Lên kế hoạch cho chuyến đi:
Bạn muốn đi phượt xuyên những cánh rừng trên cung đường Hồ Chí Minh; hay muốn trải nghiệm con đường ven biển giữa vùng cát trắng Đồi dương - Phước Hải.... dù là đi đâu thì việc đầu tiên của bạn là xác định điểm đến. Có như vậy bạn mới chủ động sắp xếp lộ trình, những điểm dừng chân dọc đường và tìm kiếm thông tin các dịch vụ hỗ trợ như hàng quán, nhà thuốc, cây xăng, tiệm sửa xe... để lên phương án giải quyết cho các tình huống trong chuyến đi.
Một lộ trình chi tiết với các điểm dừng và phương án giải quyết tình huống tốt sẽ giúp bạn yên tâm hơn trên các cung đường
Liệt kê những nơi sẽ đi: Hãy tìm kiếm thông tin về những địa điểm thú vị dọc đường đi để xác định chính xác mình nên ghé điểm nào thì phù hợp, để tránh việc phải ghé vào quá nhiều điểm tương tự nhau trong khi lại bỏ qua mất 1 địa danh đặc trưng của cung đường ấy.
Vậy nên, bạn hãy liệt kê cụ thể những nơi muốn tới, những việc muốn làm và tham khảo ý kiến của cả nhóm để cùng thống nhất với lộ trình.
Chuẩn bị ô tô cho chặng đường dài:
Kiểm tra thắng (phanh) và vỏ xe:
Để đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc, hoặc đi trên quốc lộ..., hãy kiểm tra lại áp suất, độ mòn của vỏ và hệ thống thắng (phanh).
Đối với vỏ xe phải đủ áp suất theo khuyến cáo của nhà sản xuất, không đúng áp suất cũng làm tăng khả năng vỏ bị mòn nhanh, mòn không đều, rạn, nứt và nổ; làm giảm khả năng vận hành và sự ổn định của xe; làm tăng tiêu hao nhiên liệu và không thoải mái khi lái xe.
Đừng quên kiểm tra luôn áp suất của lốp dự phòng, kiểm tra xem bộ nâng xe (con đội) còn hoạt động tốt hay không và trên xe phải luôn có bộ phụ tùng sửa chữa nhanh.
>> Những điều cần biết khi lái xe trên đường ngập
Với hệ thống thắng, cần đảm bảo độ nhạy, tốt nhất nên mang xe đến các gara có uy tín để kiểm tra lại bộ phận quan trọng này.
Khi lưu thông trên đường trường, hãy giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện xung quanh (khoảng cách an toàn là khi đã đọc được biển số xe trước (hoặc sau) bằng mắt thường). Nếu không muốn vượt thì đừng bám sát xe trước quá. Nếu cần vượt, hãy quan sát kỹ xung quanh, mở đèn tín hiệu khoảng 4-6 giây trước khi vượt, chủ động-dứt khoát kiểm soát tốc độ xe.
Kiểm tra xăng, nhớt - động cơ:
Trước chuyến đi chơi xa, hãy kiểm tra lại hệ thống động cơ và dầu nhớt. Để kiểm tra tình trạng của dầu bôi trơn động cơ, các bạn có thể tìm chiếc que thăm nhớt máy (thường đặt cạnh động cơ và có màu vàng).
Kiểm tra động cơ bằng cách kéo cần số về N (Số 0), đề máy, sau khoảng 1 phút hãy đạp ga sâu, quan sát số vòng tua máy và khói xả có gì bất thường không. Lắng nghe tiếng máy xe và cảm nhận độ rung khi xe hoạt động có bình thường không. Nếu có, hãy mang đến gara để kiểm tra và bảo dưỡng ngay trước chuyến đi.
Các chỉ số cần thiết đều được hiển trị trên mặt đồng hồ
Với xăng/ dầu: hãy đổ đầy bình và đừng quên thường xuyên để ý đến đồng hồ đo nhiên liệu. Nên ưu tiên đổ ngay khi đồng hồ nhiên liệu báo còn khoảng 1/3 dung tích
Kiểm tra hệ thống đèn: Trước tiên cần vệ sinh các vết bám bẩn trên đèn để đảm bảo độ sáng. Tiếp theo, hãy kiểm tra độ sáng của tất cả các bóng trên xe để sửa chữa, thay thế nếu có vấn đề. Cuối cùng, căn chỉnh lại độ cao của đèn sao cho phù hợp với tốc độ để không gây ảnh hưởng tới các xe khác cùng lưu thông trên đường.
Kiểm tra hệ thống lọc khí: Để chuyến đi chơi Tết vui vẻ và an toàn, chúng ta cũng cần kiểm tra lại hệ thống sưởi ấm, điều hòa không khí. Bộ lọc khí nếu bị bẩn thì sẽ gây mùi khó chịu, thậm chí có khả năng gây bệnh đường hô hấp cho trẻ em, ngoài ra còn làm tiêu tốn nhiên liệu. Do đó đừng bỏ qua việc xem kỹ càng bộ lọc, có thể vệ sinh sạch sẽ hoặc nếu cần thì phải thay mới.
Kiểm tra ắc-quy: Xe bị chết ắc-quy giữa đường sẽ khiến cho chuyến đi chơi tết của bạn trở thành “cực hình” khi cả nhà phải xuống đẩy bộ, không tìm được sự trợ giúp.. hãy nhìn vào các đầu điện cực của ắc-quy nếu phát hiện thấy dấu hiệu bị ăn mòn hoặc rò rỉ thì ắc-quy rất dễ bị hỏng, nhất là khi đang đi trên đường. Để bảo đảm, hãy mang xe đến gara để đo kiểm mức độ tích điện của ắc-quy xem bộ phận này có cần phải thay mới hay không.
Kiểm tra gạt nước: Gạt nước cũng là bộ phận cực kỳ quan trọng nhưng thường xuyên bị lãng quên. Hãy tưởng tượng trên cung đường dài bụi bặm, khi cơn mưa xuân ập đến... sẽ rất khó để đảm bảo tầm nhìn nếu gạt nước không thể làm sạch được kính lái.
Trước tiên hãy châm đầy nước rửa kính, thông thường, bình chứa nước rửa kính sẽ nằm ở phía trước, bên trong khoang động cơ, tuy nhiên ở một số loại xe thì nhà sản xuất đặt nó ở phía sau cốp.
Tiếp theo, kiểm tra hai thanh gạt nước nằm trên kính lái xem chúng có hoạt động tốt và có bị trục trặc gì hay không. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên vệ sinh sạch sẽ bụi bẩn nằm bên dưới phần lưỡi gạt để đảm bảo khi gạt nước, những hạt bụi này sẽ không làm trầy và gây ảnh hưởng đến độ "sạch" và êm ái khi hoạt động.
>> Các bước cần thiết khi lái xe đường dài
Những vật dụng nên mang theo cho chuyến đi dài:
>> Một số cách tiết kiệm nhiên liệu khi vận hành ô tô
Sau khi đã kiểm tra các bộ phận quan trọng trên xe để đảm bảo cho một chuyến đi an toàn, chúng ta cùng cần chuẩn bị thêm một số dụng cụ được khuyến cáo, gồm:
- Búa cứu hộ
- Bộ tua vít/chìa khóa đầy đủ các kích cỡ - dụng cụ đa năng
- Bộ dây cáp nối bình
- Dây kéo xe
- Băng keo/băng dính loại tốt
- Đồng hồ đo áp suất lốp
- Bơm hơi mini
- Bộ dụng cụ thay lốp xe
- Hộp y tế
- Bình cứu hỏa mini
- Tiền lẻ (giấy 10.000 – 20.000) để trả phí đường bộ
- Dây xích bánh, xẻng đa chức năng (giúp xe vượt qua dễ dàng nếu chuyến đi của bạn phải xuyên rừng hoặc đồi cát, đầm lầy, địa hình hiểm trở)
- Camera hành trình để ghi nhận các tình huống hoặc cảnh đẹp trên lộ trình
- Đèn pin
- Bình giữ nhiệt
Nếu sở thích của bạn là đi phượt qua những cung đường nhiều thử thách, hãy trang bị cho mình bộ công cụ chuyên dùng trước khi bắt đầu chuyến đi.
Khi đã thực hiện đủ những bước trên, việc cuối cùng bạn cần làm là chuẩn bị hành lý kỹ lưỡng và lên đường.
Với các bước chuẩn bị cho chuyến du lịch Xuân như thế, chúc các bạn và gia đình một mùa Xuân đong đầy hạnh phúc và thêm yêu dải đất Việt Nam thân thương này qua những chuyến đi nhiều thú vị nhé !