Lực lượng giáo dục góp sức tuyến đầu chống dịch (Kỳ 1)

(VOH) - Đã có hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trở thành tình nguyện viên tham gia chống dịch tại địa bàn của trường, vừa dạy online, vừa chống dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục với lực lượng giảng viên, sinh viên từ các trường cao đẳng – đại học cho đến những giáo viên ở trường phổ thông đã tham gia tình nguyện phục vụ công tác phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên các trường y khoa; Giáo viên vừa tham gia chống dịch tại địa phương, vừa tranh thủ soạn giáo án lên lớp; Sinh viên vừa hỗ trợ nhập liệu tại các khu cách ly, phong tỏa, vừa đảm bảo tiếp tục việc học.

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế về vấn đề các F0 khỏi bệnh tham gia công tác phòng chống dịch, nhiều giảng viên, sinh viên là F0, sau khi điều trị khỏi Covid-19, đã trở thành tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch tại địa phương, góp sức cho công tác chung của Thành phố.

Nhóm phóng viên VOH thực hiện loạt bài “Lực lượng giáo dục góp sức tuyến đầu chống dịch” với bài 1 nhan đề: “Vừa dạy, vừa học, vừa tham gia chống dịch!”.

Tháng 8/2021 khi Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8 đi vào hoạt động, cũng là lúc giáo viên trẻ Hồ Văn Đây, dạy môn Vật Lý, Trường Trung học cơ sở Tùng Thiện Vương, Quận 8 gói ghém hành trang, gia nhập đội ngũ phòng chống dịch tại đơn vị.

Từ người "ngoại đạo", chỉ được giao những phần việc như nhập liệu, lập sơ đồ, làm thủ tục xuất viện, đến nay người giáo viên đã thành thạo các công việc chăm sóc người bệnh. Từ đút thức ăn cho đến hỗ trợ vệ sinh, công việc nào anh cũng nhuần nhuyễn với những thao tác hợp lý, gọn gàng.

Giáo viên Hồ Văn Đây đang dạy học trực tuyến cho học sinh tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8
Giáo viên Hồ Văn Đây đang dạy học trực tuyến cho học sinh tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Quận 8.

Với người giáo viên trẻ, nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm nhiều lúc không đáng ngại bằng việc phải chứng kiến sự sa sút tinh thần của người bệnh khi nghe tin người thân trong gia đình qua đời.

Vì vậy, giáo viên Hồ Văn Đây không ít lần phải tránh thông báo cho người bệnh những thông tin thực sự về tình trạng sức khoẻ, sự sống còn của người nhà, chỉ với mong muốn giúp bệnh nhân có thêm tinh thần vượt qua cơn bạo bệnh. Năm học mới bắt đầu, người giáo viên ấy vẫn vững vàng trên 2 mặt trận vừa dạy chữ và vừa chống dịch:

"Nguyên ngày ở bệnh viện, những lúc nào rảnh, mình tranh thủ soạn bài. Tối về, có thể thức khuya thêm một chút để hoàn thành bài soạn. Hiện tại đang dạy học trực tuyến nên mình có thể sắp xếp được.

Đến ngày có tiết dạy, các bạn trong bệnh viện sẽ hỗ trợ một phần công việc để mình đứng lớp. Sau giờ dạy, mình lại quay vào tiếp tục công việc tại bệnh viện.

Có những bệnh nhân lớn tuổi, không thể tự chăm sóc bản thân, lại xa gia đình. Khi đút ăn, ông bà cứ nhìn mình như muốn khóc. Mình cứ xem họ là người nhà mà chăm sóc. Mọi người khoẻ mạnh, trở về nhà càng nhiều, có thể công việc mình sẽ kết thúc sớm nhưng sẽ ổn hơn so với tình hình hiện giờ.", giáo viên Hồ Văn Đây cho biết về một ngày làm việc của mình.

Tình hình cũng diễn ra tương tự khi ngày làm việc của giáo viên Phan Tấn Minh Vũ, Trường tiểu học Bình Trị 2, Quận Bình Tân dường như kéo dài ra thêm.

Thời điểm đầu năm học nên các công tác cập nhật, trích xuất, báo cáo các số liệu của trường, được yêu cầu thường xuyên, liên tục. Vậy mà, người giáo viên này lại đảm nhiệm thêm công tác quản lý hệ thống mạng của hàng chục điểm tiêm chủng trên địa bàn Quận Bình Tân.

Mấy tháng nay, cứ mỗi khi điểm tiêm chủng gặp trục trặc trong vấn đề thiết lập hệ thống hay di chuyển sang vị trí khác, người tổng phụ trách Đội, kiêm nhân viên quản trị mạng của trường Trường tiểu học Bình Trị 2, lại tất bật chạy xuống từng điểm trường, xắn tay thực hiện kết nối.

