Chờ...

Chủ động đào tạo nguồn chất lượng cao cho ngành du lịch

(VOH) - Trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành.

Để phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch tại các địa phương này, cần có sự liên kết với TPHCM trong việc đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch…..TS. Từ Minh Thiện – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến gợi mở một số giải pháp trên tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”.

Hội thảo do Trường Đại học Văn Hiến cùng Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, nằm trong chuỗi sự kiện “Ngày hội du lịch TP.HCM lần thứ 18”, đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Trường.

Bốn vấn đề nổi bật được đặt ra tại hội thảo: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch; Liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Phát triển các loại hình du lịch đặc thù.

TPHCM với lợi thế là địa phương có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo về chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Nam. Trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu nêu thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay: “Hiện TPHCM có 140.000 nhân lực trong ngành du lịch, 15% đại học, 50% trung cấp. Qua đó cho thấy cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, một số cơ sở chưa đào tạo chuyên sâu, chỉ chú trọng đào nhân viên, mà chưa đào tạo nhân lực quản lý”.

lien-ket-vung-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-chat-luong-cao-voh.com.vn-anh1
Phần tọa đàm chuyên sâu thu hút nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu. (Ảnh: Huỳnh Linh)

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia lần lượt trình bày các tham luận chuyên sâu về các nội dung như: Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch; Kinh nghiệm liên kết, hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Những vấn đề đặt ra trong đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao sau đại dịch Covid-19; Liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19... nhằm hướng tới những giải pháp trọng tâm cho ngành du lịch, thúc đẩy tăng trưởng trở lại thời kỳ “bình thường mới”.

Với tham luận chủ đề liên kết đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, theo TS. Từ Minh Thiện: “Hoạt động du lịch nông nghiệp cần có sự quan tâm của cả hai ngành du lịch và nông nghiệp cùng với đó là sự tham gia của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Cần liên kết với TPHCM trong việc đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và dịch vụ du lịch, đa dạng hoá các loại hình du lịch, quảng bá và xây dựng các tour tuyến theo từng chuyên đề như du lịch làng nghề, du lịch – nông nghiệp công nghệ cao, du lịch theo hình thức farm tour…”.

Với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành du lịch TPHCM đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn là chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng… Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ…

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ Hành - Tổng Cục Du lịch đánh giá cao cách làm chủ động, sáng tạo của ngành du lịch TPHCM đồng thời cho biết ngành du lịch sẽ triển khai 1 số công việc trong thời gian tới: “Cần xây dựng chiến lược lâu dài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển chuyên ngành đào tạo du lịch vì thực tế sau đại dịch Covid đã tạo ra xu hướng mới do đó cần rà soát phát triển các ngành nghề phù hợp thực tiễn của ngành du lịch”.

Tại phần tọa đàm chuyên sâu, các diễn giả đã cùng tập trung vào việc thảo luận các nội dung về việc định hướng giải pháp cũng như cách thức thực thi nhằm thúc đẩy phát triển cho ngành du lịch Việt Nam: nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển ngành du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19; tập trung các giải pháp cụ thể cho các doanh nghiệp, địa phương; ứng dụng công nghệ mới; định hướng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch… 

Hội thảo còn đón nhận nhiều ý kiến thảo luận, đề xuất giải pháp đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn.