Ngưỡng mộ cô giáo!

(VOH) - Hình ảnh cô giáo trẻ tinh tươm trong chiếc áo dài hồng ngày khai trường với các em học sinh nghèo khó đã làm cả “Hội Hai Sài Gòn” xúc động.

Thưa bà con! Những ngày gần đây mọi người ai cũng trở nên xốn xang, đầy tâm tư trước câu chuyện đẹp về hai cô giáo trẻ tổ chức một lễ khai giảng đơn sơ cho các học trò ở Ca Dong, huyện Nam Trà My, Quảng Nam… Và hội cà phê vỉa hè cũng vậy, nhất là Hai Sài Gòn.

 

Dường như không ai không chạnh lòng khi nhìn tấm ảnh của buổi lễ khai trường ở điểm trường Tăk Pổ. Tấm ảnh chụp các học trò đang chăm chú nghe cô giáo đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới, có sáu em học sinh ngồi xổm trên nền đất, trước ngôi trường lợp tôn, che chắn bằng vách gỗ đơn sơ.

Hai Sài Gòn mủi lòng lên tiếng: “Chỉ mấy chiếc ghế cho các cháu ngồi mà nhà trường và người dân sở tại cũng không lo được cũng là điều phải suy nghĩ, dù là chiếc ghế đơn giản nhất!?”

Ba thợ hồ nói: “Tui cũng rơi nước mắt khi nhìn thấy tấm ảnh này. Thương cô và các cháu quá! Hình ảnh này giống tui của vài chục năm trước. Cũng lớp học tạm và đám học trò quê thiếu thốn đủ thứ nhưng thừa lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và tình yêu với nghề… Đi học mang một cái "ghế" bằng bất cứ cái gì, một cái thúng đựng thóc làm bàn. Bút thì chỉ có ngòi được quấn vào một khúc bông trít hay khúc cành tre nhỏ bằng chỉ khâu. Mực thì đứa có đứa không, thỉnh thoảng hết lấy vốc quả mồng tơi chín nghiền ra pha chút nước làm mực tạm.

Tui cũng nhớ hồi đó, khi tui vào lớp 1, một cái cặp đan bằng bảng, chân đất, 1 quyển tập, 1 cuốn sách tập đọc. Ngày khai giảng chỉ có 1 lớp một rất háo hức, rất nhộn nhịp. Cô và trò như một gia đình thứ hai. Không học phí, không đóng quỹ lớp mà học sinh còn được mua tập giá rẻ, sách học được cô và nhà trường cho mượn.

Hôm nay, tuy tôi không phải là một doanh nhân nhưng kiến thức tôi được các thầy cô truyền đạt đủ để tôi làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn học sinh còn khó khăn không gì phải buồn các bạn nhé. Đó là chuyện cũ của mấy chục năm về trước, còn bây giờ…”

Hai Sài Gòn tiếp lời: “Còn bây giờ… Điểm trường Tăk Pổ này chỉ cách 10 km từ trung tâm huyện mà không có đường đi hay sao để thiếu 6 chiếc ghế? Trong khi đó, có những nơi xe con đến được... Còn nơi heo hút thế này chỉ thấy hình ảnh cô giáo với các em nhỏ, nhìn thật tội nghiệp…”

lễ khai giảng

“Thôi đi mấy bạn, đất nước mình còn nhiều khó khăn…” Tư hưu trí lên tiếng: “Ước gì mình còn bé để được ngồi xổm nghe cô giáo trẻ dạy bài, vì hồi xưa chỉ có thầy giáo già dạy, rất hay đánh đòn, mà có học đâu, toàn nghịch bẩn, áo quần nhem nhuốc, được đẹp như trong ảnh có mà mơ! Bởi theo tui nghĩ có khi đây lại là buổi lễ khai giảng có ý nghĩa nhất vì các cháu ngây thơ và hồn nhiên quá, nhiệt tình quá, yêu trường lớp quá. Những bức ảnh về ngày khai giảng của cô Trà Thị Thu - giáo viên đứng lớp tại điểm trường Tăk Pổ như không còn vươn sự nghèo khó thiếu thốn, mà toát lên niềm hứng khởi, lạc quan tràn đầy!”

Hai Sài Gòn lập luận thêm: “Tư hưu trí nói đúng! Nhưng tui nghĩ là bất cứ một người có lương tâm nào cũng không thể không liên tưởng với số tiền thất thoát, tham nhũng hối lộ của nhiều vụ mà Trung ương đã mạnh tay điều tra, xử lý thời gian qua, chúng ta có thể thay bao nhiêu ngôi trường xập xệ bằng trường mới khang trang, thêm bao nhiêu em bé vùng cao được ăn no mặc ấm, bao nhiêu cuộc đời chốn thâm sơn cùng cốc được chạm vào tương lai tươi sáng hơn.”

Tư hưu trí nói: “Ờ… Mấy bạn có thể nghĩ theo nhiều hướng! Chứ riêng tui thì hai cô giáo ở nóc Tăk Pổ đó rất xứng đáng được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân!”.

Học tập Bác Hồ - Nói đi đôi với làm - (VOH) -  Thưa bà con! Đàm luận bên bình trà “quạu” Tư hưu trí hỏi “đố” Hai Sài Gòn “theo anh thì hiện nay người dân mong muốn gì ở cán bộ đảng viên, ở các cấp chính quyền”.

Bình luận