Sáng 20/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tại TPHCM đã có buổi khảo sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2022. Tình trạng thiếu giáo viên đã được các đại biểu đưa ra phân tích trong buổi khảo sát.
Thống kê cho thấy, số lượng giáo viên tiểu học toàn Thành phố hiện nay là hơn 24.800 giáo viên, đạt tỉ lệ 1,36 giáo viên tiểu học/lớp. Tỷ lệ này chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy đủ các môn học và dạy học 2 buổi/ngày.
Hiện chỉ một số quận, huyện đạt tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp như: thành phố Thủ Đức (KVI, KVIII), Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 10, Quận 11. Khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, dự kiến số giáo viên sẽ tăng, việc đảm bảo 01 giáo viên dạy nhiều môn/lớp là một trong những thách thức.
Ngoài ra, số giáo viên tiểu học đạt chuẩn và trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 hiện là 83%. Số giáo viên chưa đạt chuẩn vẫn là vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới.
Xem thêm: Phổ cập mầm non 5 tuổi: Điệp khúc thiếu trường, thiếu giáo viên
Đào tạo giáo viên còn “lấn cấn”
Ông Cao Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm 2019 trường đã đào tạo môn mới môn tích hợp và ngành mới là ngành Sư phạm Công nghệ.
Cuối năm học này, hơn 100 sinh viên khoá đầu tiên sẽ ra trường. Trường cũng có khoá học bồi dưỡng thêm môn bổ sung trong môn Tích hợp. Bên cạnh đó, chương trình ETEP đã triển khai đến các Mô đun 6, 7, 8. Ở Module 9 về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập được giáo viên tán thành và ủng hộ.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng nêu thực trạng khó tuyển dụng giáo viên ở các khối ngành Tin học và Anh văn: “Đây là 2 ngành đặc thù, trường có đào tạo nhưng sinh viên ra trường có nhiều cơ hội làm việc ngoài ngành với mức lương rất cao. Nhà trường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đầy đủ chức trách và vai trò. Tuy nhiên, về phía xã hội và Thành phố cũng nên xem xét tính đặc thù của ngành nghề”.
Thời gian qua, Trường Đại học Sài Gòn cũng đã bồi dưỡng được khoảng 5.000 lượt giáo viên. Ông Võ Văn Thật, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng, ngoài tiếng Anh, Tin học thì các môn Mỹ thuật, Âm nhạc cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên.
“Thông thường Mỹ thuật và Âm nhạc đòi hỏi năng khiếu, với nền tảng năng khiếu được đào tạo bài bản nên khi ra trường dễ tìm việc. Không gian trong trường phổ thông cũng không đủ để các em thoả được niềm đam mê âm nhạc, hội hoạ của mình” - ông Thật lý giải.
Gỡ “nút thắt” trong công tác tuyển dụng giáo viên
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông nhận được sự quan tâm của các ban ngành, tạo chuyển biến rõ nét về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên cũng như chất lượng giáo dục.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên một số bộ môn đặc thù, ông Nguyễn Bảo Quốc cho rằng: “Một số đề xuất ở một số bộ môn đặc thù yêu cầu giáo viên tốt nghiệp đại học mới có thể giảng dạy thì sẽ rất khó. Ví dụ các môn Âm nhạc, Tin học có thể tuyển dụng trình độ Cao đẳng để có thể giảng dạy cho các khối học phù hợp như Tiểu học... Điều này cần phải có đề xuất do liên quan các quy định lớn hơn”.
Xem thêm: TPHCM tuyển giáo viên mầm non hộ khẩu ngoài thành phố
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc TPHCM cho rằng, Thành phố đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, đảm bảo bám sát tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tiến độ chung của Thành phố.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang diễn ra. Thành phố hiện vẫn còn tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn, cần đáp ứng theo lộ trình mới.
Bà Tuyết mong muốn “các cơ quan chức năng tìm thêm nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây là mục tiêu quan trọng nhất. Đảm bảo số lượng giáo viên, có chương trình bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, trang thiết bị tài liệu phục vụ cho việc dạy của giáo viên... Đây là những điều rất quan trọng để giúp cho giáo viên có thể đảm đương công việc của mình”.
Tính đến tháng 7/2022, TPHCM đã đạt 294 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Theo kế hoạch năm 2023 sẽ đạt 296, năm 2024 đạt 298, năm 2025 đạt 300 phòng học. Giáo dục TPHCM thu hút ngày càng đông học sinh các tỉnh, thành. Tỉ lệ học sinh không có hộ khẩu Thành phố tăng dần qua các năm học. Trong đó, số học sinh không có hộ khẩu Thành phố năm học 2021-2022 là 343.894, chiếm 21,26% tổng số học sinh trên địa bàn. Ông Nguyễn Hải Hiệu, Phó chánh văn phòng Sở Nội vụ cho rằng, năm học 2022-2023, Thành phố có 1,6 triệu học sinh tương đương thậm chí lớn hơn dân số của một tỉnh, thành khác. Ông Hiệu nhận định: “Thực tế, địa bàn TPHCM lượng học sinh rất lớn, hàng năm tăng từ 20.000 đến 30.000 học sinh. Theo Nghị quyết 19 Trung ương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ theo lộ trình phải giảm 10% các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Như vậy là không hợp lý, việc tinh gọn phải nói là rất khó khăn”. |