Chờ...

Dạy-học trên internet cần sự chung tay góp sức của các đơn vị

(VOH) - Hầu hết các gia đình hiện nay có đường truyền internet băng thông chưa đủ lớn để học qua internet nên cần chung tay góp sức từ các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin.

Sáng nay 11/9, tại Hội thảo "Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới", diễn giả cho rằng dạy học qua internet nhằm tạo môi trường, giúp học sinh vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hội thảo do Trung tâm Phần mềm Quang Trung phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ  TPHCM tổ chức.

Một thống kê tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho thấy 55% trẻ em phải chuyển sang học trực tuyến do ảnh hưởng bởi đại dịch, 74 % học sinh không thích nghi được, 57% học sinh cảm thấy bài giảng khó hiểu hơn...Ngoài ra, việc ngồi học quá nhiều bên máy khiến tâm lý trẻ không ổn định trẻ dễ cáu gắt.

Dạy - học trên internet cần sự chung tay góp sức của các đơn vị cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin 1
Hội thảo trực tuyến "Chuẩn bị tâm thế cho trẻ học trực tuyến sẵn sàng bước vào năm học mới"

Tại Việt Nam, mặc dù việc dạy học qua internet đã được học sinh làm quen nhưng chưa bao giờ giáo viên và phụ huynh đối mặt với thời gian giãn cách quá dài như hiện nay. Những khó khăn về đường truyền, về việc thay đổi trạng thái tâm lý học sinh, những đặc điểm tâm lý lứa tuổi cũng như xáo trộn, khó khăn kinh tế của gia đình... là những thách thức lớn cho việc dạy học online. Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng phụ huynh có thói quen phó mặc việc học tập của con em cho giáo viên nên hiện gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, thời gian tới đây khi phụ huynh dần trở lại với công việc nhưng học sinh vì sự an toàn vẫn phải ở nhà học online lại càng nan giải. "Việc cùng con học, lại vẫn phải hoàn thành công việc công sở là một thách thức rất lớn cho cha mẹ học sinh. Chưa kể, nếu cùng một thời điểm, con học, ba mẹ làm, thỉnh thoảng lại có các cuộc điện thoại. Với một không gian chật hẹp như vậy, tôi cho rằng rất khó khăn", bà Nguyễn Thị Phương Hoa nói.

Không chỉ khi dịch bệnh bùng phát, mà từ những năm học trước Thành phố đã có sự chuẩn bị cho việc dạy học trên môi trường internet thông qua việc nâng cao trình độ tin học, mở các lớp thiết kế bài giảng điện tử cho giáo viên, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận phương pháp học tập trên môi trường internet, nhất là khối phổ thông. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM) hạ tầng kết nối đối với người học đang là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến việc chuyền tải, giao tiếp giữa học sinh học sinh, học sinh với giáo viên. "Hầu hết các gia đình hiện nay tại Thành phố có đường truyền internet băng thông chưa đủ lớn chuyển tải các ứng dụng. Hệ thống mạng 3G, 4G dung lượng rất hạn chế. Cần sự chung sức, chung tay của các đơn vị doanh nghiệp cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin''', ông Nguyễn Hồng Tuấn cho biết.

Tại Malayasia đễ hỗ trợ cho việc học tập online và làm việc từ xa Chính phủ giảm giá tiền điện từ 15-20%, có gói khuyến mãi băng thông rộng cho các hộ gia đình. Tại Mỹ, học sinh được nhà trường cho mượn thiết bị ipad với các ứng dụng học tập cần thiết. Trong giai đoạn phụ huynh phải đi làm, nhưng học sinh vẫn chưa được trở lại trường, các trường học và cộng đồng dân cư đề xuất hình thức nhóm học nhỏ, trong không gian giãn cách để dạy học cho các em. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải, Viện Nghiên cứu Giáo dục STEM, Đại học Missouri, Hoa Kỳ cho rằng giai đoạn học online sẽ là một kỷ niệm, ký ức khó quên của lứa học sinh,  thậm chí làm thay đổi cả hành vi thói quen sau này, nhưng cũng mang lại cho các em nhiều kỹ năng mới. "Cả nhà trường, phụ huynh, giáo viên và học sinh tất cả đều cố gắng. Không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng đang học, giáo viên cũng học, phía quản lý nhà trường, các nhà nghiên cứu cũng đang học. Bởi vì chúng ta phải làm những việc mà chúng ta chưa được đào tạo một cách bài bản, chưa bao giờ được trải qua một giai đoạn khó khăn như thế", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng hơn 1 triệu học sinh Thành phố đang cùng với gia đình trải qua những khó khăn do dịch bệnh. Ngành giáo dục triển khai hình thức dạy học trên internet vừa là nhiệm vụ, vừa là khát khao mong muốn đồng hành cùng xã hội giúp các em vượt qua khó khăn. Mục đích dạy học trong thời điểm này không nhằm chạy theo tiến độ, nội dung kiến thức mà là cần tạo môi trường cho các em. "Cách nhìn nhận và sự kêu gọi hiểu biết đồng thuận của đội ngũ giáo viên, nhà trường, đặc biệt là sự đồng hành của gia đình sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của việc dạy học qua internet. Trong lúc người lớn đang lo phòng chống dịch, các em cần có sự lắng nghe, sự chia sẻ giúp đỡ và cần sự chuẩn bị tâm lý cũng như điều kiện để học sinh có thể học tập tốt trên internet. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta lúc này", ông Lê Duy Tân nói.