Kích hoạt báo động đỏ

(VOH) - Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Công Chánh - trưởng trạm vệ tinh cấp cứu 115 Xuyên Á chia sẻ, khi tiếp nhận thông tin ca cấp cứu bệnh nhân vỡ gan vỡ lách, ngay lập tức quy trình báo động đỏ được kích hoạt. Quy trình báo động đỏ luôn là thao tác liền kề ngay sau có ca cấp cứu nặng nhập viện.

Báo động đỏ ngay tại y tế cơ sở

Trong dịp tình cờ, chúng tôi gặp được bác sĩ Nguyễn Kim Anh – khoa ngoại lồng ngực mạch máu – bệnh viện quận Thủ Đức – một phẫu thuật viên đang được biết đến khi phẫu thuật cứu sống ca tự đâm thủng tim tại tuyến y tế cơ sở.

Đặc biệt hơn, ca mổ tiến hành vào lúc 12 giờ đêm ngày 2/7/2016 kéo dài đến mãi tận gần 3 giờ sáng hôm sau. Thấy chúng tôi lấy làm lạ vì sao đêm hôm khuya khoắt mà ê – kíp bác sĩ lại trong tư thế sẵn sàng mổ cấp cứu như vậy, bác sĩ Kim Anh - phẫu thuật viên chính cuộc mổ hôm đó bật mí: “Trường hợp như ca vừa rồi vấn đề thời gian, phối hợp giữa các chuyên khoa để xử lí vết thương tim kịp thời rất quan trọng. Quá trình xử lý phải phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa từ cấp cứu nhận bệnh đến chẩn đoán hình ảnh phát hiện tràn dịch màng tim, vết thương tim rồi ngoại lồng ngực phối hợp để mổ, rồi hồi sức sau mổ - phải làm khẩn cấp và điều động kịp thời anh em bác sĩ từ ngoài bệnh viện vô ngay”.

Đây được xem là ca mổ xuyên đêm được thực hiện tại một bệnh viện quận, trên 1 bệnh nhân tự lấy dao đâm thủng tim. Điều gì đã làm nên sự khác biệt khi mà hầu như những ca bệnh tương tự trước kia điều phải thực hiện tại một bệnh viện lớn với đầy đủ các chuyên khoa hỗ trợ?

Câu trả lời nằm ngay ở quy trình báo động đỏ, có thể kích hoạt hệ thống báo động toàn viện bất kể lúc nào. Mỗi bác sĩ khi nhận lệnh, dù ở bất cứ đâu cũng phải trở về ngay lập tức với tác phong sẵn sàng tác chiến. Nói thì dễ nhưng để kích hoạt quy trình này đòi hỏi một sự chuyên nghiệp, nghiêm túc và trên tất cả là tấm lòng hướng về bệnh nhân.

Chỉ huy trưởng kíp mổ hôm đó, bác sĩ Nguyễn Minh Quân – Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức nhớ lại: “Khi bệnh nhân vô cấp cứu còn cái dao trên ngực, khoa cấp cứu nhìn vô biết ngay nên nhấn hệ thống chuông kích hoạt báo động đỏ. Khi nhấn nút nó sẽ báo về các khoa. Lúc đó ngây lập tức bác sĩ cắm dây truyền dịch vô, đo mạch, huyết áp lấy dấu hiệu sinh tồn đó là quy định rồi, xong đẩy vô phòng mổ luôn và các khoa ngay sau đó có mặt tại phòng mổ”.

Sẵn sàng 24/24 khi có… báo động đỏ

Phải nói rằng, xuất phát điểm đầu tiên của quy trình này đến từ bệnh viện Nhi đồng 1  - bệnh viện chuyên khoa nhi và ca “để đời” của bệnh viện là nhờ quy trình báo động đỏ đã huy động toàn lực cứu sống em bé bị dao đâm xuyên sọ. Kể lại lúc em bé con của mình bị đâm, chị Võ Thị Hồng Duyên, ngụ Vĩnh Long, không khỏi bàng hoàng: “Em nghe tiếng văng vẳng bên tay ghê quá, ghê quá, lúc đó chân em đã cứng ngắc rồi em chỉ lếch lên, mọi người không ai dám ẵm bé hết, có người kêu rút dao ra đi, nhưng em vừa định rút thì cái tay không làm được. Ngay lúc đó em bồng con đi tìm bác sĩ”.

