Nỗi lo cha mẹ vắng nhà, con học trực tuyến

(VOH) - Không ít phụ huynh hiện bối rối khi giải bài toán giữa công việc làm và kèm con học online khi các công ty, doanh nghiệp lần lượt mở cửa, người lao động dần trở lại làm việc trực tiếp.

Không người hỗ trợ

Chọn lựa nào cũng khó, đặc biệt với những gia đình trẻ không có sự trợ giúp của người thân.

noi-lo-cha-me-vang-nha-con-hoc-truc-tuyen-voh.com.vn-anh1
Không ít phụ huynh hiện bối rối về việc con học online khi các công ty, doanh nghiệp lần lượt mở cửa, người lao động dần trở lại làm việc trực tiếp. (Ảnh: HL)

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ngụ tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh vừa trở lại xưởng sản xuất giày làm việc từ 2 tuần nay. Đợt trở lại này, chị Tâm làm việc với tâm thế rất khác, vừa làm thiết kế các mẫu giày vừa kiêm công việc kèm con trai mới vào lớp 1 học tập online. Chị cho biết chở con cùng đi làm là giải pháp chẳng đặng đừng khi môi trường nhà xưởng, văn phòng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, con vừa vào lớp 1, lại học online, nếu chị mang gửi con sang nhà người quen như trước đây thì không đảm bảo việc học tập của con.

Vợ chồng chị cũng nghĩ đến phương án gửi con về quê nhờ ông bà chăm nhưng cũng đành bỏ cuộc, bởi ông bà lại càng không thể hỗ trợ cháu học tập từ xa qua internet. Vì vậy, chị rất mong ngày trẻ con sớm được trở lại trường để học tập hiệu quả, cha mẹ cũng đỡ vất vả hơn. "Tới tháng 1 năm sau mới đi học ở trường nên tôi lo lắm. Từ giờ tới đó còn mấy tháng nữa, ngày nào cũng chở theo. Cũng sợ, nhưng giờ tôi cũng không gửi con cho ai được. Thực sự, tôi cũng sợ dịch. Nếu ở công ty hay xưởng có người mắc thì con tôi cũng khả năng bị lây, nhưng nếu ba mẹ đi làm bị lây bệnh thì về cũng lây cho cả nhà", chị Tâm chia sẻ.

Tương tự, chị Lê Tâm Anh, ngụ Quận Tân Phú, giảng viên một trường cao đẳng có 2 con trai cùng ở lứa tuổi tiểu học, cho biết hiện tại gia đình chị có thể sắp xếp để 1 trong 2 vợ chồng có thể làm việc tại nhà, hỗ trợ việc học online của con nên cũng tạm ổn. Tuy nhiên, tới đây cả 2 người đều đi làm trở lại, việc bố trí học online cho 2 con cũng là một vấn đề. Bỏ qua các yếu tố máy móc thiết bị, không gian học tập cho con, điều chị lo lắng là việc giám sát việc học của con tại nhà. Hai vợ chồng bàn nhau sẽ nhờ bà ngoại sang nhà, trông cháu giúp trong thời gian cả 2 người đều đi làm. Ngoài ra, chị hướng dẫn con lớn việc mở máy, vào địa chỉ học tập để con có thể tự học và hỗ trợ cho em nhỏ của mình.

"Nếu hỏi khó khăn về học online thì rất nhiều khó khăn, nhưng thời điểm này tự tin để con đến trường thì cá nhân tôi chưa. Tôi không muốn ấn định về thời gian, chỉ muốn hãy tổ chức cho trẻ đến trường khi chúng ta có sự tự tin vào hệ thống y tế, về quản lý trường học, làm sao đảm bảo công tác phòng chống dịch cho trẻ", chị Tâm Anh khẳng định.

