Chờ...

Ngành logistics là gì? Cơ hội nghề nghiệp của ngành này ra sao trong tương lai?

(VOH) - Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, nhu cầu nhân sự logistics có thể lên đến 2,2 triệu người đến năm 2030. Do đó, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực này khá lớn.

Sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam đã góp phần đáng kể gia tăng số lượng các doanh nghiệp logistics, kéo theo đó là nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng. Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, nhu cầu nhân lực logistics có thể lên đến 2,2 triệu người đến năm 2030.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng to lớn.

Chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI – Logistics Performance Index) 2018 của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới công bố trong báo cáo tháng 7/2018, theo đó Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016 (64/160).

logistic
Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) về số lượng doanh nghiệp logistics của Việt Nam từ năm 2013 đến năm 2018 vào khoảng 11,63% (Ảnh: techprevue)

Theo số liệu từ Tổng cục thống kế, biến động số lượng doanh nghiệp logistics của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2018 như sau: từ con số 17.132 doanh nghiệp năm 2013 đến năm 2017 đã tăng lên 29.123 doanh nghiệp và năm 2018 là 29.694 doanh nghiệp (trong đó, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam công bố có trên 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp và có cung cấp dịch vụ logistics quốc tế).

Tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) về số lượng doanh nghiệp từ năm 2013 đến năm 2018 vào khoảng 11,63%. Có một điểm nổi bật là có đến 54% số lượng doanh nghiệp logistics tập trung tại TPHCM do ưu thế của TPHCM về nguồn hàng với hoạt động xuất nhập khẩu của TPHCM và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối tuyến vận tải quốc tế qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cũng như cụm cảng khu vực TPHCM đặc biệt là cửa ngõ xuất khẩu qua cảng Cát Lái.

Những người làm việc trong ngành Logistics do đó cần giải quyết bài toán tối ưu hóa quá trình lưu chuyển vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ, thông tin… từ trước khi đưa vào sản xuất/xử lý cho đến sản phẩm được trao tận tay khách hàng cuối cùng phải đảm bảo 7 right “right time, right product, right customer, right condition, right quantity, right price, right place” (đúng thời điểm, đúng sản phẩm, đúng khách hàng, đúng điều kiện, đúng số lượng, đúng giá, đúng nơi).

TS. Đinh Gia Huy - Phụ trách Bộ môn Quản lý Cảng và Logistics, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM sẽ thông tin thêm về ngành Logistics cũng như những vị trí công việc, những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các bạn trẻ có thể hiểu hơn về cơ hội phát triển nghề nghiệp trong ngành này.

* Nhu cầu nhân lực của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hiện nay ở nước ta?

Theo nghiên cứu của Bộ môn Quản trị Logistics và Vận tải đa phương thức, trong Sách trắng Logistics Việt Nam 2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) công bố, thiếu hụt nhân sự là một trong ba vấn đề chủ yếu gây khó khăn cho các công ty logistics trong phát triển hoạt động kinh doanh.

Dự báo của VLA đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành là 200.000 nhân sự. Ngoài ra, theo Báo cáo logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, nếu tính cả nhu cầu nhân lực logistics thuộc các cấp độ trong doanh nghiệp logistics và nhân lực logistics từ các doanh nghiệp sản xuất thì nhu cầu nhân lực logistics có thể lên đến 2,2 triệu người đến năm 2030. Trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics hiện tại chỉ đạt 10%.

Xem thêm: Doanh nghiệp châu Âu mong muốn đầu tư dự án Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ

* Các trường đại học tại Việt Nam đang đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng?

Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2021, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường đại học trong tổng số 286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên. Hà Nội và TPHCM có số lượng trường đại học đào tạo nhiều nhất (17 trường), còn lại nằm rải rác ở các tỉnh thành phố khác.

Đối với hệ cao đẳng/trung cấp, có 69/936 trường đào tạo ngành học này với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp.

Xem thêm: Số trường đại học đào tạo ngành Logistics tại Việt Nam tăng nhanh

Năm 2008, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM là trường đầu tiên tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Logistics và vận tải đa phương thức tại Việt Nam.

Khoa Kinh tế vận tải của trường đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (mã số 7510605) với 2 chuyên ngành: Quản trị logistics và vận tải đa phương thức và Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, trường cũng có hệ đào tạo do đại học nước ngoài cấp bằng với 2 chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng & Quản lý Cảng và Logistics.