Bé Dương Minh Phát vượt qua cơn nguy kịch nhờ quy trình báo động đỏ (Ảnh: VOH)

Không nhớ hết đã cấp cứu thành công bao nhiêu bệnh nhi vì số lượng quá nhiều, chỉ biết rằng, có những kỷ niệm không thể nào quên của các bác sĩ khi tham gia vào quy trình báo động đỏ này.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, kết thúc ngày đứng mổ mệt mỏi, rệu rã, có những hôm vừa chạy xe về tới nhà, điện thoại reo lên, nhận tín hiệu từ cuộc gọi “báo động” này thì bao mệt mỏi cũng tiêu tan vì tinh thần cấp cứu lấn át tất cả.

Nhờ tác phong “mọi lúc mọi nơi” như vậy mà ông đã cứu sống bệnh nhi Dương Minh Phát bị dao đâm xuyên sọ lúc 12 ngày tuổi hay bệnh nhi Nguyễn Quốc Huy - thai nhi bị xe bồn cán văng khỏi bụng mẹ.

Nhớ lại, bác sĩ Hiếu vẫn còn ấn tượng mạnh về ca có một không hai trong đời phẫu thuật của mình: “Trong vòng nửa tiếng mà chúng tôi đã tập hợp được các bác sĩ chuyên khoa trong từng lĩnh vực như bác sĩ Tuấn trưởng khoa X quang, trưởng khoa siêu âm chẩn đoán là bác sĩ Chí, trưởng khoa mắt bác sĩ Thái, trưởng khoa hồi sức sơ sinh là bác sĩ Tâm, trưởng khoa ngoại bác sĩ Thơi, rồi trưởng khoa gây mê phẫu thuật là bác sĩ Cường, thậm chí các phó khoa cũng vô hết… Đây là ca rất nặng, tiên lượng phẫu thuật rất khó”.

Khi nhận lệnh từ hồi chuông báo động đỏ ấy, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa hồi sức sơ sinh là một trong những thành viên được triệu hồi khẩn cấp. Bác sĩ Tâm vẫn còn nhớ như in lúc đó chị đã ở xa bệnh viện, khi nhận tín hiệu chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia vẫn là giọng nói khẩn trương quen thuộc: “Bác Tâm ơi vào ngay bệnh viện”:

“Buổi sáng đó tôi đang đi siêu thị mua sắm khi nhận lệnh báo động đỏ có ca như vậy tôi lập tức trở về bệnh viện với thời gian chỉ 10 phút thôi, để tiến hành làm những xét nghiệm cần thiết hội chẩn để đưa bé vô phòng mổ. Ca bé Phát cũng như tất cả các ca khác, khi có báo động đỏ đều kích hoạt thiết lập quy trình như vậy” - Bác sĩ Tâm chia sẻ.

Sở dĩ có được thành công, hiệu quả trong các ca cấp cứu sinh tử vì quy trình báo động đỏ cho phép huy động cùng lúc nhiều bộ phận liên quan để thực hiện cấp cứu nội viện.

Các bác sĩ chủ chốt, lãnh đạo khoa phòng phải luôn mở điện thoại 24/24h, và khi nhận được tín hiệu báo động có ca bệnh khẩn cấp, không cần biết là đang ở đâu, họ buộc phải quay về bệnh viện ngay lập tức. Và tất cả những nỗ lực mà chúng ta vừa thấy không nằm ngoài nâng cao chất lượng, hướng đến người bệnh theo chủ trương lớn đến từ cơ quan chủ quản là Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến luôn nhấn mạnh: “Tiến tới đích cuối cùng là vì người bệnh mà phục vụ, từ chỗ ban ơn thì bây giờ là phục vụ. Từ chỗ người bệnh đến cầu cạnh để chữa bệnh thì bây giờ người bệnh đến có quyền khám chữa bệnh tốt, với phương châm là niềm nở khi đến, tận tình khi ở, và chu đáo khi về.

Tại mỗi cơ sở y tế, nếu đồng lòng tất cả thực hiện quy trình báo động đỏ một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, bệnh nhân cấp cứu sẽ có cơ hội được sống rất nhiều, đôi khi chỉ cách vài giây thôi nhưng đó là cả sinh mạng con người.

Những việc làm mang tính đột phá của ngành y tế TP mà chúng ta đã thấy từ sự thành công của quy trình báo động đỏ được thực hiện tại bệnh viện Nhi đồng 1 nay đã lan tỏa đến các bệnh viện tuyến y tế cơ sở, bệnh viện quận, huyện của TP ngày nay đã tự tin, dám nghĩ dám làm vì người bệnh.