Tuy không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nhưng việc đi vào những khu vực nguy cơ của giáo viên này khá thường xuyên: "Đặc điểm Quận Bình Tân cũng là điểm nóng nên phần lớn các trường đều được trưng dụng để chống dịch. Có trường làm điểm tiêm vacxin, có trường làm điểm điều trị, trường làm điểm thu dung F0... Trường hợp đang được sử dụng làm điểm tiêm ngừa, sau đó cần mở thành điểm tập trung F0, F1, bắt buộc phải chuyển công năng, mình phải hỗ trợ.", anh  Phan Tấn Minh Vũ nói.

Theo thống kê bước đầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tham gia lực lượng phòng chống dịch tại các địa phương. Đội ngũ giáo viên cũng là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia tích cực trong các hoạt động phòng chống dịch.

Tại Quận Tân Bình, nơi có gần 650 giáo viên tham gia phòng chống dịch, thời gian qua đã có 7 người nhiễm Covid-19 trong quá trình thực hiện công tác. Địa phương cũng đã động viên, hỗ trợ kịp thời.

Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tân Bình cho biết, đội ngũ giáo viên đã tham gia rất tích cực. Suốt 2 tháng hỗ trợ chống dịch với hàng trăm con người nhưng những đánh giá từ địa phương gửi về luôn là những lời khen ngợi về sự trách nhiệm, tận tâm với công việc của các giáo viên.

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Tân Bình cho rằng: "Đây là lực lượng rất quan trọng để hỗ trợ vì địa phương không đủ nhân lực. Do đó, khi các trường được tận dụng làm điểm tiêm và đội ngũ nhân viên các trường hỗ trợ, đã đóng góp cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Ngoài điểm tiêm chủng, hiện một số trường và giáo viên các trường còn tham gia thực hiện an sinh, phân phối rau củ quả, mang thực phẩm cho người dân đến thời điểm hiện tại."        

Không chỉ giáo viên vừa lo dạy học vừa tham gia chống dịch, còn có một lực lượng khác hùng hậu về số lượng, thừa tinh thần xông pha của tuổi trẻ là các tình nguyện là sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố.

Hơn tháng nay, Giang Thị Mộng Như, một đảng viên trẻ, sinh viên năm thứ 2 trường Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đã trưởng thành hơn về mặt cảm xúc và thấu hiểu thêm nhiều hoàn cảnh của người dân trong lúc khó khăn này.

Mộng Như là tình nguyện viên của tổng đài 1022 nhánh 4, công việc của em là tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Thành phố. Mỗi cuộc gọi kéo dài chỉ từ 3 đến 5 phút, vừa kết thúc cuộc gọi này là đến cuộc gọi khác. Mỗi cuộc gọi là những hoàn cảnh khác nhau nhờ hỗ trợ, đòi hỏi các tình nguyện viên phải xử lý đầy đủ thông tin.

Lịch học online rơi vào buổi sáng, nên em dành khoảng thời gian còn lại trong ngày để đăng ký trực, góp một chút sức mình để hỗ trợ cho bà con.

“Khi người dân gọi đến để thông báo tình trạng khó khăn, họ vừa khóc vừa kể về tình trạng gia đình không còn gì ăn hoặc chưa nhận được hỗ trợ. Có những trường hợp gọi đến nói rất nhanh, tiếng được tiếng mất, báo tình trạng F0 của mình và gia đình. Những cuộc gọi như vậy rất nhiều, cứ tắt cuộc gọi này là một cảm xúc này, đến cuộc gọi khác lại đem cho mình cảm xúc khác. Vì vậy, mình phải thực sự bình tĩnh để tiếp nhận những thông tin”, Mộng Như chia sẻ.

SV Trần Văn Luân - Học viện Cán bộ TPHCM cùng các tình nguyện viên khác
Sinh viên Trần Văn Luân - Học viện Cán bộ TPHCM cùng các tình nguyện viên khác.

Hiện đang tham gia hỗ trợ tại Trung tâm y tế huyện Củ Chi, Trần Văn Luân, sinh viên Học viện Cán bộ TPHCM cho hay, công việc của các bạn là hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm tại địa phương, hỗ trợ tiếp nhận F0. Lịch sinh hoạt hàng ngày gần như bị đảo lộn tất cả, chỉ toàn tâm dành cho công việc chống dịch.

“Buổi tối, tụi em phải chuẩn bị sẵn mọi thứ. Có bữa lấy gần 20.000 mẫu thì tụi em phải chuẩn bị sẵn các dụng cụ y tế như là que, ống nghiệm, bông gòn….vật dụng dùng lấy mẫu. Có bữa mọi người chuẩn bị tới 12 giờ đêm chưa xong. Sáng ra, tụi em lại soạn tiếp nữa, nói chung nhiều việc lắm. Có bữa tụi em về xong lại lo hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân F0, từ 12 giờ khuya cho đến 4 giờ sáng hôm sau”, Luân kể. 

Bên cạnh đó, nhiều trường đại học với thế mạnh đội ngũ giảng viên y khoa đã chủ động nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ F0 từ xa. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi F0 khỏi bệnh đăng ký tham gia phòng chống dịch Covid-19, có những trường hợp giảng viên, sinh viên là F0, sau khi điều trị khỏi, đã đăng ký trở thành tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch tại địa phương, như một lời tri ân và góp sức cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

(Còn tiếp kỳ 2)