Những khoản tiền nhà trường thu và không được thu

(VOH) - Để biết được các khoản thu đầu năm mà trường thông báo là đúng hay sai quy định, các phụ huynh cần hiểu rõ về các khoản nhà trường được thu và không được thu.

Sau hai ngày 24 và 25/9 – thời điểm nhiều trường học tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm, không ít phụ huynh tỏ ra bức xúc trước các khoản thu vô lý như: tiền điểm danh, tiền tổ chức khai giảng, tiền mua vở đồng phục, tiền mua điều hòa, bàn ghế, tiền thuê máy tính, tiền làm trạm biến áp...

Mỗi trường đều có cách lý giải riêng về các khoản thu mà mình đưa ra. Tuy nhiên, những khoản tiền nhà trường được thu và không được thu đã được quy định rõ ràng, phụ huynh hoàn toàn có thể phân biệt được, khoản thu nào đúng và khoản thu nào sai.

thu đầu năm
Ảnh minh họa: Phụ huynh chóng mặt với các khoản thu đầu năm học

Những khoản tiền nhà trường được phép thu

Dưới đây là những khoản thu đầu năm học mà nhà trường (cơ sở giáo dục công lập) được phép thu:

Học phí

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, năm học 2022 – 2023, nhiều tỉnh, thành phố đã có thông báo miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông như: thành phố Hải Phòng (100% học sinh các cấp được miễn học phí); Bà Rịa - Vũng Tàu (trẻ mầm non 05 tuổi được miễn học phí từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2023-2024, học sinh trung học cơ sở được miễn học phí từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2024-2025); Thành phố Đà Nẵng (hỗ trợ 100% học phí trong 09 tháng của năm học 2022-2023 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập); thành phố Cần Thơ (100% học sinh được miễn học phí)…

Các tỉnh, thành phố không được miễn học phí sẽ áp dụng khung học phí theo quy định của Chính phủ.

Xem thêm: Trường học phải lập dự toán và xây dựng phương án sử dụng khoản thu học phí

Bảo hiểm y tế (thu hộ)

Theo Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2012 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của học sinh bằng 4,5% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) nhân với số tháng tham gia tương ứng thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, phần còn lại 70% học sinh tự đóng.

Như vậy, số tiền học sinh tự đóng được tính như sau: 1.490.000 đồng x 4,5% x 70% = 46.935 đồng/tháng, tương đương với 563.220 đồng/năm.

Quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu

Theo Điều 9 Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT, kinh phí cho việc may, mua, thuê, mượn đồng phục và lễ phục lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường, đóng góp của học sinh, sinh viên hoặc các nguồn thu hợp pháp khác và phải được công khai thu, chi.

Quỹ Đoàn, Đội (thu hộ)

Tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường

Theo điều 7 thông tư 17/2012, dạy thêm, học thêm trong nhà trường là khoản thu thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Việc thu và quản lý tiền học thêm như sau:

a) Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm;

b) Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường;

c) Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.

Tiền phục vụ bán trú

Tiền học 2 buổi/ngày

Học phẩm cho học sinh mầm non (Tùy từng tỉnh, thành)

Viện trợ, quà, biếu, tặng, cho

Theo Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT thì cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Những khoản tiền nhà trường không được phép thu

Ngoài các khoản thu trên, nhà trường không được phép thu các khoản khác. Tuy nhiên, hiện một số trường vẫn thu thông qua hội cha mẹ học sinh – như vậy là sai quy định.

Thông tư 55/2011 ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh đã có những quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng các nhà trường sử dụng ban đại diện cha mẹ học sinh làm... bàn tay nối dài để lạm thu.

Thông tư này quy định rõ những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu gồm:

- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện

- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như:

  • Tiền bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường, đảm bảo an ninh nhà trường;
  • Tiền trông coi phương tiện giao thông của học sinh;
  • Tiền vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường;
  • Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
  • Mua sắm máy móc trang thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
  • Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục khác
  • Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022-2023, trong đó nhấn mạnh: "Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định".

Ngoài 7 khoản Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu như trên, văn bản cũng nêu rõ: "Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh".

Văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng nêu rõ: "Xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định".

Bình luận