Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, ngành Giáo dục tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học theo hướng đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; ổn định phương thức tuyển sinh; tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo và các giải pháp bảo đảm chất lượng; tăng cường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu về khoa học giáo dục.
Có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam.
Khuyến khích mở rộng và đẩy mạnh các quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để hình thành nhóm nghiên cứu mạnh; thu hút các nguồn tài trợ quốc tế, chủ động tham gia mạng lưới nghiên cứu và trao đổi toàn cầu.
PGS. TS. Nguyễn Đình Quân - giảng viên Bộ môn Quá trình & Thiết bị, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) kiêm Trưởng Phòng Thí nghiệm Nhiên liệu Sinh học & Biomass đánh giá, ngành giáo dục cả nước đang có những thay đổi rất mạnh mẽ để thích ứng với sự thay đổi của xã hội và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Riêng trong khối trường đại học, những năm qua có sự tiến bộ vượt bậc về thành tích nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Tuy những kết quả này còn chưa đóng góp nhiều vào nền kinh tế sản xuất, làm ra giá trị thực, nhưng rất đáng khích lệ vì nó tạo đà cho sự phát triển môi trường học thuật, đào tạo ra những thế hệ trẻ với tư duy dấn thân vào con đường khoa học kỹ thuật.
PGS. TS. Nguyễn Đình Quân cảm nhận rất rõ: “Các em sinh viên ngày một quan tâm hơn và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu, thi tài, khởi nghiệp. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết để Lượng gia tăng cùng Chất nhưng trong năm mới 2024, tôi tin rằng và mong rằng, chúng ta sẽ gặt hái nhiều hơn nữa, thành công hơn nữa – khi nội dung này được ngành Giáo dục xác định là một trong những trọng tâm phát triển”.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ 64 trong cơ sở giáo dục đại học và công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước, tăng cường ứng dụng, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học giáo dục. Hình thành, phát triển các loại hình nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh.
Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
Ngành Giáo dục cũng hướng tới việc ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030; đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục trong nước về cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo; tăng cường công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục các cấp học, trình độ đào tạo; quản lý văn bằng chứng chỉ thống nhất và hướng đến hội nhập quốc tế.
Từ những mục tiêu và nỗ lực của ngành Giáo dục, TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan - Trưởng Khoa Thú y - Chăn nuôi, Trường Đại học Công nghệ TPHCM kỳ vọng vào một sự chuyển biến lớn trong giáo dục, đó là "tạo dựng một môi trường học đường an toàn, hạnh phúc, thân thiện, trong đó người giảng viên được trân trọng, được đánh giá đúng năng lực và được đãi ngộ xứng đáng; người học được đảm bảo về chất lượng học tập, phẩm chất và năng lực; Có sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau mới tạo nên sự thành công trong giáo dục".
TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan cho rằng, để có được điều này, cần phát triển đồng đều trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, chăm sóc nhân tài, nâng cao cơ sở vật chất, phát triển khoa học công nghệ.
TS. Loan thông tin thêm, năm 2024, Khoa Thú y - Chăn nuôi, trường Đại học Công nghệ TPHCM đã lên kế hoạch xây dựng các chiến lược nhằm phát triển toàn diện người học, phát triển song song các mảng về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo chuyên môn cao, phát triển đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Thú y.
Bên cạnh đó, để hoàn hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, Khoa sẽ thành lập bệnh viện thú y, tạo điều kiện cho sinh viên được cọ xát thực tế, đồng thời phát triển về kỹ năng, thái độ, trách nhiệm cho người học đối với đối tượng mình chăm sóc tốt hơn.
Chung tay cùng ngành Giáo dục, Khoa sẽ nỗ lực tạo một môi trường học tập tích cực, học trò tin tưởng vào thầy cô, có cơ hội rèn luyện, va chạm thực tế để tăng thêm kỹ năng nghề nghiệp, thêm yên tâm về cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp.