Sáng 14/7, Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng và giải pháp“ nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.”
Trong thời gian vừa qua, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều sự biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã bộc lộ ra sự lúng túng, bị động trong việc chuyển trạng thái từ dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bởi một số nguyên nhân như: cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật chưa đáp ứng cho việc dạy và học trực tuyến; giáo trình, bài giảng chưa được số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung; đội ngũ nhà giáo chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy trực tuyến, kỹ năng sử dụng công cụ giảng dạy trực tuyến còn yếu hoặc chưa được đào tạo; người học không có điều kiện để học trực tuyến tại nhà…
Hội thảo đã thẳng thắn nhìn nhận và phân tích thực trạng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay trên địa bàn thành phố, với các nội dung trọng tâm như: các vấn đề về xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; công tác phát triển chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp gắn với yêu cầu của chuyển đổi số; công tác phát triển hạ tầng, thiết bị và học liệu số; công tác phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học trong chuyển đổi số… trên cơ sở đó, đề xuất những chính sách, giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng kế hoạch, các chương trình, dự án đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.