Xin cho con chuyển lớp vì quỹ hội “quá nặng”
Vừa là một giáo viên dạy cấp ba, vừa là một phụ huynh có hai con đang học cấp 2 - chị T. M. (ngụ TP Thủ Đức) cho rằng, quỹ hội phụ huynh là khoản quỹ cần thiết bởi mọi hoạt động của học sinh trong lớp cần có chi phí để chi trả như photo tài liệu, dụng cụ phấn, giẻ lau, phần thưởng cuối năm hay thậm chí là mua giá sách, lắp máy lạnh cho lớp…
Tuy nhiên, trường hợp “không may”, một phụ huynh có thu nhập trung bình mà con học trong lớp có quá nhiều gia đình “có điều kiện” thì khoản quỹ này là một áp lực lớn.
Xem thêm: Hôm nay, hơn 1,6 triệu học sinh TPHCM hân hoan khai giảng năm học mới 2022-2023
Chị M. chia sẻ: “Mình từng phải đóng tới 2,5 triệu tiền quỹ lớp cho con khi con học lớp 6. Tất nhiên, đóng tiền nhiều thì con được hưởng nhiều tiện ích, nhiều chương trình vui chơi – nhưng mình thấy có cả những khoản chi không quá cần thiết như tổ chức chương trình Giáng sinh, rồi ăn liên hoan Tết, tặng quà Thầy Cô, lì xì các con… Tổ chức nhiều chương trình như vậy vô cùng tốn kém nhưng một số phụ huynh sẵn sàng góp thêm nên các phụ huynh khác cũng khó nói”.
Theo chị M., giáo viên không giàu vì những món quà ngày lễ, ngày Tết, nhiều khi chỉ một bó hoa tượng trưng cũng vui rồi. Chỉ có điều, ban đại diện phụ huynh lớp con của chị “làm quá” - thành ra các phụ huynh phải đóng quỹ nhiều.
Chị M. sau đó cũng chuyển cho con sang một lớp khác – với điều kiện phù hợp hơn, con cũng cảm thấy thoải mái, vui vẻ, còn “mẹ thì không phải lấn cấn và mất thời gian trên nhóm bàn về quỹ phụ huynh, tổ chức chương trình gì, bao nhiêu tiền…”
Tương tự như chị M., một phụ huynh khác có con đang học cấp 2 cũng "phát sốt" khi từ cuối năm học trước tới đầu năm học này, chị đã phải đóng 2 lần tiền quỹ phụ huynh với số tiền 1,2 triệu đồng. Số tiền này để chi trả cho việc lắp đặt lại bộ máy lạnh (máy lạnh xin từ lớp khác), sơn lại lớp và còn bao gồm cả tiệc buffet liên hoan cho trẻ có giá hơn 300.000/suất tại một nhà hàng sang trọng.
Phụ huynh này cũng nêu ý kiến: “Đóng quỹ nhiều chút thì các con được thụ hưởng nhưng hội trưởng phụ huynh tổ chức chương trình dựa trên điều kiện kinh tế của họ, chứ không phải bình diện chung, nhiều khi cảm thấy rất mệt. Nếu mình hoặc vài người phản đối thì lại gây ra tranh cãi, phụ huynh khác lại kể cho con nghe, rồi các con truyền tai nhau, rồi con mình lại không vui… Bởi vậy, mình thấy rất khó xử. Nộp mà ức”.
Một phụ huynh khác có con học tiểu học thì cho rằng, trong các chi phí mà hội phụ huynh chi trả, thì phí lắp máy lạnh - khiến tôi không hài lòng. Trẻ mới vào trường, phụ huynh đóng góp lắp máy lạnh. Khi lên lớp, chuyển sang phòng học khác thì lại phải xin trường chuyển máy lạnh đi. Rồi lên lớp tiếp theo lại chuyển máy lạnh sang lớp mới. Máy lạnh mỗi năm di dời 1 lần, lại phải đục tường, trát tường. Máy lạnh cũ lắp sang lớp mới vài ba ngày lại trục trặc.
“Các trường cần cân nhắc việc lắp đặt máy lạnh sao cho phù hợp và ổn định. Chẳng hạn, cho trẻ học một lớp đến khi hết cấp để máy móc mà phụ huynh đầu tư cũng ổn định, chứ năm nào gần vào học cũng di dời máy lạnh thì bụi bặm, lãng phí. Trong khi đó, nếu học một lớp suốt nhiều năm, máy lạnh không phải tháo ra lắp vào nhiều lần thì hoạt động sẽ tốt hơn.
