Giáo dục Việt Nam là "bí ẩn"

(VOH) - Tờ Business Insider vừa đưa thông tin đầy bất ngờ, Việt Nam là một ngoại lệ lớn nhất của giáo dục thế giới khi điểm số của học sinh Việt tại các kỳ thi quốc tế ngang ngửa với các nước giàu có như Phần Lan, Thụy Sĩ và hơn hẳn các nước khác như Peru, Colombia…

Theo Business Insider, sức mạnh kinh tế của một nước luôn ảnh hưởng tích cực tới kết quả thi cử của học sinh nhưng tại Việt Nam - một nước có thu nhập thấp – thì không như vậy. Học sinh Việt luôn đạt điểm cao trong các bài thi, kiểm tra quốc tế. Điều này trở thành "bí ẩn" đối với các nhà khoa học Mỹ.

Nguồn: Singh (2016) & World Bank WDI

Một bài báo năm 2014 so sánh kết quả kỳ thi TIMMS và nhận thấy trẻ em VN thể hiện ưu thế từ rất sớm: trẻ em VN có kết quả thi tốt hơn so với các nước đang phát triển khác và trẻ càng lớn thì khoảng cách này càng tăng. Bài báo đánh giá, học sinh tiểu học Việt Nam được đào tạo nhiều kỹ năng hơn so với học sinh các nước ở Peru hay Ấn Độ.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu Suhas D. Parandekar và Elisabeth K. Sedmik của Ngân hàng Thế giới vẫn đang cố gắng lý giải “hiện tượng” này dựa vào điểm số Chương trình đánh giá học sinh quốc tế hay chương trình PISA từ năm 2012.

Chương trình đánh giá PISA năm 2012 có 8 nước đang phát triển tham gia, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy, dù có thu nhập bình quân thấp nhất trong 8 nước (4.098 USD/người) nhưng học sinh Việt Nam vẫn đạt điểm số cao hơn. Với môn Toán, Việt Nam có điểm số cao hơn 128 điểm so với điểm số trung bình của 7 nước còn lại. Trong đó, có 70 điểm ở phần thi dành cho mức độ “thông thạo toàn bộ” - đồng nghĩa chất lượng giáo dục Việt Nam vượt hơn các nước khác đến 3 năm.

Nguồn: OECD-PISA database

Điều này được các nhà nghiên cứu Ngân hàng Thế giới giải thích cụ thể:

* Thứ nhất, do học sinh Việt Nam học nghiêm túc hơn: ít đi học trễ, ít nghỉ học không phép, ít bỏ học hơn. Học sinh Việt dành hơn 3 tiếng/tuần để học ở nhà, ít lo lắng về môn toán, tự tin áp dụng kiến thức...

* Thứ hai, phụ huynh Việt Nam quan tâm đến việc học tập của con cái hơn, đóng góp tiền cho các trường học của con nhiều hơn.

* Thứ ba, hệ thống giáo dục Việt Nam tập trung hơn. Việc giảng dạy, giáo viên được quản lý theo hệ thống và chặt chẽ.

* Thứ tư, các nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam đầu tư vào giáo dục nhiều hơn so với các nước đang phát triển khác, cơ sở hạ tầng trường học, nguồn tài nguyên cho giáo dục ở Việt Nam tốt hơn. Như máy tính ít hơn nhưng lại được nối mạng internet. Học sinh VN dường như được học hành sớm hơn và nhiều trẻ học mầm non hơn…

Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ lý giải một nửa nguyên nhân tạo nên thành tích học tập của học sinh Việt Nam và một nửa còn lại tiếp tục là “bí ẩn”.