ĐHQG-HCM nhiều lợi thế để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực

(VOH) - Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) có nhiều lợi thế để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực.

Đó là nhận định của PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM tại Tọa đàm “Kế hoạch xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030” diễn ra vào ngày 21/12.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, ĐHQG-HCM có lợi thế về kế hoạch và kinh phí xây dựng. Trong Dự án Phát triển Giáo dục đại học Việt Nam do Ngân hàng thế giới tài trợ, ĐHQG-HCM đã có kế hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu tiên tiến và Đổi mới sáng tạo với diện tích sàn khoảng 45.000m2 và sẽ khởi công trong năm 2023.

Về nguồn nhân lực, ĐHQG-HCM là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, với hơn 80.000 sinh viên đại học chính quy, gần 9.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Tiếp đến là nguồn lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong năm 2022, ĐHQG-HCM đã vươn lên dẫn đầu cả nước về công bố nghiên cứu khoa học và các hoạt động liên quan khoa học.

Điều này cho thấy, ngoài tiềm lực về con người, tiềm lực khoa học công nghệ của ĐHQG-HCM rất lớn.

PGS.TS Vũ Hải Quân
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu tại Tọa đàm “Kế hoạch xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030”

Một trong những lợi thế được PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh, đó là lợi thế về vị trí. ĐHQG-HCM nằm trong TP Thủ Đức - một trung tâm đổi mới sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TPHCM và 2/3 diện tích thuộc địa phận TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

ĐHQG-HCM là nơi kết nối các địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam.

Giám đốc ĐHQG-HCM nhận định: “Các điều kiện thuận lợi này là nền tảng quan trọng để phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo ĐHQG-HCM (Innovation Hub), góp phần kết nối mạng lưới các chuyên gia, các hệ sinh thái vùng Đông Nam bộ và TPHCM.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo đạt đẳng cấp khu vực và thế giới, từ đó đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững kinh tế xã hội tại các địa phương”.

Xem thêm: Bí thư Nguyễn Văn Nên: TPHCM phải đổi mới tương xứng với vị thế và tiềm năng

Innovation Hub
ĐHQG-HCM nhiều lợi thế để xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực (Ảnh: T.Huy)

Để xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo, PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, ĐHQG-HCM phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

ĐHQG-HCM chưa có nguồn vốn lớn đầu tư cho con người. Hoạt động hợp tác với doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn.

Hiện nay doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở việc tuyển chọn nhân sự, chưa thực sự tham gia, đồng hành cùng các trường đại học trong việc đào tạo sinh viên, đảm bảo sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội; chưa có trung tâm nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tại Khu đô thị ĐHQG-HCM.

Ông Quân cho biết, một thách thức quan trọng khác là về thể chế. Theo các quy định của pháp luật, người đứng đầu doanh nghiệp đại học không phải là giảng viên, công chức, viên chức.

Điểm thắt về cơ chế này là rào cản rất lớn trong việc tạo điều kiện cho các giảng viên đại học tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là các hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp.