- Điều này được các diễn giả khẳng định trong Toạ đàm "Nghiện game online - Hậu quả khôn lường" do báo Tiền Phong tổ chức ngày 16/6, tại trường THPT Thành Nhân, quận Gò Vấp.
Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm "Nghiện game online - Hậu quả khôn lường" ngày 16/6.
Năm 2019 Tổ chức Y tế thế giới chính thức xếp nghiện game vào nhóm rối loạn hành vi gây nghiện, thuộc nhóm các bệnh tâm thần. Điều này cho thấy sự nghiêm trọng của tác hại từ game online. Ngoài những vụ việc chết người, việc nghiện game còn gây những tác hại to lớn lên cá nhân, gia đình và xã hội.
Trong đó, người nghiện game chịu những tác hại thể chất như: giảm thị lực, vẹo cột sống, rối loạn chuyển hoá trong cơ thể, cơ quan sinh dục giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh ... Đáng ngại hơn nữa là những tác động lên đời sống tâm lý tâm thần con người.
Chơi game mang đến những cảm xúc hưng phấn kích thích liên tục, thời gian dài làm cho não trạng bị ảnh hưởng, xuất hiện cơn đau đầu thậm chí hoang tưởng. Nghiện game, người trẻ tập trung quan tâm đến thế giới ảo và dần cách ly, mất sự kết nối với ba mẹ, bạn bè. Đến lúc nào đó, dừng máy tính, người nghiện sẽ cảm thấy cô đơn trong thế giới thật, cô lập trong chính ngôi nhà của mình. Không có giao tiếp, sẽ kém tự tin, ảnh hưởng tâm lý thời gian khá dài, dễ rơi vào trầm cảm, tâm thần.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Huỳnh An, Bộ môn Tâm lý học Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nghiện game sẽ làm biến dạng nhân cách của người trẻ. "Những thông tin, tình huống trong game tác động trực tiếp vào não trạng của mình. Nội dung game bắn giết bạo lực, sex rất nhiều. Khi chơi, bạn trẻ nhập tâm thì những trò game đấy nhập vào trí não. Khi sống trong thế giới đó một thời gian quá dài. Người nghiện sẽ thấy những hành vi giết chóc là bình thường và đem vào đời sống thật"
Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS), chuyên gia giáo dục trị liệu nghiện game nghiện game online, cho biết nhiều học sinh sinh viên đang theo học ở nước ngoài nhưng vì một số lý do trong đó có nghiện game cha mẹ phải đưa trở về Việt Nam để trị liệu. Chuyên gia này cũng cảnh báo, game online là cuộc chơi không có điểm dừng. Học sinh chỉ nên chơi game 30 phút/ngày, nếu vượt quá 30 phút sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, rèn luyện bản thân. Ông khẳng định game online là bóng đêm phủ lên tương lai của các em.
“Đầu tiên chỉ là chơi nửa tiếng, dần dần 2 tiếng. Khi kéo dài đến 3 tiếng tức là bắt đầu bước vào con đường nghiện game. Trong cuộc sống, các em phải học để đạt được trình độ, kỹ năng nào đó, lượng kiến thức các em phải bỏ nhiều công sức. Trong game online lại không cần bỏ công sức, được thưởng ngay. Phần thưởng bên trong đó chính là miếng mồi dẫn chúng ta tiếp tục việc chơi game” - ông Đặng Lê Anh nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện 175, có 3 yếu tố để phân biệt giữa người chơi game và người nghiện. Cụ thể người nghiện rất khó kiểm soát tần suất, thời gian, cường độ, hoàn cảnh chơi game, dù có nhiều bất lợi vẫn quyết tâm chơi game. Người nghiện game luôn dành sự ưu tiên và tâm trí cho việc chơi game. Và người nghiện game vẫn tiếp tục chơi game dù nhận thấy các hậu quả của việc làm này.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca giải thích: “Khi kết thúc một phần chơi game mà đạt được những thành công thì chất Dopamin trong não được tiết ra. Chất Dopamin này làm chúng ta vui, nhưng nó không phải của ta. Nó chỉ là của game và dễ dàng bị suy giảm. Khi nó giảm xuống rồi, người nghiện không có cách nào để vui được nên lại tìm đến game. Người sản xuất game biết được những khó khăn đó nên họ luôn làm cho game hay, sống động và nâng dần mức độ để làm người chơi tiếp tục bị lôi cuốn vào"
Theo đại diện Sở Thông tin Truyền thông, nghiện game là vấn nạn quốc gia và quốc tế. Ngành đã ban hành nhiều thông tư nhằm quản lý và điều chỉnh cập nhật thường xuyên. Chẳng hạn, quy định giờ mở cửa tiệm game không quá 10 đêm, thẩm định nội dung game trước khi đưa ra thị trường... Tuy nhiên có những trò game xuyên biên giới, có server từ nước ngoài gây khó khăn trong công tác quản lý.