Chờ...

Kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm, tự luận đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

(VOH) - Tham khảo thêm “một chút” kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm, tự luận sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Ngày mai (7/7), khoảng một triệu thí sinh trên cả nước sẽ bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 - đợt 1 trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh.

Chắc chắn thời điểm này, các sĩ tử đang trải qua cảm giác vô cùng lo lắng, hồi hộp, tuy nhiên nội dung đề thi năm nay đều nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Nội dung kiến thức được giảm tải do tác động của Covid-19 (năm học 2019-2020 và 2020-2021) không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay.

Do đó, thí sinh không cần quá lo lắng và giữ tâm lý ổn định để làm bài thi một cách tốt nhất. Với một số kinh nghiệm làm bài thi dưới đây, hi vọng các thí sinh có thêm vài “tips” để làm bài thi một cách tốt nhất.

Xem thêm: Hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2021 - toàn quốc có 45 thí sinh F0

Kinh nghiệm làm bài thi tự luận

* Nên đọc kỹ đề trước khi làm bài thi

Điều quan trọng trước tiên đối với môn thi tự luận là thí sinh phải đọc kỹ đề thi trước khi làm bài. Việc đọc kỹ đề bài có thể mất thêm một chút thời gian nhưng lại giúp thí sinh tránh làm lạc đề và có thể tập trung ngay vào vấn đề trọng tâm khi làm bài.

* Nên làm trước những câu mà bạn cảm thấy chắc chắn

Đối với môn tự luận, thí sinh nên làm trước những câu hỏi mà mình cảm thấy thuộc và làm chắc chắn nhất. Việc làm trước các câu này cũng giúp các em hệ thống các kiến thức có sẵn trong đầu một cách tốt hơn.

Nếu các em làm những câu này vào cuối giờ thi có thể sẽ rơi vào trạng thái làm bài gấp gáp, và các em sẽ quên béng những kiến thức có sẵn vì áp lực thời gian và bối rối khi cố nhớ lại kiến thức của mình.

thi tốt nghiệp thpt
Thí sinh nên làm trước những câu mà mình cảm thấy chắc chắn (Ảnh: HL)

* Nên đầu tư thời gian vào câu có điểm số cao

Đây cũng là điều mà các thí sinh cần cân nhắc bởi thực tế, những câu hỏi dễ thường có điểm số ít hơn. Việc phân bổ thời gian làm bài hợp lý là vô cùng cần thiết để thí sinh vừa có thể giải quyết nhanh gọn các câu hỏi dễ, vừa có dư thời gian để làm những câu hỏi khó hơn một chút nhưng có điểm số cao hơn.

Một khi bạn cứ làm theo cấu trúc đề thi hoặc dồn hết thời gian vào những câu dễ thì đến phần điểm cao bạn sẽ không còn đủ thời gian hoặc câu bạn hiểu rõ sẽ bị thừa ý và câu bạn bị thiếu thời gian sẽ bị thiếu ý.

* Trình bày bài thi sạch sẽ, khoa học

Một bài thi tự luận thường chứa rất nhiều, rất nhiều chữ, nhiều nội dung khác nhau, do đó ngoài việc làm đúng trọng tâm của đề bài, bạn cũng cần chú trọng đến vấn đề trình bày. Có thể chữ của bạn không được đẹp cho lắm nhưng nếu bố cục bài làm rõ ràng, dễ hiểu, không tẩy xóa thì cũng có thể tạo được thiện cảm của giáo viên chấm thi.

Kinh nghiệm làm bài thi trắc nghiệm

* Nên đọc kỹ đề trước khi làm bài thi

Cách làm bài thi trắc nghiệm sẽ hơi khác với làm bài tự luận. Tuy nhiên, đối với cả hai bài thi này đều có điểm chung là cần đọc kỹ đề thi.

Thi trắc nghiệm bạn sẽ không phải viết nhiều nhưng phải có sự tập trung cao vì kiến thức thi trắc nghiệm thường rộng hơn và có nhiều câu đánh đố.

thi tốt nghiệp thpt, thi trắc nghiệm
Cách làm bài thi trắc nghiệm sẽ hơi khác với làm bài tự luận. Tuy nhiên, đối với cả hai bài thi này đều có điểm chung là cần đọc kỹ đề thi.

* Chọn câu dễ làm trước

Sau khi đọc qua một lượt các câu hỏi, bạn nên chọn những câu dễ để làm trước để tiết kiệm thời gian.

Ngoài ra, thí sinh cũng cần nhớ, giải ra kết quả câu nào thì đánh dấu ngay câu trả lời vào phiếu để tránh bỏ sót. Nếu câu nào tạm thời chưa nghĩ ra hướng giải quyết thì bạn hãy làm dấu để cuối giờ còn thời gian sẽ quay lại.

Đối với những câu hỏi khó, thí sinh nên thận trọng, nhớ lại chính xác công thức, định lý và tính toán thật chắc chắn. Đậy chính là mẹo làm trắc nghiệm mà bạn cần ghi nhớ.

* Nếu không đủ thời gian, hãy đánh “lụi” các câu trả lời

Khi thời gian làm bài thi sắp hết, thí sinh nên quay lại để “giải” tất cả những câu còn bỏ trống. Nếu không thể giải được, hãy mạnh dạn “đánh lụi” theo cảm tính trước khi hết giờ làm bài. Cách này sẽ không mang đến kết quả cao nhưng trong “tình cảnh” này, thí sinh nên làm như vậy để trông chờ vào sự may mắn của mình.

Tuyệt đối, thí sinh không nên để trống câu trả lời vì một câu trả lời trống luôn luôn là một câu trả lời sai!

* Chỉ sử dụng bút chì để thi trắc nghiệm

Phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định và chỉ được tô bằng bút chì đen các ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh phải tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mà mình lựa chọn.

Những quy định trong phòng thi, thí sinh cần nhớ

Theo quy chế thi trong mỗi buổi thi, thí sinh có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của Ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Ngoài ra, thí sinh phải tuân thủ các quy định trong phòng thi như:

Ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình;

Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp;

Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ thí sinh báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.

Không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi.

Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).

Thí sinh phải bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình để làm rách, hỏng.

Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), Phiếu trả lời trắc nghiệm (đối với bài thi trắc nghiệm).

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ các đồ dùng sau: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; Máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ (cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT); Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác) do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; Các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác;

Những vật dụng bị cấm mang vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.