Vòng chung kết cuộc thi thiết kế bài giảng “STEM” lần 2 năm 2022

(VOH) - Sáng 2/10, tại Trường Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TPHCM diễn ra vòng chung kết cuộc thi thiết kế bài giảng “STEM” lần 2 năm 2022.

Cuộc thi Thiết kế, ứng dụng bài giảng STEM năm 2022 do Thành Đoàn TPHCM tổ chức, cuộc thi có sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, đơn vị phối hợp tổ chức là Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ là đơn vị Thường trực Ban tổ chức cuộc thi.

Đây là cuộc thi lớn về STEM dành cho các giáo viên tại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trên cả nước, các cá nhân quan tâm đến giáo dục STEM.

Cuộc thi nhằm khuyến khích giáo viên thực hành, tiếp cận, thiết kế sáng tạo bài giảng trong lĩnh vực giáo dục STEM, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy trong nhà trường, phát huy tiềm năng giáo dục STEM trong cộng đồng giáo viên, tạo điều kiện để thầy cô giáo có cơ hội giao lưu, chia sẻ kiến thức, đổi mới hình thức tổ chức lớp học, tăng cường tính ứng dụng và thực hành thông qua các bài giảng.

Vòng chung kết cuộc thi thiết kế bài giảng “STEM” lần 2 năm 2022 1
Phần trình bày của Thầy - Cô về bài giảng hoá học của những Enzyme xanh năm 2022

Sau 03 tháng triển khai, Ban tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận 108 bài giảng tham gia dự thi. Trải qua 2 vòng thi là Sơ loại và Bán kết, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra được 30 bài giảng chất lượng vào vòng Chung kết.

Tại vòng Chung kết, các Thầy/Cô giới thiệu ngắn gọn về nội dung, phương pháp bài giảng của mình, kèm theo học cụ sử dụng để minh họa sau đó trả lời các câu hỏi phản biện của Hội đồng Giám khảo. Căn cứ kết quả chấm điểm của Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức sẽ trao giải cho các bài giảng xuất sắc nhất.

STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics). Giáo dục STEM là một cách tiếp cận mới của thế giới trong dạy và học, trong đó tích hợp nội dung và kỹ năng khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học được tổ chức thường xuyên từ cấp trường đến cấp quốc gia tại nhiều nước Âu, Mỹ.

Phương pháp học của STEM là vận dụng học thông qua thực hành, hướng học sinh liên hệ với các hiện tượng, vấn đề, nhu cầu của cuộc sống, thế giới và kết hợp với rèn luyện và vận dụng các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21 như tìm thông tin, lập luận lô-gíc, hợp tác, điều tra, suy nghĩ thấu đáo, sáng tạo, giải quyết vấn đề. Mục tiêu của giáo dục STEM là chuẩn bị tốt hơn cho học sinh cho tương lai của chính các em trong thế kỷ 21 và chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

Bộ Giáo dục đã cho phép các trường thành lập câu lạc bộ em yêu khoa học. Nếu đưa STEM vào hoạt động của câu lạc bộ, phương pháp học tập của trẻ em sẽ được cải tiến theo chiều hướng tích cực. Giáo dục STEM luôn đề cao phương pháp Học qua thực hành (learning by doing), trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng vào thực hành và tạo ra được những sản phẩm hay giải quyết được vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Tại Việt Nam, giáo dục STEM là một lĩnh vực khá mới, mặc dù Bộ Giáo Dục Đào tạo đã có những bước tiến trong việc chuyển sang mô hình giáo dục STEM những năm gần đây như dạy học tích hợp, khuyến khích phương pháp STEM, thành lập CLB Khoa Học trong các trường, tuy nhiên việc triển khai giáo dục STEM trong các trường và đơn vị giáo dục còn nhiều khó khăn.