Chuyện học ở quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Phần Lan là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, liên tục 6 năm liền. Đất nước này cũng là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục xuất sắc - nền giáo dục hạnh phúc. Điều gì đã làm nền một nền giáo dục hạnh phúc tại Phần Lan ?
Anna Nguyễn Anh Thy, 18 tuổi, đang học tại thành phố Mänttä là người Việt Nam đầu tiên tham gia "Cuộc đua kỳ thú Phần Lan". Là cựu học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Anh Thy cho hay điều làm em thích thú nhất là sự tự do, linh động trong việc lựa chọn kiến thức để học. Trong chương trình sẽ có những khoá học bắt buộc và tự học.
Anh Thy hào hứng chia sẻ: “Với các môn bắt buộc, em chỉ cần học qua những khoá học, tin chỉ cơ bản. Sau đó, tụi em được chọn những môn mà mình thực sự thích. Đó cũng là những môn mà mình định hướng là nền tảng cơ bản để tiếp tục lên đại học.
Bản thân em thích tìm hiểu những môn tâm lý học, triết học, xã hội, chính trị. Khi em đã hiểu được tiếng Phần Lan nhiều hơn, em bắt đầu học những kiến thức đó vì em thích, em cần và em muốn học. Việc học này làm cho bản thân mình tự lập”.
Đúng như mô hình giáo dục không áp lực mà mình từng nghe, Anh Thy cho biết em chưa bao giờ thấy áp lực vì điểm số trên lớp. Điều mà em đúc kết được trong thời gian học tại Phần Lan đó là ý thực tự học, sự mong muốn và khát khao tự chinh phục kiến thức cho bản thân mình và vì mình.
Bambi Đặng, một cựu du học sinh Phần Lan với xuất thân gia đình khó khăn ở Nghệ An, cô quyết tâm theo đuổi đam mê, tìm cách đi du học tại Phần Lan.
Trải nghiệm những khó khăn vất vả từ bản thân mình, cùng với những cơ hội tương lai mở ra khi được tiếp cận với nền giáo dục Phần Lan, Bambi Đặng trở thành nhà đồng sáng lập Tổ chức Finest Future - với mục tiêu kết nối và đưa hơn 15.000 học sinh các nước đến Phần Lan mỗi năm, trong đó có học sinh Việt Nam.
Bambi Đặng cho hay: “Phần lớn, các học sinh sang Phần Lan du học theo chương trình của Finest Future đều có mong muốn ở lại Phần Lan. Khi học xong chương trình cấp ba, học nghề miễn phí, các bạn có thể học tiếp lên đại học, cao học và tiến sĩ đều miễn phí. Cuộc sống, công việc, cơ hội việc làm khi các bạn rành tiếng Phần Lan rất lớn, vì Phần Lan thiếu nhân lực, nên sau khi học xong các bạn thường muốn ở lại”.
Điều gì làm nên một nền giáo dục tốt ở Phần Lan ? Tỷ phú Peter Vesterbacka – “cha đẻ” của trò chơi Angry Birds nổi tiếng thế giới - cho rằng mọi thứ đều bắt đầu từ nền giáo dục tuyệt vời, các trường học có những giáo viên tuyệt vời.
Ông Peter Vesterbacka kể: “Một vài điều nho nhỏ, như là mỗi giáo viên ở Phần Lan đều có bằng thạc sĩ ngay cả ở bậc Mẫu giáo. Vì vậy chúng tôi đầu tư rất nhiều vào giáo viên. Ở Phần Lan công việc giáo viên rất được ưa chuộng. Thầy cô được đánh giá cao và được kính trọng.
Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên muốn trở thành giáo viên nhưng họ không thể vì vào Đại học để trở thành giáo viên rất khó do nó là ngành hot. Và bởi vì nó rất phổ biến nên chỉ những người giỏi nhất mới có thể trở thành giáo viên”
Xây dựng trường học hạnh phúc tại TPHCM
Tiếp thu kinh nghiệm từ quốc tế, nghiên cứu những điều kiện cụ thể của bối cảnh trong nước, các trường học trên địa bàn TPHCM đã và đang quan tâm, định hướng trường học hạnh phúc trong các hoạt động.
Từ đầu năm học, học sinh trường THPT Đào Sơn Tây - Thành phố Thủ Đức - hào hứng hẳn với giờ sinh hoạt dưới cờ. Bởi tại đây các em được nhà trường giới thiệu về những học sinh, những người bạn cụ thể gần gũi với mình, có việc làm tốt trong tuần.
Các học sinh có hành động đẹp, ứng xử văn minh còn nhận được thư khen từ hiệu trưởng. Những việc làm nhỏ như nhặt điện thoại trả lại người đánh rơi, giúp bạn ghi bài hiểu bài sau đợt nghỉ học… được vinh danh như tiếp thêm động lực, lan toả niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho mỗi người.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây chia sẻ: “Trường học hạnh phúc đơn giản là làm cho cả thầy và trò đều hạnh phúc. Học trò và cha mẹ học sinh có niềm tin với nhà trường. Tất cả các mối quan hệ thầy – trò, giáo viên – nhân viên… đều phải được hạnh phúc và được bồi đắp hàng ngày. Ngoài kiến thức, cần bồi đắp cho học sinh niềm tin và tâm hồn đẹp.”
