Chờ...

Tọa đàm quốc tế “ Việc làm trong Asean”: Cơ hội và thách thức

VOH - Với sự phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực, các nước ASEAN đang mở ra nhiều cơ hội việc làm, học tập, và trao đổi văn hóa cho sinh viên Việt Nam.

Thông tin trên được chia sẻ tại tọa đàm quốc tế "Việc làm trong ASEAN: Cơ hội và Thách thức" do Trung tâm Khởi nghiệp và Giới thiệu việc làm cùng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 26.11.

z6073575895886_a4fad76cd4170b2b3dc17e9fcd941f6c

Các chuyên gia và diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm

PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á cho biết hiện nay có 8 lĩnh vực nghề nghiệp được tự do dịch chuyển lao động trong ASEAN, bao gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, thống kê và du lịch. Nhờ vào đó, sinh viên Việt Nam thuộc các ngành khoa học xã hội được mở ra nhiều cơ hội việc làm trong thị trường lao động ở ASEAN.

Sinh viên ngành đô thị học có thể làm việc ở các lĩnh vực như kiến trúc. Những sinh viên thuộc ngành xã hội học, kinh tế học có thể làm trong nhóm ngành thống kê; sinh viên học ngành công tác xã hội, tâm lý học có nhiều cơ hội làm ở khối ngành điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Với sinh viên ngành Du lịch, các chuyên ngành buồng, khách sạn, lữ hành, F&B có triển vọng nghề nghiệp trong khối ngành du lịch ở ASEAN.

Cũng trong phần trình bày của mình, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh việc học thêm ngôn ngữ của các nước ASEAN không chỉ mở rộng cơ hội nghề nghiệp mà còn giúp sinh viên Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và xã hội của khu vực. Từ đó, sinh viên có thể tự tin bước ra thế giới, không chỉ với kiến thức chuyên môn mà còn với sự hiểu biết và tôn trọng đối với các nền văn hóa khác.

Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, kỹ năng mềm và hiểu biết văn hóa trở nên ngày càng quan trọng. PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đưa ra đề xuất sinh viên nên phát triển thái độ làm việc tích cực, tinh thần nghị lực tự thân, đoàn kết và phục vụ cộng đồng. Đây là yếu tố giúp sinh viên phát triển toàn diện, không chỉ về mặt chuyên môn mà còn về thể chất và tinh thần. Điều này sẽ tạo ra những cá nhân tự tin, có khả năng lãnh đạo và đóng góp cho xã hội một cách đáng kể.

Tại hội thảo, ông Angus Liew Bing Fooi, Chủ tịch Malaysia Business Chamber Vietnam cho biết ASEAN đang tập trung phát triển đô thị thông minh, mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ và kỹ thuật, thiết kế và quy hoạch đô thị, giáo dục và đào tạo, cũng như khoa học xã hội và nhân văn.

Hiện lực lượng lao động tại Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức chính: thứ nhất, dù Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhưng nhiều người vẫn thiếu kỹ năng chuyên môn cao. Công nghệ tiên tiến như AI đang nhanh chóng thay thế một số công việc, gây ra nguy cơ thất nghiệp cho những người không có kỹ năng phù hợp; thứ hai, rào cản ngôn ngữ và thiếu đầu tư trong giáo dục tạo ra rào cản trong việc giao tiếp và làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế.

Việc đầu tư vào giáo dục, đào tạo chuyên môn và cải thiện kỹ năng ngoại ngữ sẽ là những giải pháp cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh và chuyển đổi số hiện nay.

Cơ hội việc làm cho sinh viên tại các quốc gia ASEAN

z6073573404871_87badf8d0ea9b42aede46ef4f99c93a8

Các đại biểu tham gia dự tọa đàm quốc tế "Việc làm trong ASEAN: Cơ hội và Thách thức"

Tổng lãnh sự Lào tại TPHCM, ông Phonesy Bounmixay cho biết Khu vực ASEAN với hơn 690 triệu dân không chỉ là một thị trường lao động lớn mà còn là nơi hội tụ của nhiều tiềm năng phát triển. Nhưng lực lượng lao động này cũng đang đối mặt với không ít thách thức, từ sự chuyển dịch cơ cấu lao động, nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến việc giải quyết các vấn đề về bình đẳng cơ hội trong việc làm và tác động của biến đổi khí hậu.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và các xu hướng việc làm mới đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đổi mới trong chính sách, quản lý và đào tạo lao động. Ông tin tưởng rằng với tinh thần hợp tác, đoàn kết của cộng đồng ASEAN sẽ góp phần xây dựng một thị trường lao động ASEAN phát triển, bền vững và toàn diện.

Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM đang tuyển nhân sự cho vị trí “thư ký văn phòng (bộ phận lãnh sự)”, bên cạnh triển khai chương trình thực tập. Đây là thông tin được bà Wiraka Mudhitaporn, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM chia sẻ. Bà Wiraka Mudhitaporn, Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TPHCM, khuyến khích sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình thực tập tại Tổng Lãnh sự quán hoặc ứng tuyển vào các vị trí nhân sự chính thức. Bà cho biết, các doanh nghiệp Thái Lan cũng đang tìm kiếm nhân sự có chuyên môn trong các ngành kế toán, kỹ thuật, công nghệ thông tin và thông thạo tiếng Thái Lan.

Singapore hiện là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao và khởi nghiệp với hơn 7.000 tập đoàn đa quốc gia và 4.500 công ty khởi nghiệp. Ông Pang Te Cheng, Tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM, cho biết sắp tới sẽ triển khai chương trình Singapore-Vietnam Innovation Talent Exchange, tạo điều kiện cho 300 tài năng trẻ mỗi quốc gia tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo tại nước bạn trong thời gian tối đa hai năm.

Indonesia tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình học bổng như DarmasiswaKemitraan Negara Berkembang. Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM, khẳng định số lượng sinh viên Việt Nam tham gia học bổng ngày càng tăng. Sinh viên trúng tuyển được đào tạo tiếng Bahasa trong một năm trước khi bắt đầu các chương trình chính thức tại các trường đại học hàng đầu Indonesia.

Cũng theo Tổng lãnh sự Indonesia, những lĩnh vực triển vọng và đầy tiềm năng trong thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước như kinh tế xanh, logistic, kinh tế số, hàng không… Để có thể làm việc tại các doanh nghiệp của Indonesia, lao động Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng mềm, sự chuyên nghiệp, tài năng và đặc biệt là ngoại ngữ.

Chia sẻ thêm về cơ hội việc làm ở ASEAN, ông Firdauz Bin Othman, Tổng lãnh sự Malaysia tại TPHCM cho biết tại Việt Nam và nhiều nước trong khối ASEAN đang đẩy mạnh phát triển khu đô thị thông minh (khu đô thị sử dụng công nghệ số và khoa học - công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, nâng cao hiệu quả của các dịch vụ đô thị và thúc đẩy phát triển bền vững). Từ đó, kéo theo cơ hội việc làm trên nhiều lĩnh vực như công nghệ và đổi mới sáng tạo, thiết kế và quy hoạch đô thị, giáo dục và đào tạo.

Tại chương trình, Tổng Lãnh sự Campuchia tại TPHCM đánh giá cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực tại Việt Nam. Ông nêu ra những yếu tố thu hút và hấp dẫn của Việt Nam đối với sinh viên Campuchia. Bên cạnh đó, ông đã thông tin đến hội thảo các ngành học thuộc các ngành khoa học xã hội và Nhân văn đang được sinh viên Campuchia ưu tiên lựa chọn khi đến học tại Việt Nam.

Cơ hội việc làm và phát triển kỹ năng cho sinh viên Việt Nam tại ASEAN ngày càng phong phú. Để tận dụng những cơ hội này, sinh viên cần không ngừng học hỏi từ sách vở và kinh nghiệm thực tế, nâng cao tay nghề qua các khóa đào tạo và thực tập, trau dồi ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa.

Việc học thêm ngôn ngữ của các nước ASEAN sẽ giúp sinh viên giao tiếp hiệu quả và mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Hiểu biết và tôn trọng đa dạng văn hóa thông qua các hoạt động giao lưu cũng rất quan trọng. Những nỗ lực này sẽ giúp sinh viên không chỉ thích nghi mà còn tỏa sáng trong thị trường lao động khu vực, trở thành những ứng viên sáng giá và có khả năng cạnh tranh cao, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng ASEAN.

Bình luận