Tọa đàm Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch (Kỳ 1)

(VOH) Từ công việc chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, đội ngũ cán bộ, giảng viên ứng phó nhanh nhạy, trau dồi kiến thức về dịch bệnh... để trở thành điểm tựa tin cậy cho người dân Thành phố.

Từ thời điểm năm ngoái, khi Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được trưng dụng làm Khu cách ly đối với những người là F1, lực lượng cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tình nguyện tham gia công tác hỗ trợ chuẩn bị khu cách ly tập trung này càng nhanh càng tốt, góp sức cùng Thành phố chống dịch. Cho đến khi khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đơn vị có đội ngũ tình nguyện viên lớn tham gia trực, xử lý và tiếp nhận thông tin tại Trung tâm an sinh xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Fanpage “An sinh xã hội TPHCM” và “Tuyên giáo Mặt trận TPHCM” .

Từ công việc chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, đội ngũ cán bộ, giảng viên trong bối cảnh đó đã chủ động ứng phó nhanh nhạy, trau dồi kiến thức liên quan, nắm rõ chủ trương, chính sách, và có những kỹ năng mềm để trở thành điểm tựa tin cậy cho người dân Thành phố. Sự cống hiến thầm lặng của lực lượng tình nguyện cho công tác chống dịch chung của Thành phố, trong đó có lực lượng giáo dục vừa qua đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, cũng là dịp để những nhà giáo tham gia tình nguyện phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhìn lại những khoảnh khắc chưa từng có này, VOH có tọa đàm nhan đề Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch, với sự tham gia của các khách mời: Thạc sĩ Phùng Quán, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, cán bộ trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; và chị Phùng Thị Diệu Hương, Bí thư Ban Cán sự Đoàn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ là câu chuyện của cá nhân, đó còn là chuyện của hàng trăm, hàng ngàn cán bộ trẻ, giảng viên, sinh viên trải lòng những ký ức khó quên trong mùa dịch.

Tọa đàm Nhà giáo kể chuyện đi chống dịch: Kỳ 1- Từ “biệt đội 0 giờ” đến “biệt đội tác chiến điện tử” 1
Các khách mời tham gia tọa đàm.

*VOH: Từ thời điểm Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được trưng dụng làm Khu cách ly cho đến giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sự tham gia tình nguyện trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của lực lượng cán bộ, giảng viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động, nhiều mô hình hay để cùng chung tay hỗ trợ cho công tác chung này. Đó là những sự góp sức cụ thể nào, mời các ông/bà chia sẻ? Trước hết xin mời Thạc sĩ Phùng Quán, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ Phùng Quán: Rất bất ngờ và xúc động khi chúng tôi được cùng trao đổi trên VOH. Hoạt động đầu tiên xuyên suốt từ năm 2020 đến nay đó là hoạt động chuẩn bị cho khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm năm 2020, khu cách ly dành cho người ở nước ngoài về thì đơn giản, nhưng đến năm 2021 thì khu cách ly dành cho những F1 – không biết có mầm bệnh hay không, cho nên khi mình dọn dẹp, vừa dọn dẹp xong dãy phòng nào là những F1 vào ngay lập tức. Chúng tôi tiếp tục dọn những dãy phòng khác. Lúc đó, mọi người vừa dọn vừa có chút lo lắng. Nhưng lúc đó chỉ biết là, phải làm gấp, làm sao cho sự chuẩn bị này càng nhanh nhất càng tốt. Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi dọn khoảng 44 tòa nhà ký túc xá cả hai khu A, khu B với 5.346 phòng, đây là khối lượng công việc rất lớn, huy động tất cả các lực lượng từ tình nguyện viên các thầy cô trong Đại học Quốc gia, lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng tại chỗ của ký túc xá.

Khi dịch bệnh phức tạp hơn nữa, giãn cách xã hội diễn ra, chúng tôi bắt đầu có những công việc khác, nhiều chương trình hỗ trợ cán bộ viên chức, sinh viên để làm sao qua cơn đại dịch này. Nhiều chương trình từ trực tuyến đến trực tiếp. Có thể kể đến như chương trình 107 quyên góp hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 ủng hộ lực lượng y, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện ở khu cách ly ký túc xá, bệnh nhi F0 tại khu ký túc xá. Hoạt động hỗ trợ cán bộ viên chức người lao động, sinh viên của đơn vị.

Cho đến khi tình hình F0 càng ngày càng tăng, chúng tôi tham gia hỗ trợ các Tổng đài 1022 (sinh viên tham gia), còn các thầy cô thì trực các Fanpage an sinh, rồi tổ chức hoạt động tư vấn trực tuyến, chăm sóc sức khỏe tại nhà, chăm sóc F0 do các bác sĩ Khoa Y thực hiện. Và còn rất rất nhiều hoạt động nữa.

*VOH: Cám ơn Thạc sĩ Phùng Quán. Như Thạc sĩ Phùng Quán vừa giới thiệu, mời chị Diệu Hương chia sẻ thêm, trước tình hình dịch bệnh lúc đó diễn biến phức tạp, động lực nào giúp mình có những xông pha, ứng biến để hỗ trợ cộng đồng?

Bà Phùng Thị Diệu Hương: Em còn nhớ như in khoảnh khắc em được giao nhiệm vụ xây dựng Kênh 1022 – nhánh số 4 do lực lượng cán bộ trẻ, sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đảm nhận trực tổng đài, dưới sự phối kết hợp và đặt hàng từ Sở Thông tin và Truyền thông. Giải pháp của bên mình là xây dựng đội hình ban đầu khoảng 100 cán bộ trẻ, sinh viên, sau đó nâng lên đến 300 tình nguyện viên trực tổng đài trong vòng 3 tháng. Trong quá trình trực tổng đài 1022, mình cũng có nhiều kỷ niệm. Như ban đầu, mình chỉ trực tổng đài với tâm thế: tiếp nhận thông tin, hỗ trợ người dân bằng cách là truyền thông tin đó đến các sở, ban, ngành cũng như lãnh đạo địa phương có liên quan.