Cùng lo lắng về việc học online khi ba mẹ trở lại công việc, chị Võ Trúc Vy, ngụ tại Quận 10 cũng đang tập cho con các thao tác vào lớp học trực tuyến. Trường tiểu học nơi con chị theo học lớp 2 thực hiện kết hợp giữa cung cấp link video bài giảng và học trực tuyến cùng giáo viên. Với những clip bài giảng giáo viên gửi sẵn, chị tải về và đăng lên kênh youtube cá nhân. Mỗi ngày, con gái chị chỉ cần mở ti vi chọn kênh youtube của mẹ vào học. Dù có cách làm khá đơn giản, hiệu quả, nhưng chị Vy chia sẻ bản thân cũng may mắn do có bà trông cháu phụ. Chị Vy cho biết: "Bà nội trông cháu được. Với việc học, tôi hướng dẫn con cách vào Google Meet, các tình huống có thể xảy ra. Ba mẹ đang ở nhà có thể chỉ dẫn con, phòng hờ trường hợp nay mai cha mẹ đi làm bình thường trở lại, con ở nhà có thể xử lý. Thực ra, cả 2 vợ chồng đều đi làm thì rất khó".

Nhà trường và gia đình phối hợp tìm cách

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng việc dạy học trực tuyến là một xu hướng trong xã hội. Ở lứa tuổi nhỏ, cha mẹ cần quan tâm con nhiều hơn, đồng hành với con, hỗ trợ con hình thành nề nếp, tạo điều kiện môi trường học tập tốt nhất có thể cho con. Qua đó, định hướng về phương pháp học, lên kế hoạch học tập, xây dựng ý thức tự giác. Trong giai đoạn trước khi chính thức trở lại công việc, phụ huynh cần giúp con hình thành được các kỹ năng thao tác cần thiết.

"Trước khi phải đi làm, phụ huynh nên cùng các con thiết lập một kênh thông tin để khi cần có thể hỗ trợ con ở mức nào tốt nhất có thể. Riêng các cháu còn quá nhỏ, tôi thực sự rất lo lắng khi cha mẹ cùng đi làm mà con ở nhà không có người lớn hỗ trợ. Tôi thấy đây là một vấn đề thách thức, cần được suy nghĩ theo góc độ hỗ trợ như thế nào từ phía nhà trường, từ phía gia đình để đảm bảo an toàn cho các con trong quá trình học tập", bà Phương Hoa cho nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, khẳng định tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học là giải pháp cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh. Thực tế dạy học trực tuyến khó có thể đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng nếu phủ nhận cho rằng việc học trực tuyến hoàn toàn không hiệu quả cũng không chính xác. "Chí ít cho đến thời điểm này, học sinh của chúng ta cũng đã và đang học được một số điều cơ bản. Đặc biệt đối với học sinh tiểu học, hết năm, các em có thể biết đọc biết viết thay vì không biết gì. Nếu tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh được thực hiện tốt sẽ còn là một liệu pháp tâm lý tốt cho trẻ giai đoạn đặc biệt này. Bởi vì, ở nhà một thời gian dài chắc chắn con em mình bắt đầu trở nên nhàm chán, mệt mỏi và không còn gì hấp dẫn để các con chơi. Khi con học trực tuyến, được thầy cô giao việc, được bố mẹ hỗ trợ, việc tập trung dạy cho con học vừa hữu ích cho con, vừa giúp con đỡ nhàm chán và thời gian không lãng phí", ông Hoàng đánh giá.

Hiện tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM đang dần được kiểm soát. Ngành y tế cũng có kế hoạch tiêm ngừa Covid-19 cho học sinh nhằm tạo điều kiện cho các em sớm trở lại trường. Những ngày tháng khó khăn rồi cũng sẽ dần qua, nhưng những kỹ năng thích ứng, kỹ năng học tập... sẽ theo các em mãi. Chúng ta có thể thấy rằng, việc phụ huynh phải chật vật xoay sở cân bằng giữa việc học của con và việc làm của bản thân, nhất là trong giai đoạn đặc biệt như hiện nay, sẽ có những ý nghĩa nhất định trong quá trình phát triển của đứa trẻ cũng như của xã hội.