Ngành Kỹ thuật tàu thủy là gì? Làm việc ở đâu?

(VOH) - Ngành Kỹ thuật tàu thủy là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển của nước ta.

Việt Nam có đường bờ biển dài khoảng 3.260 km, đứng thứ 27 trên thế giới với diện tích mặt biển 1.000.000 km2, chiếm 29% diện tích của toàn Biển Đông. 

Do đó, chiến lược phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển luôn đòi hỏi phải có một ngành công nghiệp đóng tàu biển và công trình trên biển phát triển. Song song đó, nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ trong thiết kế, sản xuất, bảo trì, sửa chữa tàu thủy và công trình nổi luôn đặt lên hàng đầu.

PGS. TS. Lê Tất Hiển - Bộ môn Kỹ Thuật Tàu Thủy - Khoa Kỹ thuật Kỹ thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) sẽ thông tin thêm về ngành học này.

KỸ THUẬT TÀU THUỶ
Sinh viên học Kỹ thuật tàu thủy có thể làm việc trong lĩnh vực tính toán, tư vấn thiết kế, phân tích kết cấu phương tiện thủy và các công trình nổi... (Ảnh: https://www.marine.marketing)

* Ngành Kỹ thuật tàu thủy là gì?

Tại trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG-HCM (HCMUT), ngành kỹ thuật tàu thủy bao gồm các lĩnh vực như tính toán - thiết kế - thi công đóng mới phương tiện thủy và công nghiệp phụ trợ.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp Kỹ thuật tàu thủy tại HCMUT có thể làm việc trong lĩnh vực tính toán, tư vấn thiết kế, phân tích kết cấu phương tiện thủy và các công trình nổi. Ngoài ra, người học còn có thể làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan như dầu khí, dàn khoan ngoài khơi, dịch vụ giao thông vận tải thủy và logistic.

* Các trường đại học nào tại Việt Nam đang đào tạo ngành Kỹ thuật tàu thủy?

Tại Việt Nam, ngoài trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) đào tạo ngành Kỹ thuật tàu thủy, còn có một số trường đại học đào tạo ngành này, đó là: trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM; trường Đại học Nha Trang; trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng); trường Đại học Hàng Hải (Hải Phòng); trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

* Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Kỹ thuật tàu thủy? Nữ giới có nên học ngành này hay không?

Để học tập và làm việc hiệu quả trong ngành tàu thủy, người học trước hết cần có niềm đam mê đối với kỹ thuật, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp liên quan đến phương tiện thủy và ngành phụ trợ. Ngoài ra, người học cần có tốt chất tự học tập và nghiên cứu trau dồi kiến thức suốt đời.

Đối với nữ giới, ngành tàu thủy có thể nói là một lĩnh vực “liên ngành”, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao thông thủy thường có rất nhiều bộ phận, trong đó có nhiều bộ phận đặc biệt phù hợp cho nữ giới như quản lý dự án, lập dự toán, quản lý sản xuất…

Xem thêm: Con gái học điều khiển tàu biển, làm việc trên tàu viễn dương: Áp lực hay thú vị?

* Nhu cầu nhân lực của ngành này hiện nay ở nước ta?

Thực tế cho thấy, với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực từ tư vấn – thiết kế, phân tích kết cấu tàu thủy và công trình nổi, các sinh viên tốt nghiệp ngành này tại trường Đại học Bách khoa hầu như đều có việc làm ngay sau khi ra trường.

Ngoài ra, có nhiều cựu sinh viên hiện đang sinh sống và làm việc/học tập trong ngành đóng tàu tại nước ngoài (Hàn Quốc, Hà Lan, Na Uy…), đây đều là các quốc gia có nền khoa học và kỹ thuật rất tiến tiến trong mảng phương tiện thủy và công trình nổi.

