TPHCM: Các trường ở quận trung tâm vẫn thiếu giáo viên các môn Anh văn, tin học, âm nhạc...

(VOH) - Nhiều trường học tại Quận 1 TPHCM hiện vẫn thiếu giáo viên do tình trạng giáo viên nghỉ dạy về quê, nghỉ dạy do lương thấp...

Tại buổi làm việc của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM về việc thực hiện các kiến nghị về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Quận 1, diễn ra vào chiều 18/11, các đại biểu phản ánh tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang diễn ra tại các trường thuộc quận trung tâm.

Xem thêm: Tình trạng thiếu giáo viên tại thành phố, 'nút thắt' ở đâu?

Quận 1 hiện có 60 trường thuộc 3 cấp học với gần 35.000 học sinh, 2.440 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đặc biệt địa bàn này khá thuận lợi về cơ sở vật chất trường lớp với 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, sĩ số lớp học bình quân 32 học sinh/lớp công lập, 25 học sinh/lớp ngoài công lập.

Theo bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, năm học 2020-2021 quận đã tuyển dụng thêm 89 giáo viên, nhân viên; năm học 2021-2022 tuyển thêm 101 nhân sự. Còn năm học này 2022-2023 có 142 ứng viên tham gia kỳ thi xét tuyển viên chức ngành giáo dục quận 1.

Bà Mai Thị Hồng Hoa thông tin: "Các đơn vị phân công phân nhiệm giáo viên, nhân viên hợp lý, đảm bảo đủ giáo viên để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với tất cả các lớp. Các trường cũng rà soát đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, từ đó đề xuất với phòng giáo dục và đào tạo tham mưu UBND Quận luân chuyển giáo viên, cân đối lại cơ cấu giáo viên, giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ trong các trường. Tuy nhiên, Quận 1 vẫn gặp một số khó khăn nhất định vì không đủ ứng viên đăng ký xét tuyển ở một số bộ môn: Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Anh văn, Tin học..."

Bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học
Bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học nêu ý kiến.

Bà Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, đơn vị thực hiện mô hình trường chất lượng cao tiên tiến hội nhập cho biết, nhà trường đang từng bước thực hiện chuyển đổi số.

Hiện 100% lớp học được trang bị bảng thông minh, sĩ số bình quân 27 học sinh/lớp. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên hầu như năm nào cũng có do năm nào cũng có từ 2-3 giáo viên nghỉ việc.

Hiện tại, trường tiểu học này thiếu 11 giáo viên, trong đó thiếu 9 giáo viên nhiều môn, 1 giáo viên Anh văn và 1 giáo viên Tin học. Để đảm bảo nhu cầu dạy học, nhà trường thực hiện thỉnh giảng giáo viên, nhưng lực lượng này không ổn định, gây một số khó khăn nhất định cho công tác tổ chức dạy học.

Bà Trần Bé Hồng Hạnh chia sẻ: "Giáo viên có hộ khẩu tỉnh, khi đến độ tuổi trưởng thành dạy đến năm thứ 5, thứ 6, thậm chí là giáo viên giỏi của quận của thành phố nhưng do có nhưng lý do riêng như: về quê lập nghiệp, lập gia đình... vẫn xin nghỉ và về quê. Hoặc một số giáo viên dạy đến năm thứ 5, thứ 6 nhưng lương chỉ có 7 triệu, nên tâm tư về thu nhập. Thu nhập không đủ trang trải chi phí gia đình, thuê mua nhà... nên xin nghỉ việc, chuyển ra trường quốc tế".

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết: "Ở hầu hết các quận huyện mà Đoàn đi, đến giờ này việc dạy ngoại ngữ 1 - Tiếng Anh cho học sinh rất là khó khăn bởi vì không tuyển được giáo viên. Nhưng ở Quận 1 đã bắt đầu triển khai cho dạy ngoại ngữ thứ 2. Đó là điểm Quận 1 đi nhanh hơn so với các địa phương khác.

Tuy nhiên, cũng có một điểm đặc biệt là các quận khác không thiếu giáo viên nhiều môn nhưng Quận 1 lại thiếu. Quận cần có giải pháp cho việc tuyển dụng này. Nếu không sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới" - bà Tuyết nêu ý kiến.

Tại buổi giám sát, các đơn vị cũng nêu một số vấn đề khó khăn liên quan quỹ đất phát triển giáo dục, mức phí chương trình tiên tiến hội nhập, việc tích hợp các môn học trong quá trình triển khai chương trình mới...