Ngành điều khiển tàu biển: nữ học được không?

(VOH) - Đầu tháng 4, Lê Nguyễn Bảo Thư được Chi cục Hàng hải Việt Nam trao giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho các thuyền viên nữ đầu tiên của Việt Nam.

Bảo Thư là cựu sinh viên chuyên ngành Điều khiển tàu biển HH16B của Viện Hàng hải, thuộc Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM.

Từ năm 2013 - thời điểm có sinh viên nữ theo học ngành điều khiển tàu biển - đến nay cả nước đã đào tạo được khoảng 30 sinh viên nữ. Tuy nhiên, hầu hết đều công tác ở lĩnh vực quản lý tàu biển, kinh doanh hàng hải trên bờ. Bảo Thư (sinh năm 1998) là trường hợp đầu tiên thực tập chức danh sĩ quan vận hành trên tàu viễn dương nước ngoài.

Bảo Thư chia sẻ: “Động lực duy nhất để em chọn đi tàu biển là do yêu thích công việc này. Em tìm thấy được sự thú vị với những công việc hằng ngày trên tàu, yêu thích cảm giác mỗi sáng thức dậy nhìn qua ô cửa sổ nhỏ là màu xanh ngắt của biển, những công việc mỗi ngày đều khác nhau, và đặc biệt là mức lương khá ổn so với những công việc khác.

Em được trở thành nữ thuyền viên đầu tiên của Việt Nam là nhờ những người thầy đấu tranh năm này sang năm khác để giành cơ hội cho nữ được tham gia vào nghề đi biển, là nhờ sự hợp tác đào tạo giữa UT-STC và Stolt Tankers B.V. Kiểu như đúng người đúng thời điểm - nên nghĩa vụ của em chính là vận dụng hết thẩy cơ hội mà mình có để có thể hiện thực hoá điều mình mong muốn: trở thành thuyền viên được làm công việc mình theo học: ngành điều khiển tàu biển”.

Stolt Tankers
Lê Nguyễn Bảo Thư trong bộ đồng phục Deck Cadet, tàu Stolt Tankers (Ảnh: NVCC)

Thư kể: “Cả hai chuyến đi vừa rồi đều để lại trong mình nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chuyến đi đầu tiên, mình sign on tháng 1/2021, làm việc trên tàu vận chuyển hóa chất của Stolt Tankers (Hà Lan). Ngày 25/1, mình cùng các thuyền viên trả hàng tại cảng Ulsan (Hàn Quốc) sau khi khởi hành từ cảng Yokohama (Nhật Bản). Sau đó, tàu di chuyển qua các cảng ở Đài Loan, Trung Quốc trước khi vượt Thái Bình Dương đến châu Mỹ nhận hàng.

Lúc đó dịch Covid-19 bùng lên lại, đi thì dễ và đường về thì mịt mù, hợp đồng của mình là 6 tháng nhưng do không có chuyến bay về nên mình phải chờ đến gần 8 tháng. Suốt 8 tháng đó mình được trải nghiệm đa số các công việc trên tàu và đó cũng là lần đầu tiên sống xa nhà lâu đến vậy, lần đầu tiên lênh đênh trên biển lớn, có những chuyến đi vượt đại dương gần cả tháng trời mới nhìn thấy đất liền, có những ngày tàu rung lắc mà đồ đạc bay tứ tung, còn mình thì không tài nào ngủ được. Đó là lần đầu tiên sống cùng 27 thuyền viên nam đến từ các nước khác nhau, lần đầu tiên dùng tiếng Anh để nói chuyện và tranh luận hằng ngày…

Đó cũng là khoảng thời gian mình trải nghiệm cuộc sống lênh đênh trên đại dương, ngắm nhìn những đàn cá heo bơi quanh thân tàu, ngắm nhìn các cảng biển trên khắp thế giới hay lúc mình đeo găng tay chuyên dụng để cùng các đồng nghiệp chăng dây thép gai phòng chống hải tặc khi qua vùng biển Somalia… Giờ nhớ lại mà cảm xúc vẫn còn lâng lâng khó tả”.

Thư đã làm việc ở vị trí Deck Cadet trong 1 năm làm việc trên tàu viễn dương và chuyến đi tới Thư sẽ đi với chức danh Deck Officer Training. Thư cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi công việc mà mình yêu thích, tiếp tục học hỏi thêm để có thể trở thành một người đi biển lành nghề.

điều khiển tàu biển
Lê Nguyễn Bảo Thư làm việc trên tàu (Ảnh: NVCC)

Từ lâu, trên thế giới, việc phụ nữ làm việc tại các vị trí, chức danh khác nhau trên tàu biển là điều bình thường. Trong đó, có những thuyền trưởng nữ chỉ huy những con tàu siêu lớn hoạt động trên khắp các đại dương.

