Học Kỹ thuật xây dựng công trình thủy ra trường sẽ làm những công việc gì?

(VOH) - Kỹ thuật xây dựng công trình thủy là ngành học đặc thù, nhiều cơ hội phát triển. Học ngành này với nhiều người có thể khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy tự hào!

Việt Nam là đất nước đang phát triển với tốc độ cao, là nước có định hướng xuất khẩu và có độ mở kinh tế lớn, có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên việc lưu thông hàng hóa là rất lớn, trong đó chủ đạo là vận tải đường thủy (lượng hàng thông qua các cảng ở Việt Nam là 703 triệu tấn năm 2021).

Nhờ hệ thống cảng biển phát triển, từ Việt Nam, hàng hóa đã có thể xuất khẩu trực tiếp trên các tuyến vận tải biển đi các nước nội Á. Nhờ có sự đột phá về cảng biển, năng lực đón tàu lớn nhất trên thế giới của cảng biển, chúng ta đã có được tuyến vận tải biển xa từ các cảng cửa ngõ như: Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ, châu Âu.

Sự hiệu quả trong khai thác cảng biển đã giúp Việt Nam thu hút được khoản tiền đầu tư rất lớn từ nguồn xã hội hóa. Trong tổng số 250.000 tỷ đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng hải trong 10 năm qua, nguồn vốn xã hội hóa huy động được chiếm tới 84%. 

Đây là những thông tin nói nên mức độ phát triển của ngành này tại Việt Nam cũng là cơ sở để đảm bảo về nhu cầu nhân lực của ngành này trong hiện tại và tương lai.

Học Kỹ thuật xây dựng công trình thủy ra trường sẽ làm những công việc gì? 1
Sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tham quan chuyên môn tại Trung tâm điều khiển Âu tàu Rạch Chanh

Xem thêm: 

Kỹ thuật ô tô - ngành học nhiều tiềm năng phát triển

Ngành Kỹ thuật tàu thủy là gì? Làm việc ở đâu?

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy là gì?

Kỹ thuật xây dựng công trình thủy là ngành đòi hỏi kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực xây dựng, liên qua đến sóng, gió, dòng chảy, đất yếu… Do vậy, sau khi tốt nghiệp đây cũng là những người kỹ sư xây dựng “đa năng” nhất trong lĩnh vực của mình.

Sau khi ra trường, sinh viên có thể chọn làm công việc tư vấn thiết kế gần nhà, hay làm kỹ sư giám sát thi công ở các công trường xây dựng trên khắp mọi miền tổ quốc.

Sinh viên cũng có thể làm việc tại: Các công ty tư vấn thiết kế, xây dựng công trình thủy, xây dựng công trình giao thông; Ban quản lý dự án đường thủy; Sở Giao thông các tỉnh, thành phố; Các công ty quản lý, khai thác cảng biển, nhà máy đóng tàu; Các trường đại học, viện nghiên cứu liên quan…

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy?

Để học tốt ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy bạn cần có những tố chất và kỹ năng sau: Cẩn thận; giỏi về các môn khoa học tự nhiên; có khả năng tính toán nhanh; có khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc; đam mê kỹ thuật, thích làm việc trong lĩnh vực xây dựng...

Một số môn học đặc trưng của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy?

Một số môn học đặc trưng của ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy:

  • Quy hoạch cảng: cung cấp các kiến thức về quy hoạch hệ thống cảng biển, các cảng cụ thể…
  • Công trình bến cảng: cung cấp các kiến thức về thiết kế các loại công trình bến cảng phổ biến;
  • Công trình nâng hạ tàu: cung cấp các kiến thức về quy hoạch, thiết kế nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thủy;
  • Chỉnh trị sông và âu tàu: cung cấp các kiến thức về thủy văn, động lực học dòng sông để chỉnh trị, xây dựng các công trình đảm bảo giao thông đường thủy;
  • Công trình ven bờ: cung cấp các kiến thức về thiết kế các dạng công trình bảo vệ bờ sông, biển và các dạng công trình ven bờ khác…
  • Tin học ứng dụng thiết kế công trình thủy: hướng dẫn sử dụng các phần mềm tính toán tiên tiến phục vụ công tác tính toán thiết kế các công trình thủy…

Sinh viên học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì?

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy có khả năng đảm nhận công việc với các vị trí như: Kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định, nghiệm thu các công trình xây dựng cảng, đường thủy, công trình nâng hạ tàu, công trình bảo vệ bờ sông, biển, công trình âu tàu… tại các doanh nghiệp, công ty tư vấn xây dựng hay các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng như: Sở giao thông; ban quản lý dự án xây dựng; công ty xây dựng,...

Chuyên viên tư vấn, lập dự toán, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra thiết kế tại các công ty, tập đoàn xây dựng; giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành xây dựng công trình thủy…

Mức lương của những người làm việc trong ngành nghề này?

Mức lương phổ biến của người làm việc trong ngành này cũng tương tự như các kỹ sư xây dựng ngành xây dựng dân dụng, hay cầu đường. Khi mới ra trường mức lương phổ biến khoảng 10 đến 15 triệu đồng/tháng và sẽ tăng theo thời gian.

Nếu có khả năng ngoại ngữ và làm việc cho công ty nước ngoài, tập đoàn lớn thì lương hàng tháng có thể hàng ngàn đô la.

Cơ hội thăng tiến trong nghề cũng rộng mở như những kỹ sư xây dựng khác tùy theo nỗ lực của bạn. Để phát triển nhanh và vững chắc trong nghề cần nền tảng đạo đức tốt, kỹ năng chuyên môn sâu, kỹ năng ngoại ngữ và những kỹ năng mềm khác.

Bình luận