Nên chăng

(VOH) - Vừa nhấm nháp café, Ba thợ hồ vừa đố Tư hưu trí: Bộ giao thông vận tải làm tờ trình gởi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí xe hơi đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm. Theo đó phí lưu hành xe hơi phải đóng thấp nhứt là 20 triệu đồng, cao nhứt là 50 triệu đồng/năm. Còn xe máy ở 5 thành phố lớn trực thuộc TW phải đóng 500.000 hoặc 1 triệu đồng/năm, tùy theo công suất của xe. Theo anh đề nghị này khả thi hay không?
Các thành phố lớn sẽ áp dụng thu phí lưu hành phương tiện giao thông vào giờ cao điểm?

Tư hưu trí không trả lời trực tiếp mà lý sự đầy triết lý: “Thông thường cái gì không hợp với qui luật, bất hợp lý thì sẽ bị vô hiệu và tự đào thải”. Ba thợ hồ tức khí “nổ” liền: Tui hỏi anh là có thực hiện được hay không? Anh trả lời cụ thể đi - ở đó mà “lý với sự”.

Thấy hai bạn căng thẳng nên Hai Sàigòn gợi ý để hai bạn tranh luận: Vấn đề đặt ra là liệu thu phí như thế có bảo đảm hạn chế nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông như mục đích đề ra hay không? Theo Tư hưu trí-  tại cuộc họp báo hôm qua 3/1, cánh nhà báo cũng đưa ra các câu hỏi tương tự. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trả lời là ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ đã đưa ra rất nhiều giải pháp, kể cả thu phí, thu thuế cao đối với ô tô, cũng không bao giờ dám khẳng định sẽ hết ùn tắc, hết tai nạn. Các biện pháp mà Bộ GTVT đưa ra chỉ nhằm cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất có thể. Như vậy, chủ trương đề xuất thu phí cũng chưa được thăm dò mức độ khả thi …

Ba thợ hồ chen vô: Ùn tắc giao thông ở nước ta là tại sao? Theo tui có 2 nguyên nhân: hạ tầng giao thông mà dân thợ hồ tụi tui gọi là đường sá, quá chật hẹp, phát triển không đồng bộ với lượng xe, phương tiện vận chuyển công cộng thì không đáp ứng nhu cầu. Thứ hai là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân kém. Cái này phải thừa nhận là lỗi của người điều khiển phương tiện- là người dân đây- do đó, vấn đề đặt ra là phải có biện pháp buộc được người dân có ý thức hơn khi tham gia giao thông. Chỉ cần mỗi người ý thức một chút thì giao thông sẽ thông thoáng thôi. Chứ cấm hoặc là thu phí cao thì không ăn thua. Tại sao vậy? Đối với người giàu có, đi xe hơi, mỗi năm họ bỏ ra 20 triệu- 50 triệu để đi xe của họ, quá dễ dàng, đi vào nội ô đóng 30 ngàn 50 ngàn - chuyện nhỏ như con thỏ - và như thế mục tiêu hạn chế xe đâu có đạt. Còn với nhân dân lao động nghèo - thu nhập mức lương tối thiểu 830.000 hoặc cao hơn 1.200.000 đồng/tháng theo khung lương nhà nước thì 500.000 đồng/hoặc 1 triệu đồng/năm cho xe gắn máy thì bữa cơm gia đình họ bị suy xuyển ngay.Tui cứ lấy bản thân tui mà chứng minh: chiếc xe máy do Tàu sản xuất của tui, mua mới tinh giá có hơn 5 triệu bạc. Rồi nào phí trước bạ, phí đăng ký, giờ phải đóng thêm 500.000 đồng/năm, chiếm tới 10% giá trị chiếc xe rồi. Như thế là bất hợp lý!

Tư hưu trí chận lời, vậy theo anh là không nên thu phí theo đề xuất của Bộ GTVT chứ gì?

Ba thợ hồ chống chế: không phải là không nên, bởi không phải đóng tiền là người dân sẽ sợ không dám đi xe. Đề xuất này theo tui là chưa khoa học, chưa có sự nghiên cứu nghiêm túc và cần phải lấy ý kiến người dân, vì thu phí như vậy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Rồi anh quay qua hỏi Hai Sàigòn: Ý anh thế nào?

Suy tư một hồi, Hai Sàigòn mới nói: Như các anh tranh luận thì thu phí xe lưu hành cũng không giải quyết được tình trạng tắc đường. Bản thân người dân khi sử dụng xe đã đóng nhiều lệ phí cho nhà nước kể từ khi mua xe, đăng ký xe; phí đó cũng được thu qua xăng dầu, cầu đường…Do đó không nên để phí chồng lên phí, khổ cho người dân nghèo! Dù sao thì đây mới chỉ là đề xuất thôi. Do đó, Hai Sàigòn kiến nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần xem xét thấu đáo đề xuất này trước khi ban hành.