Xem thêm: Cơ hội mới cho ngành hàng hải Việt Nam

Tại Việt Nam cũng đã có những nữ thuyền trưởng của phương tiện thủy nội địa. Song, đối với ngành hàng hải, vì nhiều lý do, phụ nữ chưa được tạo điều kiện, khuyến khích làm việc trên tàu biển. Bên cạnh nguyên nhân về văn hóa, tâm lý truyền thống của người Việt, còn có cả nguyên nhân về mặt pháp luật.

Vậy, nữ sinh học ngành điều khiển tàu biển và làm việc trên tàu viễn dương có thuận lợi và khó khăn gì? có áp lực và thú vị như thế nào? Lê Nguyễn Bảo Thư sẽ chia sẻ hết những câu trả lời từ trải nghiệm học tập và làm việc của mình.

[VIDEO] Lê Nguyễn Bảo Thư chia sẻ về ngành học điều khiển tàu biển và trải nghiệm làm việc trên tàu.

1. Những khó khăn và thuận lợi khi nữ sinh học điều khiển tàu biển?

Khó khăn lớn nhất mà mình đã và đang gặp phải đó chính là định kiến của xã hội. Lúc mới rộ lên thông tin mình đi tàu, các anh các bác “cùng ngành” đã dùng những ngôn từ khá nhạy cảm cho rằng phụ nữ lên tàu thì không phù hợp và sẽ sớm bỏ nghề.

Đến khi mình đã hoàn thành xong 12 tháng seatime một cách tốt đẹp với đánh giá cao từ Thuyền trưởng thì họ lại nói rằng do mình là nữ nên được “ưu ái”. Lúc đầu mình stress dữ lắm, đọc những bình luận trên mạng xã hội mà rớt nước mắt, sốc nhất có lẽ là những bình luận tiêu cực đều đến từ những người trong nghề, những anh những bác chắc cũng đang đi sĩ quan cho tàu nước ngoài. Mình sợ người thân đọc được và khuyên mình đổi nghề.

Nhưng dần mình nhận ra rằng, mình có làm gì thì họ cũng không chịu chấp nhận rằng phụ nữ sẽ làm được việc mà trước giờ chỉ có đàn ông làm. Chuyện gì cũng cần có thời gian, có thể bây giờ chỉ có một vài cá nhân nữ làm việc, nhưng tương lai sẽ còn nhiều hơn. Do đó, mình dần bỏ ngoài tai những bình luận tiêu cực, cố gắng tập trung và trao dồi kiến thức chuyên ngành cho bản thân để có thể đạt được vị trí mình mong muốn trong ngành nghề này.

2. Những kiến thức được đào tạo đối với ngành điều khiển tàu biển?

Trong suốt 4 năm học tập và rèn luyện ở trường, mình được học những kiến thức tổng quát và chuyên sâu về ngành Điều khiển tàu biển, được rèn luyện sức khoẻ theo tiêu chuẩn cho người đi biển như các môn Bơi, thể thao chuyên ngành…

Đồng thời mình may mắn khi có được những người thầy, người anh đã tận tình giúp đỡ và chỉ dẫn cho mình trong suốt quá mình học tập, đó là nền tảng đề mình có thể áp dụng và làm việc trên tàu. Ngoài ra mình may mắn khi được có cơ hội tham gia những hoạt động ngoại khoá, hoạt động Đoàn hội, mà nhờ đó mình được trao dồi thêm kỹ năng mềm, khả năng giao tiếp với mọi người, vì hồi đó mình nhát lắm.

3. Những tố chất cần có ở nữ giới khi chọn theo ngành điều khiển tàu biển?

Đối với các bạn nữ theo ngành điều khiển tàu biển, các bạn nên đặt ra định hướng cho mình ngay từ năm nhất, xác định muốn làm ở bộ phận đất liền hay muốn đi tàu biển, mà muốn đi tàu biển thì muốn đi tàu nội địa hay đi “đánh thuê”.

Tiếng Anh là một phần chìa khoá thành công, nhưng phải tìm ra được phương pháp học hiệu quả. Song song đó phải tăng cường rèn luyện thể lực, nhất là đối với các bạn nữ, công việc trên tàu rất đa dạng, có việc nhẹ nhàng cũng có việc nặng nhọc, nên nếu thể lực yếu là không thể đi nổi.

Điều quan trọng nữa đó là phải tin tưởng vào bản thân mình. Nghề nào cũng là nghề, không có phân biệt nam nữ, chỉ phân biệt năng lực thôi. Nhưng cũng đừng vì mình là nữ mà trông chờ được sự giúp đỡ hay ưu ái từ ai hết, có như thế thì năng lực của mình mới được công nhận./.