1. Đường vành đai là gì?
Đường vành đai (hay còn được gọi là đường bao) là các cung đường bao quanh thành phố hoặc một khu đô thị, giúp các phương tiện lưu thông dễ dàng hơn, tránh đi việc ùn tắc từ khu vực trung tâm nội đô. Đường vành đai có thể là đường cao tốc hoặc xa lộ giúp cho các phương tiện tránh việc phải di chuyển trực tiếp vào các đường nội đô, giảm bớt mật độ xe lưu thông.
Đường vành đai được kết nối với quốc lộ trong đô thị thông qua các nút giao thông trọng điểm. Tùy theo đặc điểm đô thị, thành phố sẽ đưa ra quyết định xây dựng đường phù hợp với địa thế và thông tin quy hoạch của địa phương.
Mục đích chính của đường vành đai là tạo ra một tuyến đường nhanh hơn để các phương tiện xe cơ giới có thể linh hoạt di chuyển từ hướng này tới hướng khác của thành phố, từ tỉnh này tới tỉnh khác mà có thể hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Xem thêm: Quy định bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông mới nhất 2020
2. Các tuyến đường vành đai ở TP.Hồ Chí Minh (TPHCM)
2.1 Đường vành đai 1
Đường vành đai 1 theo cung đường khép kín như sau: Quốc lộ 1A (bắt đầu từ nút giao thông Thủ Đức) – Nguyễn Văn Linh – đường dẫn cầu Phú Mỹ – cầu Phú Mỹ – vành đai Đông – Nguyễn Thị Định – Xa lộ Hà Nội – nút giao thông Thủ Đức. Đây là cung đường nằm gần với trung tâm TP Hồ Chí Minh và đã được khép kín.
Đoạn 1 (Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài): Ngã 4 Linh Đông (nút giao Phạm Văn Đồng – Vành đai 2) – Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn dài 8,5 km, 12 làn xe (lộ giới 60m). Đoạn này đã hoàn thành, trùng với đường Phạm Văn Đồng.
Đoạn 2: Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn – Ngã tư Bảy Hiền dài 4,8 km. Đoạn này đi trùng với các tuyến đường: Bạch Đằng – Hồng Hà (2 tuyến đường 1 chiều song song mỗi tuyến lộ giới 20m), Trường Sơn (lộ giới 60m), Trần Quốc Hoàn (lộ giới 50m), Hoàng Văn Thụ (lộ giới 32m). Đoạn này mới hoàn thiện giai đoạn 1.
Đoạn 3A (Vành đai trong): Ngã tư Bảy Hiền – Hương Lộ 2 dài 4,7 km. Gồm các tuyến đường: đường nối từ Ngã tư Bảy Hiền đến Âu Cơ (lộ giới 32m), đường Thoại Ngọc Hầu (lộ giới 44m), Hương lộ 2 (lộ giới 60m). Đoạn này vẫn chưa hoàn thiện.
Đoạn 3B (Vành đai trong): Hương lộ 2 – Nguyễn Văn Linh dài 8,4 km (lộ giới 60m). Gồm các tuyến đường: đường nối từ Hương lộ 2 đến đường số 29; đường Vành đai trong; đường nối từ Kinh Dương Vương đến Nguyễn Văn Linh. Đoạn này chỉ mới hoàn thiện đoạn Vành đai trong thuộc KDC Tên Lửa (Q. Bình Tân).
Như vậy, toàn bộ quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Phú, Tân Bình và một phần quận 2, 7, 12, Thủ Đức, Bình Tân sẽ nằm trong phạm đường Vành Đai 1. Đây là tuyến đường hiện hữu đã được xây dựng hoàn chỉnh 90% và phát huy hiệu quả trong việc giảm tải tình trạng tắc đường cho khu vực nội đô.
2.2 Đường vành đai 2
Đường vành đai 2 được xem là đường Vành Đai quan trọng nhất với lộ trình các tuyến trải đều và có giao với các trục đường quan trọng của toàn thành phố. Tuyến đường đi qua các quận, huyện như: Quận 2, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Bình Tân, Bình Chánh và Thủ Đức.
Đường vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TPHCM, góp phần giảm thiểu ùn tắc, phát triển kinh tế khu vực. Hiện đường Vành Đai 2 còn 2 phân đoạn chưa được khép kín, dự đoán năm 2025 sẽ hoàn thành.
- Bắt đầu từ nút giao thông cầu vượt Gò Dưa (Quốc lộ 1, Q.Thủ Đức) – nút giao thông cầu vượt Bình Phước (giao với Quốc lộ 13) – nút giao thông An Sương (giao với Quốc lộ 22): Đoạn này trùng với Quốc lộ 1 và đã hoàn thiện.
