Xu hướng "trường học tại gia"

(VOH) - Việc dạy học trực tuyến, online không chỉ là giải pháp tình thế, mà còn là hình thức giáo dục mang tính cá thể hoá cao.

Hình thức dạy học này là nền tảng, mở ra hình thức học tập hoàn toàn mới, đó là học tại nhà – homeschooling. Xung quanh xu hướng này, VOH giới thiệu phần 2 toạ đàm “Cơ hội phát triển E-Learning từ việc dạy online đối phó dịch bệnh”, với chủ đề "Xu hướng trường học tại gia", với sự tham gia của các khách mời là Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh; Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Một tiết dạy học trực tuyến tại Trường CĐ Quốc tế TPHCM

* VOH: Thưa các vị khách mời! Từ một tình huống giáo dục như trên, cũng là lúc chúng ta nhìn nhận đến xu hướng mà giáo dục thế giới đang thực hiện, đó là học tại nhà – Homeschooling. Xu hướng Học tại nhà trên thế giới, hiện như thế nào, các vị có thể chia sẻ?

Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp:

Tôi có dịp đi nhiều trường tiểu học trên thế giới (khoảng hơn 20 quốc gia) và thấy họ cũng đang bắt đầu. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, sỉ số lớp học ít nhưng trong nhà trường tổ chức hoạt động rất nhiều: hoạt động thể thao, âm nhạc, hội hoạ... Những kiến thức tiểu học thầy cô là người hướng dẫn, rất quan trọng để các em tìm kiến thức đó, chứ không phải thầy dạy bao nhiêu, học sinh biết bấy nhiêu. Các em mở ra kiến thức, sau đó tích hợp thành hoạt động. Cho nên, tôi nghĩ giáo dục sắp tới giáo viên phải như thế nào để tổ chức việc dạy học hiệu quả. Tại các thành phố lớn, một lớp 40-50 em, bán trú, chật chội, chúng ta cần phải giải toả. Chúng ta phải có bài bản, có hệ thống, kiến thức tiểu học là gì, cần có những gì? Trên thế giới hiện nay, giáo viên tiểu học hoạt động nhiều hơn chứ không phải là kiến thức. Bởi vì, kiến thức hiện nay, lên cấp 2-3, các em tìm rất nhanh. Nếu không tổ chức các hoạt động ở tiểu học thì không con thời gian trong đời người để các em hoạt động. Cho nên, âm nhạc, hội hoạ, thể thao... tất cả những thứ đó các trường trên thế giới chú trọng nhiều. Tôi cũng mong mỏi rằng nhân cơ hội này, phải nghĩ đến một xu hướng của thời đại để chuẩn bị cho học sinh tiểu học. 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng:

Hoa Kỳ đã tổ chức dạy học tại nhà đã khá lâu nhưng cách đây 3 năm, chỉ 4% trẻ em học tại nhà với khoảng 2 triệu học sinh. Rất ít.

Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người rất quan tâm lĩnh vực giáo dục, cho biết khi ông rời Châu Âu về Việt Nam thì con của anh không thể theo học các trường Châu Âu nhưng cũng không thể theo học chương trình của Việt Nam. Học trường quốc tế thì học phí khá cao, nên ông đã lựa chọn hình thức học tại nhà cho con em mình. Cách tiếp cận ở Hoa Kỳ là ba mẹ hoàn thành chương trình ở trình độ nào thì có quyền giúp con em mình ở trình độ đó. Có nghĩa là nếu tôi tốt nghiệp high school tôi hoàn toàn có thể hướng dẫn con em học từ lớp 1 đến hết lớp 12. Đấy là câu chuyện cả thế giới đang làm. Nó chậm chứ không phải nhanh như chúng ta mong muốn. Đặc biệt ở những lớp học đầu cấp, các hoạt động như thể dục thể thao, các hoạt động âm nhac, giao tiếp, hoạt động nhóm... không thể ở nhà mà học được. Vì vậy, các hình thức đó còn khá cần thiết trong giao tiếp của con người, đặc biệt là bậc tiểu học cần phải duy trì.

Tôi cũng như các giáo viên chỉ muốn dạy học online như là một hình thức giúp cho giáo dục có cơ hội tiếp cận nhiều hơn đối với người học và người dạy. Không hẳn vì mục tiêu ngắn hạng 5 hay 10 năm nữa số trẻ em Việt Nam học ở nhà. Và cũng không ai mong có trận dịch để học ở nhà. Tuy nhiên, đã là xu thế thì chúng ta phải biết, nhận biết và có thể đoán định tương lai của mình cho một xã hội phát triển như ngày hôm nay.

 Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý:

Quan điểm của tôi: học online chỉ là một hình thức học, như một phương tiện và chúng ta có nhiều hình thức để đạt được mục tiêu. Chứ không phải chỉ học online hay offline. Tuy nhiên, để hình thành nhân cách một con người có nhiều yếu tố cộng lại chứ không phải là việc học không. Tại sao chúng ta vẫn khuyến khích con cái chúng ta tết hay về quê? Vì về quê tiếp xúc ông bà, hàng xóm, chơi những trò chơi dân gian. Những trò chơi dân gian sẽ làm con người phát triển thể chất tốt hơn. Tôi quan niệm, để hình thành nhân cách con người, ngoài kiến thức trên lớp ra, rất cần những kỹ năng khác: kỹ năng sống, kỹ năng hoà nhập, ăn nói...

Hiện nay, có một xu hướng mới là học tại gia. Chúng ta nên ủng hộ. Mỗi người có quan điểm, có điều kiện hoàn cảnh để đi học tại gia. Nhưng theo tôi, học tại gia không "rẻ". Bởi vì, nếu muốn học tại gia tốt, ba hoặc mẹ phải ở nhà học cùng với con, phải một người nghỉ làm. Nếu tính chi phí cơ hội là quá lớn. Nói chung, mỗi người có một phương pháp học khác nhau. Cho nên tôi không phản đối và khuyến khích về mặt luật, chính sách, chúng ta phải thừa nhận hình thức học tại gia mới để cho ai có nhu cầu, có điều kiện thì đăng ký học.

 Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp:

Trong xu thế hiện nay, nhân cơ hội này, chúng ta sẽ có một công trình nghiên cứu đầy đủ những mặt ưu điểm, khuyết điểm các phương pháp dạy học, các điều kiện học tập, các hoàn cảnh học tập để chúng ta phát triển cho thế hệ trẻ. Nếu chúng ta không nhân cơ hội này thay đổi, thì chúng ta sẽ bị chậm lại. 

Mời bạn đọc xem bài viết Kỳ I: Học online mở ra nhiều cơ hội

Tuyển sinh 2020: Đại học Nguyễn Tất Thành mở thêm 4 ngành mới: Năm 2020, trường Đại học Nguyễn Tất Thành dự kiến tuyển sinh 6.250 chỉ tiêu bậc đại học chính quy.
 Con nghỉ học tránh dịch Covid-19, cha mẹ dạy gì ở nhà?Tính từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh các cấp nghỉ hơn 1 tháng. Trẻ ở nhà, cha mẹ cần dạy con học những gì để thời gian không hoài phí, trẻ không quên nếp học khi quay lại trường?