết F1 tại trường tốt hơn. Những trường hợp khó khăn lắm mới liên hệ nhân viên y tế."