- Nút giao thông An Sương (giao với Quốc lộ 22) – ngã 3 An Lập (vòng xoay Tân Tạo) (Quốc lộ 1 giao với đường Hồ Ngọc Lãm): Đoạn này trùng với Quốc lộ 1 và đã hoàn thiện.
- Đường Hồ Ngọc Lãm – bến phà Phú Định qua cầu kênh Đôi – đường Trịnh Quang Nghị – Nguyễn Văn Linh (giao với đường Trịnh Quang Nghị): Đoạn này chưa được khép kín hoàn toàn.
- Đường Nguyễn Văn Linh – cầu Phú Mỹ: Đoạn này đã hoàn thiện.
- Cầu Phú Mỹ – đường Võ Chí Công – cầu Phú Hữu: Đoạn này đã hoàn thiện.
- Cầu Phú Hữu – đường Võ Chí Công – ngã 4 Bình Thái (trên trục đường xa lộ Hà Nội): Đoạn này mới hoàn thiện đoạn đường Võ Chí Công khu công nghệ cao, đoạn từ Võ Chí Công ra ngã tư Bình Thái đoạn này chưa hoàn thiện.
- Ngã 4 Bình Thái (trên trục đường xa lộ Hà Nội) – Ngã 3 Linh Đông (giao với đường Phạm Văn Đồng) – nút giao Gò Dưa: Đoạn này mới đang thi công đoạn đường từ Ngã 3 Linh Đông đến nút giao Gò Dưa, đoạn từ Ngã 4 Bình Thái đến Ngã 3 Linh Đông – đoạn này chưa hoàn thiện.
2.3 Đường vành đai 3
Đường vành đai 3 TPHCM là một dự án giao thông trọng điểm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đi qua 4 địa phương là Đồng Nai, Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh và Long An với chiều dài 89.3km. Hiện tại, chỉ mới xây dựng 16,3km đi qua tỉnh Bình Dương, phải làm mới 73 km còn lại.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đường Vành đai 3 sẽ được thiết kế 6 làn xe tiêu chuẩn cao tốc loại A cho phương tiện lưu thông với tốc độ 100km/giờ. Toàn dự án sẽ được chia làm 4 đoạn với nhiều dự án thành phần khác nhau. Bao gồm:
- Đoạn 1: Đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, dài 34,28 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai (đường vành đai 3 Nhơn Trạch) và TPHCM.
- Đoạn 2: Đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn (đường vành đai 3 Bình Dương), dài 16,7 km. (đã hoàn thiện và khai thác).
- Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 22 – Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận tỉnh Bình Dương và TP.HCM.
- Đoạn 4: Đoạn Bến Lức – quốc lộ 22 dài 28,9 km, đi qua địa phận TP.HCM và tỉnh Long An.
2.4 Đường vành đai 4
Đường vành đai 4 có tổng chiều dài là 197,6 km, có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng, được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật loại A.
Đây là tuyến cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe, tốc độ 60 – 80km/giờ đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai; Bình Dương; TP. Hồ Chí Minh và Long An với lộ giới lớn nhất khoảng 121,5m.
Dự án được chia làm 5 đoạn thành phần, bắt đầu từ TX. Phú Mỹ giao với đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40 + 000 hướng về sân bay quốc tế Long Thành; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; Quốc lộ 1A; Quốc lộ 22; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương; khu đô thị cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; Thành phố Hồ Chí Minh.
- Đoạn 1: Đoạn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) đến Trảng Bom – Đồng Nai (quốc lộ 1A).
- Đoạn 2: Đoạn từ quốc lộ 1A (Trảng Bom – Đồng Nai) đến quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) dự kiến hoàn thành trước 2025.
- Đoạn 3: Đoạn quốc lộ 13 (Tân Uyên – Bình Dương) đến quốc lộ 22 (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2024.
- Đoạn 4: Từ quốc lộ 22 (Củ Chi – TP Hồ Chí Minh) đến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương (Bến Lức – Long An) dự kiến hoàn thành trước 2023.
- Đoạn 5: Đoạn Bến Lức – Long An (giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương) đến cuối tuyến trục Bắc – Nam TP Hồ Chí Minh (cảng Hiệp Phước – TP Hồ Chí Minh) hoàn thành trước 2017.
Đường vành đai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại TPHCM, góp phần hạn chế ùn tắc, phát triển kinh tế và kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, đường vành đai là tác nhân chính giúp cơ sở hạ tầng phát triển, kéo theo làm tăng giá trị của bất động sản tại khu vực, khi mà cả hai tỉ lệ thuận với nhau. Tiềm năng kinh tế cũng được cải thiện, các dịch vụ thương mại, nhà cửa mọc lên nhiều hơn tạo thành một dải sầm uất.