Chuyện phố phường: Cháy lớn mùa mưa

(VOH) - Thế là hết! Toàn bộ tài sản, vốn liếng, hàng hóa của 500 tiểu thương trưng bày, cất giữ ở các quầy hàng Trung tâm Thương mại Hải Dương đã bị thiêu rụi tối 15/9 trước sự bất lực của hàng trăm chiến sĩ cảnh sát PCCC sau khi họ đã làm việc cật lực cả 10 tiếng đồng hồ.
Khói vẫn mù mịt trong tòa nhà bị cháy ở chợ Hải Dương. Lính cứu hỏa phải tiếp tục dùng nước dập tắt - Ảnh: TTO

Thử đặt mình vào vai trò các tiểu thương nói trên thì biết phải trách ai đây hả anh Hai Sài Gòn? Nước mắt tiểu thương đã chảy dài bên đống hoang tàn đổ nát của trung tâm thương mại lớn nhất tỉnh.

Trách ai bây giờ. Trước mắt là nên chia sẻ nỗi đau mất mát, khánh kiệt của không ít tiểu thương. Theo ước tính sơ bộ thì thiệt hại vật chất có thể lên đến 500 tỷ đồng, bình quân mỗi tiểu thương bị thiệt hại cả tỷ đồng chứ không phải ít.

Tư Cổ Cò còn nhớ, hôm 22/4 vừa qua, anh Hai đã có lên tiếng cảnh báo qua câu chuyện “ý thức phòng cháy vẫn là dấu chấm hỏi". Chuyện kể hôm đó xem ra đến nay vẫn còn giá trị.

Nhắc lại càng thêm đau lòng. Cảnh giác với hỏa thần phải là ý thức thường xuyên của nhiều người chứ không chỉ riêng với lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Với những cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, chợ búa nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị lớn thì công tác phòng cháy và chữa cháy tại chỗ nhất thiết phải đặc biệt quan tâm. Theo thông tin qua đài, báo thì số lượng bình chữa cháy mini đặt để trong trung tâm thương mại rất ít. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác chữa cháy tại chỗ đã không thành công như mong đợi.

Tư Cổ Cò tui lại nghĩ khác. Trong vụ cháy này có yếu tố hên xui. Phải chi vụ cháy xảy ra vào mùa khô, khi ý thức cảnh giác của mọi người được nêu cao, biết đâu đám cháy được dập tắt sớm. Ai đời, vào mùa mưa bão mà xảy ra vụ cháy, thành ra mới nên nỗi. Còn xui hơn nữa là vụ cháy lại xảy ra vào rạng sáng chủ nhật. Phải chi vụ cháy xảy ra vào rạng sáng thứ hai, khởi đầu tuần mới,  thì còn hy vọng việc ứng phó sẽ tốt hơn. Đó là chưa nói vụ cháy xảy ra lúc 3 giờ rưỡi sáng, thời điểm ai cũng buồn ngủ, dễ mất cảnh giác, phải chi đừng có chập điện. Đó, xâu chuỗi các chi tiết, thì đây đúng là chuyện quá xui rủi chứ còn gì?

Sao lại nghĩ rằng đó là chuyện hên xui? Hên xui gì ở đây hả chú Tư! Nên nhớ, nhiệm vụ của đội bảo vệ là lo toan việc an ninh, an toàn cho trung tâm thương mại. Họ lãnh lương để thức đêm canh gác vậy mà để cớ sự xảy ra. Vấn đề ở chỗ: tại sao tổ bảo vệ 6 người lại không thể làm tốt công tác chữa cháy tại chỗ khi vừa phát hiện nguồn cháy?  Họ có được tập huấn thao tác phòng cháy chữa cháy hay không? Giả sử đội bảo vệ không giỏi giang việc chữa cháy tại chỗ đi nữa thì sau khi phát hiện nguồn cháy ban đầu, thiết nghĩ lực lượng PCCC chuyên nghiệp của tỉnh vẫn có thể ứng cứu kịp lúc. Đằng này, mọi chuyện đều diễn ra ngoài tầm kiểm soát, cho dù ngành chức năng đã huy động gần như toàn bộ phương tiện chữa cháy ở địa phương.

Có thể do phương tiện chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu dập lửa trước vụ cháy quá lớn. Nói như một vị lãnh đạo tỉnh thì đây là vụ cháy lớn nhất ở đây từ trước đến giờ. Hải Dương chứ đâu phải thủ đô Hà Nội hay Sài Gòn? làm gì có đầy đủ phương tiện chữa cháy hiện đại hả anh Hai?

Cứ cho là như vậy đi. Nhưng ngay cả chuyện thiếu phương tiện chữa cháy hiện đại cũng không phải tại hên xui. Hôm nọ thấy ở Sài Gòn diễn tập chữa cháy với xe thang cao ngất, vòi rồng phun nước xa hàng trăm mét mà Hai tui thấy chạnh lòng cho tỉnh Hải Dương. Lẽ ra tỉnh này cũng được đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy hiện đại xấp xỉ như Sài Gòn thì chuyện đâu đến nỗi.

Dường như với Hai Sài Gòn thì chuyện gì cũng có nguyên nhân từ con người chứ không phải hên xui? Nguyên nhân nào đi nữa thì cũng đều là do chủ quan, mất cảnh giác? Nói vậy đúng không hả anh Hai?

“Thiên tai” còn có thể đổ thừa hên xui chứ hỏa hoạn thì “chắc như bắp” là “nhân tai”. Tai họa do người chứ chẳng phải tại ông trời. Mà này, trong vụ cháy lớn ở Trung tâm Thương mại Hải Dương xin hỏi chú Tư vậy chứ sự khinh xuất đau lòng nhất là gì?

Trả lời câu hỏi này, Tư Cổ Cò  xin được mượn lời của tiểu thương Pham Thị Thủy: “Bảo hiểm cháy nổ tôi không biết đến vì không ai nói. Mỗi tháng tôi đóng cho Ban quản lý Trung tâm hơn 3 triệu đồng cho 4 gian hàng. Đó chắc là tiền thuế. Mất trắng chỉ sau một đêm thì quả là quá đắng lòng”.

Đấy! chuyện đắng lòng cháy lớn mùa mưa gây thiệt hại khôn lường chính là  do chủ quan, khinh xuất của người trong cuộc, lại là bài học nhớ đời nữa rồi.