Thông tin từ hội nghi cho biết tuần qua (từ 20/12), trên địa bàn huyện Củ Chi chỉ có trường THPT Quang Trung tổ chức dạy học trực tiếp. Tỷ lệ học sinh đi học hàng ngày trên 95%. Từ tuần sau 27/12, huyện sẽ tiếp tục mở cửa đón học sinh trường THPT An Nhơn Tây trở lại trường.
Giải thích về tiến độ công tác triển khai đón học sinh trở lại trường trên địa bàn huyện còn khá chậm so với mặt bằng chung của thành phố, ông Nguyễn Minh Long, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi cho biết: "Khi lấy ý kiến, đa số phụ huynh từ khối trung cơ sở sở trở xuống không đồng thuận nhiều, chỉ dưới 30%. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng diễn biến khá phức tạp nên chủ trương của thường trực UBND huyện chỉ mở cửa các trường trung học phổ thông trước. Khi nào đảm bảo an toàn mới cho phép tiếp tục mở các trường".
Theo bà Lê Thị Uyên, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, trong tuần đầu dạy học trực tiếp cho khối 12, trường được đoàn kiểm tra HCDC đánh giá cao công tác an toàn phòng chống dịch trong dạy và học tại trường: "Tính đến hôm nay là ngày thứ 5, không có trường hợp F0 nào phát sinh tại trường, cũng như không có trường hợp F1 thuộc diện cách ly quên đến trường. Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận rất cao, đến hiện nay là 100%, chỉ có một số em không tham gia học tập được. Tuần này, trường có 5 F0, 7 F1 hoặc gia đình có việc nên không đến trường được".
Thực tế tại các địa phương triển khai thí điểm dạy học trực tiếp, tỷ lệ học sinh trở lại trường tăng dần, ngay cả ở các địa bàn tăng cấp độ dịch lên vùng cam như Quận 10 hiện vẫn có trên 90% học sinh đi học trực tiếp.
Số ca F0 phần lớn phát hiện tại nhà và được thông báo kịp thời, các trường hợp F1 cũng giảm dần.
Tuy nhiên, một số địa phương cũng lo ngại khi triển khai đón học sinh các khối lớp khác trở lại trường sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, nhiều cơ sở trường học cũng như lực lượng giáo viên vẫn phải tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ tiêm chủng, phòng chống dịch.
Ông Trần Trọng Khiêm, Phó trường phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tân Phú đề xuất mở rộng các khối lớp 7, 8, 10, 11 trở lại trường. Riêng khối 6 trở xuống các em vẫn chưa tiêm vacxin tạm thời tiếp tục học qua internet: "Hiện nay, chúng ta vẫn là một khối trong một trường cho nên các lực lượng của nhà trường đều tham gia để hỗ trợ.
Vì vậy, công tác đón học sinh khá an toàn khi có được sự tham gia nhiều của giáo viên và sự hỗ trợ kịp thời của y tế địa phương khi cần thiết. Tuy nhiên, khi tăng thêm một số lượng khối lớp, lực lượng này sẽ chia nhỏ ra, điều kiện về cơ sở vật chất... sẽ là yếu tố nan giải".
Ông Lê Duy Tân, Trường phòng Giáo dục Trung học cho rằng, việc tổ chức dạy học trực tiếp là quyền lợi của học sinh. Thành phố không thí điểm công tác giáo dục, mà chỉ thí điểm chỉ thí điểm công tác phòng chống dịch tại các trường. Khi mở rộng ra các khối lớp, thách thức là việc đảm bảo khoảng cách, cơ sở vật chất.
Các giải pháp như chia ngày học như đề xuất của Quận Gò Vấp, huy động các lực lượng giám sát hướng dẫn học sinh trong các khung giờ ra chơi của trường THPT Mạc Đĩnh Chi... cần được ứng dụng.
"Không đi thì không bao giờ tới. Việc mở rộng việc học trực tiếp các khối lớp từ những phương án, tham mưu và chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành thì chúng ta sẽ thực hiện được.
Nếu chúng ta chậm, thì học sinh sẽ thiệt thòi, quyền lợi của các em không đảm bảo và đặc biệt là những diễn biến tiêu cực từ tâm lý của các em nếu học trực tuyến kéo dài", ông Lê Duy Tân cho biết thêm.
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM khẳng định sau ngày 25/12 các khối lớp 9, 12 cũng như các cơ sở giáo dục đã triển khai dạy học trực tiếp trên địa bàn huyện Cần Giờ vẫn tiếp tục học tập trực tiếp. Các cơ sở giáo dục rà soát lại đội ngũ nhân viên y tế trường học, tăng cường nhắc nhở việc tuân thủ 5K, rửa tay thường xuyên...
Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng từ thực tế dạy học tại Trường THPT Quang Trung cho thấy sự đồng thuận rất cao của phụ huynh cũng như sự mong mỏi được trở lại trường của học sinh là rất lớn. Vì vậy, phòng giáo dục và đào tạo cần mạnh dạn tham mưu lãnh đạo huyện Củ Chi để có kế hoạch đón học sinh trở lại trường phù hợp với thực tế chung của TPHCM và đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Ông Dương Trí Dũng lưu ý: "Làm sao đảm bảo sự an toàn của các em tại nhà trường bằng hoặc hơn sự an toàn khi phụ huynh giữ các em ở nhà. Đây là việc Củ Chi phải tính toán và truyền thông với xã hội, từ đó đó có kế hoạch cho phù hợp với kế hoạch chung của toàn thành phố".