Tại trường THPT Võ Văn Kiệt - Quận 8, để hướng đến xây dựng môi trường học đường hạnh phúc, ban giám hiệu quan tâm nhiều đến văn hoá ứng xử trong nhà trường.
Các chuyên đề như xây dựng tình bạn đẹp, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phòng chống bạo lực học đường... góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện. Đây cũng là yếu tố sát sườn để có thể xây dựng môi trường mà nơi đó học sinh và giáo viên đều hạnh phúc, mở lòng chia sẻ, truyền đạt cũng như tiếp nhận kiến thức hiệu quả.
Giáo viên Đinh Thị Thu Phương, dạy môn Vật lý bộc bạch: “Khi dạy trong môi trường này, tôi cảm nhận học sinh rất dễ thương, rất ngoan, nên khi đến trường, tôi luôn muốn mang lại cho các con sự hạnh phúc, vui vẻ khi học tập ở môi trường này. Đặc biệt, khi nhìn nụ cười của học sinh chính là niềm hạnh phúc của mình.”
Quan niệm về hạnh phúc thực tế cũng thay đổi theo từng thời kỳ, từng cảm nhận cá nhân học sinh. Với điều kiện kinh tế đủ đầy của một bộ phận học sinh hiện nay dẫn đến tình trạng các em không biết rằng mình đang hạnh phúc.
Để xây dựng môi trường hạnh phúc, ban giám hiệu trường THPT Võ Thị Sáu - Quận Bình Thạnh, khuyến khích giáo viên tổ chức các hoạt động nhằm giúp học sinh “nhận diện” hạnh phúc như đưa học sinh đi thăm trại trẻ mồ côi, mái ấm nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ…
Ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Với quan điểm hạnh phúc là có thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Những giờ cuối năm, thay vì lớp liên hoan, chúng tôi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết hợp với phụ huynh, không liên hoan lấy tiền tổ chức thăm những trại trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão. Khi đến những nơi đó, thấy những mảnh đời bất hạnh, thấy được thực tế cuộc sống, các em thấy hạnh phúc. Và từ hạnh phúc đó sẽ lan toả.”
Theo khảo sát của Khoa Tâm lý học - trường Đại học Sư phạm TPHCM trên 8.600 học sinh THCS và THPT tại TPHCM, có gần 13% số học sinh được khảo sát cảm thấy stress, hơn 22% ở trong trạng thái lo âu, đặc biệt 13,6% có biểu hiện trầm cảm.
Nguyên nhân của tình trạng này do nhiều yếu tố như: áp lực gia đình, áp lực đồng trang lứa và trong đó có cả áp lực học tập. Vì vậy, một trong những khía cạnh quan trọng của trường học hạnh phúc chính là giải quyết vấn đề này.
Thuận lợi hơn khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng đến khơi dậy được tiềm năng của mỗi học sinh, nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo với tri thức, với sự vật hiện tượng xung quanh.
Trường THPT Võ Văn Kiệt - Quận 8, xây dựng kế hoạch phát triển cá thể học sinh trong học tập căn cứ vào Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc cũng như yêu cầu, mục tiêu của Chương trình giáo dục 2018. Qua đó, học sinh tiếp cận kiến thức theo phương pháp thích hợp nhất với bản thân. Từ đó, các em yêu thích, học với niềm say mê và không áp lực.
Bà Lê Thị Hồng Anh, Phó hiệu trưởng giải thích: “Có nghĩa là để học sinh chủ động phát huy năng khiếu, kỹ năng của các em trong từng môn học. Tăng cường sáng tạo của học sinh trong từng tiết học.
Nếu như trước đây, phương pháp dạy học của giáo viên thường tổ chức học sinh làm việc nhóm, thì hiện nay nhà trường chú trọng phát triển cá thể qua đó phát triển năng khiếu và sở trường, làm căn cứ định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau 3 năm học tập tại trường.”
Để có trường học hạnh phúc không thể thiếu sự đồng hành của công tác tư vấn tâm lý học đường.
Quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ những khúc mắc tâm lý của các đối tượng trong nhà trường sẽ giúp trường học hạnh phúc hơn. Và ở chiều ngược lại, trường học hạnh phúc sẽ giảm thiểu các vấn đề tâm lý tiêu cực, giúp công tác tư vấn tâm lý, định hướng nghề nghiệp, phát triển bản thân hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Xã hội học - Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM lưu ý: “Cần làm công tác tham vấn tâm lý không chỉ cho học sinh, mà cần tham vấn tâm lý cho các vấn đề của giáo viên và của phụ huynh. Phụ huynh và giáo viên rất cần được chia sẻ, lắng nghe và giúp đỡ”.