Hiện nay, các chương trình đại trà, chất lượng cao và liên kết quốc tế của Trường về đào tạo nguồn nhân lực logistics là đa dạng nhất khu vực phía Nam. Trường cũng tích cực hợp tác với các công ty, tổ chức quốc tế trong việc đào tạo thực tiễn cho sinh viên như: Khóa học “The intensive course Logistics operation and Networking” cho sinh viên năm thứ 3 với Công ty SGH Foundation (Nhật Bản) là 1 trong những công ty logistics hàng đầu của Nhật Bản (Khoá học được tài trợ từ chính phủ Nhật Bản thông qua Bộ Đất đai, Cơ sở Hạ tầng, Giao thông Vận tải và Du lịch Nhật Bản – MLIT); chương trình đào tạo song hành giữa Trường và Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AHK VN) và các công ty quốc tế trong lĩnh vực logistics/freight forwarding của Đức; Chương trình trao đổi sinh viên “Training and Field Practicum on Logistics and Supply Chain Management” do Viện Mekong, Đại học Khon Kaen và Công ty Thai Beverage Logistics (TBL) tổ chức tại Thái Lan…

nhân lực logistics
Nhu cầu nhân lực logistics có thể lên đến 2,2 triệu người đến năm 2030 (Ảnh: teamtransport)

* Các tổ hợp môn tuyển sinh vào ngành này? Điểm chuẩn xét tuyển vào ngành này trong vài năm gần đây?

Năm 2017 đã đánh dấu bước ngoặt trong đào tạo trình độ đại học đối với lĩnh vực logistics khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 công bố Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học.

Theo đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mã ngành riêng là 7510605 thuộc nhóm ngành Quản lý công nghiệp (mã 75106). Bên cạnh đó, nhiều trường đại học cũng đồng thời tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành liên quan đến logistics thuộc 07 mã ngành, chẳng hạn như: Quản lý công nghiệp (mã 7510601), Kinh tế quốc tế (mã 7310106); Kinh doanh quốc tế (mã 7340120), Quản trị kinh doanh (7340101), Khai thác vận tải (mã 7840101), Kinh tế vận tải (mã 7840104), Khoa học hàng hải (mã 7840106)...

Một số tổ hợp môn tuyển sinh ngành này là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh văn), D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Anh văn) và D01 (Toán, Văn, Anh văn)…

Điểm chuẩn các ngành đào tạo Logistics có xu hướng tăng mạnh từ 2018 đến nay. Năm 2021, Logistics vươn lên là ngành "đầu bảng" trong nhóm kinh tế với mức điểm chuẩn 27-28, tương đương với ngành Y khoa.

* Giới thiệu một số môn học đặc trưng của ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng?

Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2021, các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo ngành/chuyên ngành logistics hiện nay, hệ thống các học phần giảng dạy cho sinh viên, học viên tại các trường này được chia thành 2 nhóm:

Nhóm 1 là các học phần về Logistics và Chuỗi cung ứng như: Tổng quan về logistics, Quản trị logistics, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị chiến lược logistics và chuỗi cung ứng, Quản trị mua hàng; Quản trị kho hàng, Quản trị vận tải, Quản trị doanh nghiệp dịch vụ logistics, Cơ sở hạ tầng logistics, Hệ thống thông tin logistics, Pháp luật liên quan đến logistics...

Nhóm 2 là các học phần khác có liên quan như Nghiệp vụ ngoại thương, Vận tải và bảo hiểm ngoại thương, Đại lý giao nhận và khai báo hải quan, Thanh toán quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Tiếng Anh chuyên ngành logistics...

Các học phần về logistics cũng được giảng dạy cho 2 nhóm đối tượng, đó là: sinh viên theo học đúng ngành/chuyên ngành logistics và sinh viên thuộc các ngành/chuyên ngành đào tạo khác nhưng được học các học phần liên quan đến logistics trong chương trình đào tạo.

Chẳng hạn, chương trình đào tạo ngành Logistics của trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã được đa dạng hoá với những học phần như:

+ Kiến thức cơ sở về kinh tế: Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Luật kinh tế,…

+ Kiến thức về cơ sở ngành: Thương mại điện tử, Hàng hóa, Luật vận tải, Nghiệp vụ ngoại thương, Thanh toán quốc tế, Quản lý dự án, Quản trị chiến lược, Quản trị marketing, Quản trị chất lượng…

+ Kiến thức chuyên ngành: Vận tải đa phương thức, Quản trị logistics, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị kho hàng và tồn kho, Kinh tế vận tải và logistics, Giao nhận hàng hóa và khai báo hải quan, Phân tích hoạt động kinh doanh…

* Sinh viên cần bổ sung thêm các kiến thức, kỹ năng gì để có thể… cạnh tranh được trên thị trường việc làm?