Nhưng trong quá trình đó, phát sinh rất nhiều vấn đề. Ví dụ, rất nhiều người dân có nhu cầu về ATM Oxy. Tụi mình lại phối hợp với Thành đoàn Thành phố ra mắt chương trình ATM Oxy để hỗ trợ trực tiếp đến từng nhà người dân. Những giải pháp mang tính chất linh hoạt, sáng tạo trong quá trình đó là một trong những động lực để mình gắn bó với việc tình nguyện. Thêm một vấn đề nữa, khi sinh viên nhường Ký túc xá để làm khu cách ly, ra ngoài ở trọ sẽ gặp khó khăn trong vấn đề nhu yếu phẩm, thực phẩm. Các thầy cô lúc đó rất lo cho các bạn, không quản ngày đêm hỗ trợ. Có những xe hàng mà Công đoàn, Ban cán sự Đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vận động được từ các tỉnh, thành chở vào lúc 2 – 3 giờ sáng. Các thầy cô nhận hàng, chia các phần và vận chuyển đến từng nhà cho sinh viên. Những hình ảnh đó làm mình rất xúc động, mình cảm thấy thật ra công đóng góp của mình không đáng là bao trước những sự đóng góp thầm lặng của các thầy cô trong thời điểm đó.

Thạc sĩ Phùng Quán (tiếp lời): Mình nhớ lúc đó đầu tiên là tiếp nhận nhu yếu phẩm tại Thành phố Thủ Đức - khu Nhà văn hóa thiếu nhi. Sau đó 2 ngày, lại phải dời qua địa điểm khác, rồi sau đó lại dời điểm khác nữa. Công việc phải dời liên tục, việc điều phối để các đoàn xe vào Thành phố đến điểm nhận hàng thôi là đã khó rồi. Lúc nào cũng là những chuyến hàng 0 giờ sáng, cho nên lúc đó chúng tôi có “Biệt đội 0 giờ sáng” của các thầy cô. Cứ 0 giờ sáng là các thầy cô đi tiếp nhận, khuân vác từng củ cải, bó rau, bao gạo để hôm sau chia ra thành những túi nhu yếu phẩm, túi an sinh để gửi.

*VOH: Để có những phần quà đến tay người nhận, là cả một hành trình xuyên đêm của các anh chị tình nguyện viên. Còn đối với Thạc sĩ Trường An, mời chị chia sẻ?

Thạc sĩ Trường An: Thật sự, mình cũng may mắn được tham gia nhiều hoạt động cùng các anh chị tình nguyện viên. Vừa xong đợt phân chia hỗ trợ cho các em thì đến giãn cách, các anh em lại báo nhau tiếp tục hỗ trợ việc tổng hợp thông tin trên kênh An sinh xã hội. Qua những buổi này, thật sự đã giúp cho tụi mình nhận ra rất nhiều điều. Biết lắng nghe hơn, biết thông cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của mọi người hơn. Mỗi người đều có những nỗi niềm riêng. Mình cũng mong muốn làm sao để họ có cái nhìn đẹp về tình nghĩa con người, mong họ hiểu được sự nỗ lực của Thành phố đang rất mong muốn giúp đỡ mọi người hết sức có thể.

*VOH: Khi làm công việc tiếp nhận thông tin, đôi khi dồn dập nhiều hoàn cảnh có khiến các anh chị áp lực và để lại nhiều cảm xúc hay không?

Thạc sĩ Phùng Quán: Vào ngày 23, 24/08 khi chúng tôi nhận nhiệm vụ thành lập nhóm hỗ trợ, tiếp nhận thu thập thông tin của Trung tâm an sinh xã hội Thành phố, đầu tiên chỉ có 2 người làm thôi vì mình nghĩ chắc việc không nhiều đâu. Thế nhưng, khi vào việc mới thấy lượng tin nhắn khổng lồ, mình nghĩ phải ít nhất 30 – 50 người mới có thể tiếp nhận kịp. Sau đó, chúng tôi vận động mọi người tham gia công việc này, hay còn gọi là “Biệt đội tác chiến điện tử”. Vấn đề bắt đầu phát sinh, đó là khối lượng tin nhắn rất nhiều, số bình luận trên Facebook rất nhiều làm chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu để thu nhận thông tin cho tốt nhất. Đó là cái khó đầu tiên. Thứ hai, làm sao để không xử lý thông tin trùng lặp. Trong một tuần đầu, gần như tối nào anh em chúng tôi cũng họp thảo luận để đưa ra giải pháp tốt nhất.

Tiếp theo rất quan trọng là phải biết kiềm chế cảm xúc và thấu hiểu. Vì khi bị cảm xúc chi phối mình sẽ bị áp lực rất lớn. Cho nên mình nghĩ, những việc hỗ trợ khác nhưng làm bằng chân tay còn dễ, còn việc này lại khó hơn rất nhiều…

Thạc sĩ Trường An: Ví dụ như qua điện thoại thì mình còn nghe được giọng nói, còn ở đây mình không biết họ như thế nào, tất cả đều thể hiện qua con chữ. Lúc đó mình phải thật sự tỉnh. Thật ra, ngày đầu tiên mình tham gia việc này, cuốn mình hết một ngày trời.

*VOH: Cám ơn các vị khách mời.