Giáo viên đóng vai trò then chốt trong môi trường học tập hạnh phúc
Tiến sĩ Giáo dục và Tâm lý Lê Nguyên Phương - hơn 20 năm là chuyên gia tâm lý học đường tại các học khu lớn của Hoa Kỳ - có cuộc trò chuyện với VOH về những vấn đề cần lưu tâm khi triển khai mô hình trường học hạnh phúc.
*VOH: Thưa ông, mô hình trường học hạnh phúc mang đến điều khác biệt gì so với trước đây ?
TS Lê Nguyên Phương: Theo UNESCO, khái niệm trường học hạnh phúc là một cách tiếp cận, giáo dục toàn diện và ưu tiên tới sự bình an, an lạc của người học và cả giáo viên. Và đây chỉ là một khuyến nghị mang tính chất tự nguyện. Mục đích chương trình này là tạo ra một môi trường học tập, hỗ trợ sức khỏe, hạnh phúc cá nhân, gia đình, cộng đồng.
Ngược lại, mô hình trường học thông thường tập trung vào thành tích học tập và có thể không ưu tiên phúc lợi hay sự an lạc của người học và giáo viên. Chương trình giảng dạy được thiết kế để truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho học sinh, trong đó nhấn mạnh đến kết quả học tập. Vì thế, môi trường học tập, có thể không có lợi cho vấn đề sức khỏe tinh thần của người học cũng như giáo viên.
Khái niệm "trường học hạnh phúc" vẫn đang phát triển và không có một cách tiếp nhận chung nào giống như một quy trình thống nhất toàn thế giới. Cũng không nhất thiết là phù hợp với tất cả mọi định chế cũng như mọi học sinh. Ý tưởng đặt ưu tiên vấn đề an lạc học viên và giáo viên đang thu hút sự chú ý của các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới.
*VOH: Thưa ông, để triển khai mô hình trường học hạnh phúc trong nước một cách hiệu quả, ngành giáo dục cẩn lưu tâm những vấn đề gì?
TS Lê Nguyên Phương: Trước tiên hãy nói tới nguồn lực. Tôi thấy có nhiều chính sách của chúng ta rất hay nhưng không bảo đảm nguồn tài chính.
Phải có một nguồn tài chính đầy đủ để thiết lập và duy trì trường học hạnh phúc. Tài chính bao gồm tài trợ để cải thiện cơ sở hạ tầng, trả lương cho nhân viên, đặc biệt là cho giáo viên, đào tạo giáo viên và thực hiện các chương trình và hoạt động thúc đẩy hạnh phúc trong nhà trường, trong đó có học tập về kỹ năng xã hội.
Giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng môi trường học tập hạnh phúc, vì vậy họ phải được đào tạo bài bản về vấn để học tập cảm xúc xã hội và các nguyên tắc về tâm lý tích cực để hướng dẫn cũng như tương tác hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển về cảm xúc và học tập của học sinh.
Nên khuyến khích giao tiếp cởi mở, hợp tác và tập trung vào sự phát triển toàn diện của học sinh, trong đó có sự an lạc và phúc lợi của giáo viên.
Phải có sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng, họ nên tích cực tham gia vào việc tạo ra một môi trường học tập hạnh phúc. Không thể những đứa trẻ đi đến trường là một "thiên đường hạnh phúc" để rồi quay trở về gia đình thì lại phải sống trong một "địa ngục khổ sở" nào đó. Vì vậy, chương trình này phải được hỗ trợ, ủng hộ, thậm chí bố mẹ, gia đình ở nhà cũng cần phải được đào tạo, tập huấn để họ có năng lực xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nguyên tắc thứ 2 là phát triển toàn diện. Các em có đạt được những kỹ năng sống để ra đời, ứng phó với những khó khăn và thách thức của xã hội hay không? Các em có quân bình việc học kỹ năng, cảm xúc xã hội với việc học tập, phát triển những bộ môn học thuật hay không? Điều đó rất quan trọng.
Cần lưu ý rằng chương trình này sẽ bao gồm sức khỏe nhận thức, xã hội cảm xúc và thể chất của các em. Phải tạo mối quan hệ tích cực trong gia đình cũng như học đường với nhau. Giữa học sinh, giữa giáo viên và ban giám hiệu rất quan trọng.
Việc học tập phải có ý nghĩa, đây là vấn đề khó của chúng ta. Chúng ta có thể tạo ra rất nhiều sinh hoạt ngoại khóa để cho các em thực sự hạnh phúc. Nhưng ngược lại, với các môn học và phương pháp dạy quá cũ kỹ, bắt các em phải học thuộc lòng và kiểm tra, trả bài.
Phải thay đổi, làm sao để có một thế hệ học tập nuôi dưỡng trí tò mò và khuyến khích học sinh làm chủ việc học của mình. Điều đó phải phát xuất từ nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên phải khác. Và như vậy, nó đòi hỏi những cái chính sách thay đổi tận gốc.
*VOH: Cảm ơn ông.