Theo Báo cáo ngắn về Hiện trạng và đề xuất phát triển nguồn nhân lực cho ngành Logistics Việt Nam năm 2019 do VLA/VLI và Aus4skills nghiên cứu, doanh nghiệp logistics đánh giá những kỹ năng cần thiết đối với nhân viên logistics bao gồm: kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sẵn sàng học hỏi, tính kỷ luật, kiến thức...

Một số kỹ năng hiện nay sinh viên còn chưa đạt như: kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng IT…

Do đó, sinh viên cũng cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động ngay từ khi còn đi học để tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm như: hoạt động CLB, tham gia các cuộc thi chuyên ngành, thực tập, tham quan doanh nghiệp, tham gia các hội thảo chuyên ngành...

* Sinh viên học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? Ở Đâu? 

Sinh viên học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng khi ra trường có thể làm việc ở các công ty sản xuất; công ty kinh doanh thương mại điện tử, giao nhận; Công ty vận tải đường bộ, đường sắt; Hãng tàu; Hãng hàng không; Công ty logistics, trung tâm phân phối, siêu thị, trung tâm logistics, chuỗi bán lẻ…; Cơ quan quản lý: Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Hải quan…

Cụ thể là làm việc tại các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khách hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán, phân phối… với các công việc như nhân viên giao nhận, nhân viên điều hành vận tải, nhân viên kho hàng, nhân viên thu mua, nhân viên sale, quản lý thu mua, quản lý vận tải, quản lý kho, quản lý tồn kho, quản lý thu hồi, quản lý chuỗi cung ứng…

Ngoài ra, các bạn có thể đảm nhiệm chức danh quản lý các cấp tại các doanh nghiệp và tổ chức liên quan đến logistics và vận tải.

Sinh viên sau khi ra trường cũng có thể giảng dạy các môn học chuyên môn ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề có mở chuyên ngành liên quan; Có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế trong lĩnh vực liên quan đến chuyên môn hay tiếp tục học tập nâng cao trình độ các bậc học sau đại học ở các lĩnh vực tổ chức và Logistics và Quản lý Chuỗi cung ứng cũng như lĩnh vực quản trị kinh doanh trong nước và quốc tế.

* Mức lương của những người làm việc trong ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng?

Mức lương khởi điểm trung bình cho sinh viên mới ra trường là từ 7-9 triệu. Theo báo cáo Salary guide 2021 của Persolkelly, mức lương trong ngành Logistics với nhân viên từ 2-5 năm kinh nghiệm khoảng 400 - 1.500 USD/tháng. Với nhân viên có kinh nghiệm cao hơn từ 5-15 năm, mức lương có thể đạt được lên tới 1.000 - 4.000 USD/tháng.

Xem thêm: 

Tất tần tật về ngành kỹ sư ứng dụng công nghệ vệ tinh tại Việt Nam

Ngành Xây dựng chỉ có 7% nhân lực bậc cao: Cơ hội lớn cho người học ngành Quản lý Xây dựng

* Cơ hội thăng tiến trong nghề?

Sau 4 đến 6 năm làm việc, người lao động có thể vươn tới các cấp bậc như giám sát hoặc quản lý với mức lương cao hơn. Những vị trí giám đốc bộ phận, quản lý doanh nghiệp có thể yêu cầu từ 10-15 năm kinh nghiệm.

Nhiều cựu sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã trở thành các cán bộ quản lý các cấp từ Giám đốc, Phó Giám đốc đến Trưởng, Phó phòng và chuyên viên có năng lực trong các doanh nghiệp logistics, công ty sản xuất kinh doanh, công ty thương mại điện tử như Trung tâm Logistics (Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn), Công ty CP Tiếp vận Quốc tế Cảng Cát Lái, Công ty Đóng tàu - Cano Việt Séc, Công ty DHL (Đức), Công ty UPS (Mỹ), Công ty Lazada, Công ty Shopee, Công ty Gemadept, Công ty Sotrans, Công ty Indo Trans, Công ty Smartlog, Hãng tàu CMA-CGM Việt Nam, Hãng tàu Hapag Lloyd, Hãng tàu Maersk, Công ty Ceva Logistics, Công ty LOOKALOOP, Công ty Thai Beer (Thái Lan), Công ty Jion Vina (Hàn Quốc), Công ty Schindler, Công ty Geodis…