Theo số liệu thống kê mức lương trung bình của kỹ sư tàu thủy như sau:

  • Tại Vịêt Nam, mức lương trung bình của kỹ sư tàu thủy mới ra trường là: 8-12 triệu đồng/tháng (https://luong.com.vn/chuc-nghiep/)
  • Tại Hàn Quốc, 35 KRW tương đương 700.000 đồng/giờ (https://www.salaryexpert.com/salary/job/marine-engineer/)
  • Tại Mỹ, trung bình mức lương của kỹ sư tàu thủy là 44$ (tương đương 1.000.000 đồng/giờ) (https://www.bls.gov/ooh/architecture-and-engineering/marine-engineers-and-naval-architects.htm)

* Một số môn học đặc trưng của chuyên ngành Kỹ thuật tàu thủy?

Tại trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG-HCM), ngành tàu thủy cấu trúc chương trình đào tạo khá bao quát, nhằm trang bị cho kỹ sư những kiến thức nền tảng vững chắc nhất trong ngành tàu thủy.

Các nhóm môn học phân bổ từ lý thuyết tính toán – thiết kế cơ bản đến thiết kế thi công, bao gồm: Lý thuyết thủy tĩnh; thủy động; Thiết kế phân tích kết cấu phương tiện thủy; Thiết kế hệ thống động lực phương tiện thủy;…

* Những khó khăn khi học và vất vả khi làm việc trong ngành này?

Sinh viên ngành tàu thủy tại trường Đại học Bách Khoa sẽ được trang bị nhiều kiến thức nền tảng trong ngành đóng tàu. Do đó, ở 1-2 năm đầu là thời gian học những môn học đại cương và cơ sở ngành, do lượng kiến thức lý thuyết nhiều và chưa được thực hành nhiều ở giai đoạn này dẫn đến động lực học tập chưa được khơi gợi và định hướng rõ ràng.

Ngoài ra, môi trường làm việc ngành tàu thủy thường chia thành 2 kiểu chính: tính toán thiết kế, và giám sát thi công ở công trường. Công việc tính toán, thiết kế tàu thường phức tạp và căng thẳng; công việc giám sát thi công khá vất vả vì phương tiện thủy là một công trình nhà máy, do đó kỹ sư thường phải di chuyển và làm việc nhiều trong công trường lớn.

* Sinh viên học ngành Kỹ thuật tàu thủy khi tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu?

Sinh viên sau khi tốt nghiệp tàu thủy đã được trau đồi kiến thức nền tảng vững chắc, kỹ năng học tập suốt đời và tư duy phản biện. Do đó có cơ hội làm việc rộng mở, các tân kỹ sư không những có thể thích nghi nhanh trong các doanh nghiệp tư vấn – thiết kế, thi công đóng tàu thủy chuyên nghiệp (như Vard Vũng Tàu, SSIC…) mà còn có thể làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan như dầu khí, thiết kế và giám sát thi công hệ thống đường ống…

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đóng tàu tại Việt Nam:

  • Vard Vũng Tàu: https://www.vard.com/location/vietnam/vard-vung-tau;
  • SSIC: http://www.ssic.com.vn/;
  • SEAS (PIRIOU): http://www.seas.vn/product/97-products.html;
  • RAINBOWTECH: https://rainbowtech.com.vn/dich-vu/...

Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành đóng tàu tại nước ngoài như:

  • Vard (Na Uy): https://www.vard.com/;
  • DAMEN (Hà Lan): https://www.damen.com/...

* Cơ hội thăng tiến và phát triển trong ngành nghề này?

Mức lương của kỹ sư Kỹ thuật tàu thủy khởi điểm khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và nước ngoài). Mức thu nhập ổn định trong ngành tàu thủy là trên 15 triệu đồng. Ngoài ra, người làm trong lĩnh vực này còn có nhiều cơ hội trong mảng liên quan đến phương tiện thủy về thăng tiến lên các vị trí chuyên gia (trưởng, phó phòng kỹ thuật, trưởng, phó giám đốc), kinh doanh (phát triển sản phẩm, R&D).

Để có cơ hội thăng tiến trong nghề, các bạn trau dồi trên nền tảng kiến thức được đào tạo chuyên ngành tàu thủy, bổ sung kỹ năng nghiên cứu thông qua dự án khoa học, các khóa huấn luyện thực tập tại doanh nghiệp đóng tàu, cơ sở thiết kế phương tiện thủy và chuyên môn ngoại ngữ.

Bình luận