Đến khi con học hết cấp, nhà trường có thể vận động phụ huynh tặng lại máy lạnh đó, hoặc các thiết bị khác như tivi, giá sách... cho các lớp học sau này. Như vậy tôi nghĩ sẽ tốt hơn nhiều” – nam phụ huynh nêu ý kiến.
Nên thu quỹ lớp như thế nào?
Theo chị M., không có một quy tắc nào trong việc thu quỹ hội phụ huynh được coi là phù hợp cả. Bởi tùy theo từng cấp học, mức thu cao thấp sẽ phụ thuộc vào các khoản cần thiết phải chi. Chẳng hạn như với các lớp 12, việc thu quỹ tới 1 triệu đồng cũng là bình thường bởi giai đoạn này, chi phí photo tài liệu bài tập, đề cương học của học sinh rất nhiều. Với các lớp nhỏ hơn thì có thể thu ít thôi vì chi phí dành lo cho các bạn ít hơn.
Chị M. kể, ở lớp cấp 2 của các con chị, trong 1 năm nếu không phải lắp đặt máy lạnh, thì chỉ đóng tối đa 500.000 đồng, như vậy cũng phù hợp và cũng đủ chi phí cho các hoạt động nho nhỏ của các bạn. Chị và các bậc phụ huynh khác không phải nặng đầu cho vấn đề này.
Phụ huynh A. D. - cho đến nay, chị không có chút phàn nàn nào về quỹ hội phụ huynh bởi lớp con chị học cả phụ huynh và cô giáo đều rất dễ thương.
“Khi họp phụ huynh, có phụ huynh đề xuất đóng quỹ lớp 500.000 đồng. Nhưng một số phụ huynh cho rằng chỉ đóng 200.000 là được – vì họ có nhiều con đi học. Cô giáo cũng nêu ý kiến rằng, các phụ huynh nên đóng 200.000 đồng là được. Khi nào hết quỹ thì phụ huynh họp đóng sau. Mọi khoản đều được ban đại diện vun vén trong số quỹ đó nên cũng không chi quá tay khoản nào cả”.
Mấy năm học, chị D. đóng góp quỹ phụ huynh chưa bao giờ quá 500.000 đồng, mọi hoạt động cho các con ở lớp, các hoạt động tri ân thầy cô vẫn được duy trì. Chị D. cảm thấy khá an lòng, các phụ huynh cũng không lấn cấn gì nhiều bởi mọi người hiểu nhau, ai có thì góp thêm – chứ không “đổ đầu”, bắt nộp nhiều quá.
Anh H. G. cho biết, ở lớp 2 con anh từng học năm trước, anh cũng chỉ đóng 300.000 đồng tiền quỹ hội phụ huynh. Mọi người động viên nhau là phụ huynh nào có nhiều hơn thì đóng thêm, còn không có thì không phải nộp. Số tiền này chủ yếu chi trả cho các khoản đồ dùng học tập, tủ sách… của lớp. Trong ngày lễ, Tết, phụ huynh tặng quà riêng hay quà chung gì bằng tiền cho cô giáo chủ nhiệm - cô cũng đưa vào quỹ và nhắn tin cảm ơn.
Số tiền quỹ này cô giáo cũng đề xuất dành một chút để mua bảo hiểm y tế cho các bạn trong lớp còn khó khăn, mua đồng phục cho bạn không có đồ mặc và mua các món đồ dùng học tập nho nhỏ để làm quà tặng khuyến khích hàng tuần các bạn có cố gắng trong quá trình học.
“Bởi vậy, quỹ phụ huynh đôi khi không cần quá nhiều, tặng quà cho thầy cô cũng không phải là vấn đề cần phải bàn cãi – bởi ý nghĩa hay không vẫn nằm ở người chi và sử dụng món tiền ấy. Với cách làm của ban đại diện lớp con tôi và cô giáo của con – tôi cảm thấy vô cùng trân quý” - anh G. góp ý.
Vào đầu mỗi năm học mới, phụ huynh luôn phải tất tả để lo đủ thứ tiền cho con từ tiền sách giáo khoa, tiền quần áo đồng phục đến tiền học phí, tiền mua bảo hiểm... và cả tiền quỹ hội phụ huynh. Bởi vậy, nếu phải dành quá nhiều cho quỹ hội phụ huynh thì sẽ là một gánh nặng, nhất là với những bậc cha mẹ có thu nhập thấp.
Để loại quỹ này không còn là gánh nặng của phụ huynh – thì những người phụ trách quỹ cần cân nhắc thu sao, chi sao cho phù hợp, phù hợp với thu nhập của tất cả các phụ huynh, phù hợp với sinh hoạt của các con – và không gây ra sự bối rối cho những bậc làm cha làm mẹ, không gây cảm giác nặng nề cho các giáo viên khi tri ân họ từ nguồn quỹ này.