Chờ...

TPHCM: Mô hình 'lớp học linh động' đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của học sinh

VOH - Mô hình ‘lớp học linh động’ được đánh giá hiệu quả và đáp ứng tối đa nhu cầu học tập của học sinh.

Sáng 8/5, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức Hội thảo báo cáo chuyên đề "Mô hình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo phương án lớp học linh động tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong".

lop-hoc-dong-le-hong-phong-080524
Hội thảo báo cáo chuyên đề "Mô hình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo phương án lớp học linh động tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong"

Thực hiện Chương trình phổ thông 2018, học sinh THPT phải học các môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Đồng thời, học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn như: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Trường chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị đầu tiên triển khai mô hình lớp học linh động (còn được gọi là lớp học “chạy” hoặc lớp học “động”). Theo đó, học sinh được tự do lựa chọn môn học, chứ không phụ thuộc vào tổ hợp môn học thiết kế sẵn của nhà trường.

Theo sắp xếp của nhà trường, buổi sáng, học sinh học theo lớp cố định với các môn học bắt buộc và học môn chuyên. Với những môn học và chuyên đề lựa chọn, trường sẽ xếp lịch học vào buổi chiều, để học sinh có thể “chạy”.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ: “Mô hình học sinh được chọn môn tùy ý đáp ứng được nhu cầu tối đa của học sinh. Hai năm vừa qua, trường triển khai rất hiệu quả, học sinh và phụ huynh rất hài lòng với chương trình”.

“Sắp tới đây, mô hình được triển khai ở cả 3 khối 10-11-12, nhà trường sẽ sắp xếp buổi học cho phù hợp với điều kiện cả 3 khối lớp đều thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” – bà Hiền thông tin thêm.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM) cho rằng, các trường trên địa bàn tùy điều kiện thực tế cũng có thể chọn lựa mức độ triển khai mô hình, với tinh thần cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho học sinh.

“Việc bố trí và định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là chương trình chung nhất để tất cả các địa phương với các điều kiện rất khác nhau đều thực hiện được. Tuy nhiên, nếu trường THPT ở TPHCM dạy giống như các địa phương khác sẽ không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực cho thành phố cũng như yêu cầu hội nhập” – ông Tân nhận định.

Theo ông Tân: “Các trường cần mở nhiều cơ hội học tập cho học sinh cả trong giờ học bắt buộc lẫn giờ học các môn lựa chọn, kể cả các hình thức học khác, mà không gây áp lực, quá tải. Từ đó, giúp các em có nhiều kiến thức kỹ năng và đặc biệt là kỹ năng tự học để tự phát triển”.