Sinh viên thích thú tìm hiểu 'Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực'

VOH - Các nhà khoa học hiện đang trong giai đoạn đưa kính thiên văn lên đỉnh Greenland với mong muốn chụp được các bức ảnh lỗ đen với độ phân giải cao hơn.

Ngày 6/12, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực” với chia sẻ từ Giáo sư Paul T.P. Ho – Tổng giám đốc Đài quan sát Đông Á (một trong 8 Đài quan sát tham gia chụp được bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ).

PGS. TS. Phan Bảo Ngọc - Trưởng Bộ môn Vật lý, trường Đại học Quốc tế cho biết: “Hội thảo “Bóng của lỗ đen từ khu vực Bắc Cực” với diễn giả khách mời là Giáo sư Paul T. P. Ho là một trong những chuỗi hội thảo chuyên đề trường tổ chức để cung cấp thêm thông tin khoa học liên quan đến chụp ảnh lỗ đen và nghiên cứu vũ trụ cho học sinh, sinh viên”.

Qua đó, thắp lên niềm đam mê về thiên văn học, vũ trụ học và giúp sinh viên hiểu rõ vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong sự phát triển vượt bậc của các công nghệ tiến bộ nhất của loài người trên hành trình khám phá và chinh phục Vũ trụ.

Giáo sư Paul T.P. Ho – Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á
Giáo sư Paul T.P. Ho – Viện Thiên văn và Vật lý Thiên văn Academia Sinica (ASIAA), Đài Loan - Ảnh: BN

Xem thêm: Lỗ đen gần Trái Đất phát ra âm thanh như “tiếng hát”

Lỗ đen, được hình thành khi một ngôi sao có khối lượng đủ lớn chết đi, là nơi trường hấp dẫn mạnh đến mức ngay cả ánh sáng cũng không thể thoát ra ngoài nên không thể nhìn thấy chúng trực tiếp.

Vào ngày 10/4/2019 một nhóm gồm khoảng 200 nhà khoa học trên khắp thế giới đã công bố bức ảnh chụp đầu tiên bóng của một lỗ đen. Trong đó, các nhà thiên văn học châu Á đóng một vai trò quan trọng trong dự án, đặc biệt là vai trò của Giáo sư Paul T.P. Ho.

Viện Thiên văn và Vật lý thiên văn, Viện Hàn lâm Sinica - ASIAA (Đài Loan, Trung Quốc) đã triển khai Kính thiên văn Greenland đến bờ biển phía tây của Greenland kể từ năm 2017. Các nhà khoa học hiện đang trong giai đoạn đưa kính thiên văn lên đỉnh Greenland.

GS. Paul Ho cho biết, hện nay, các nhà khoa học trên thế giới chỉ có thể phát hiện lỗ đen thông qua việc nghe, cảm nhận và “nhìn”. Lỗ đen thực chất không thể 'nhìn thấy' qua mắt thường hay thấu kính quang học do lực hút mạnh đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra. Bên cạnh đó, do vị trí cách rất xa Trái Đất, nên việc chụp ảnh lỗ đen được ví như việc chụp ảnh một chiếc bánh donut được đặt trên mặt trăng.

Công nghệ dùng trong chụp ảnh 2 lỗ đen là SgA* và M87 được hiểu là laser và giao thoa kế với nhiều kính thiên văn được đặt tại nhiều vị trí trên thế giới.

Các nhà khoa học sẽ chỉ nhận về các sóng vô tuyến và phải tiến hành phân tích các dữ liệu này để có được các bức ảnh chụp lỗ đen mà ta nhìn thấy hiện nay. Tất nhiên, các bức ảnh này chỉ ghi lại “bóng” của lỗ đen khi ánh sáng bị hút vào trong nó - Giáo sư Paul Ho cho biết.

GS. Paul Ho và đội ngũ các nhà khoa học đang tiến hành xây dựng kính thiên văn mới tại Greenland với mong muốn chụp được các bức ảnh lỗ đen với độ phân giải cao hơn, ở các vũ trụ xa xôi hơn nữa. Tuy nhiên, quá trình trên vẫn còn nhiều khó khăn và tốn kém, đòi hỏi sự chung tay của nhiều tổ chức, chính phủ trên thế giới.

Tại đỉnh Greenland, kính thiên văn có thể đạt tới tần số 690 GHz, cho phép các nhà thiên văn chụp ảnh thêm 5 hoặc 6 lỗ đen, và hi vọng cũng sẽ có thể chụp ảnh bóng lỗ đen trong Thiên hà Andromeda.

Độ phân giải cao hơn cũng sẽ cho phép các nhà khoa học kiểm tra quỹ đạo cuối cùng của ánh sáng xung quanh lỗ đen và chúng ta sẽ có thể phân biệt giữa các quỹ đạo khác nhau.

Đây sẽ là cơ sở thiên văn đẳng cấp thế giới đầu tiên ở vùng Bắc cực. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các cuộc thám hiểm thiên văn và nghiên cứu ở vùng cực khác có thể được hỗ trợ khi cơ sở vật chất được hoàn thiện.

Bình luận