Định hướng nghề nghiệp: Học ngành Hóa làm những công việc gì?

(VOH) - Hóa học là một trong những ngành khoa học được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và nhu cầu nhân lực ngành này tại Việt Nam khá lớn.

Sản xuất ngành Hóa chất là một trong những lĩnh vực quan trọng, góp tỉ trọng lớn trong nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào.

Sản xuất sản phẩm ngành Hóa học sẽ trực tiếp hoặc hỗ trợ nhiều các ngành khác như công nghiệp thực phẩm (thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm); công nghiệp công nghệ cao như điện tử (chế tạo vi mạch, màn hình LED, OLED…), nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc); các quá trình y sinh học (xét nghiệm, phát triển thuốc, vắc xin); sản xuất hàng tiêu dùng (sơn, nhựa, cao su, giấy, dệt nhuộm…); các sản phẩm hoá mỹ phẩm (nước giặt, nước rửa chén, son môi, phấn trang điểm...)

Triển vọng nghề nghiệp cho những người học hóa do đó cũng mở rộng từ các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu đến các vị trí công việc tại doanh nghiệp như kỹ sư hay quản lý vận hành các hệ thống thiết bị công nghệ sản xuất ngành Hóa, thiết kế và tính toán hệ thống, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, phân tích - quản lý chất lượng sản phẩm…

Xem thêm: Kỹ thuật Môi trường: Ngành giúp cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

TS.Nguyễn Thị Hồng Anh - Trưởng Bộ môn Công nghệ Hữu cơ, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM
TS.Nguyễn Thị Hồng Anh - Trưởng Bộ môn Công nghệ Hữu cơ, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM

TS.Nguyễn Thị Hồng Anh - Trưởng Bộ môn Công nghệ Hữu cơ, phụ trách quản lý và giảng dạy chuyên ngành Hóa mỹ phẩm – Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM sẽ chia sẻ nhiều thông tin về ngành học liên quan tới hóa học.

1. Những môn học chuyên ngành của ngành Hóa học?

Trong chương trình đào tạo của Khoa các môn học được sắp xếp theo 5 chuyên ngành để các bạn sinh viên có cơ hội đi theo hướng đam mê của mình tốt nhất.

Ví như chuyên ngành Hữu cơ học các môn về dầu khí, nhuộm, giấy...; chuyên ngành vô cơ thì học về xi măng, gốm sứ, mạ điện...; chuyên ngành máy thiết bị có các môn thiết kế và vận hành máy; chuyên ngành kỹ thuật phân tích và quản lý chất lượng có các môn phân tích chất lượng môi trường, thực phẩm, công nghiệp...; chuyên ngành hóa mỹ phẩm có các môn như sản xuất các sản phẩm chăm sóc cá nhân, sản xuất các sản phẩm trang điểm ...

2. Người học kém môn hóa có nên chọn ngành Hóa học?

Thực tế, tỷ lệ học sinh phổ thông học kém môn hóa khá nhiều. Có thể các em chưa có định hướng, chưa thấy ý nghĩa của môn học này nên chưa đam mê, chưa tập trung học nên chưa giỏi chứ không phải các em học dở. Chúng ta vẫn có thể bắt đầu lại từ đầu với môn hóa bởi thực tế, trong khối khoa học tự nhiên, môn hóa dễ hơn môn vật lý, sinh học rất nhiều.

3. Ngành Hóa học tuyển sinh các tổ hợp môn nào?

Ngành hóa học hiện nay có nhiều phương thức tuyển sinh từ xét học bạ, xét theo điểm môn thi tốt nghiệp… Các bạn học sinh có thể tham khảo trực tiếp trên trang thông tin của HUFI. Ví dụ: Ngành Kỹ thuật Hóa học tuyển theo học bạ và tuyển khối A; B; D.

4. Những kiến thức được ưu tiên khi học ngành Hóa học?

Đối với ngành Hóa, nói về kiến thức thì đương nhiên cần học các khối cơ sở thuộc tự nhiên và logic. Sau đó là các môn thuộc nhóm hóa và quan trọng thêm là các môn chuyên ngành. Dù vậy, các bạn nên học cùng các môn kỹ năng và quản lý để hỗ trợ các môn chuyên Hóa.

5. Những tố chất cần có để thành công khi học ngành Hóa học?

Không phải chỉ ngành Hóa mà ngành nào cũng vậy, muốn thành công đầu tiên phải có tâm và kiên trì vì có tâm mới phấn đầu để mọi thứ tốt đẹp hơn cho mọi người chứ không phải cho riêng mình. Có trách nhiệm mới làm đến nơi việc cần làm.

Nếu có 2 điều đó, chắc chắn các bạn sẽ giỏi và năng động hơn.

6. Khó khăn khi học và làm trong ngành này?

Các khối ngành công nghệ như “người phụ nữ” trong nhà vậy nên thường phải làm việc trực tiếp nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn, ai cũng thấy vất vả hơn nhưng lại ít hào nhoáng như khối kinh tế hay dịch vụ.

Chẳng có kỹ sư nào mặc bộ vest vào xưởng cả nhưng họ làm cho cuộc sống chúng ta ngày càng thoải mái tiện dụng hiện đại hơn. Nên họ rất tuyệt vời.

ngành hóa
Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Hufi)

7. Mới tốt nghiệp ngành Hóa ra trường sẽ ra làm gì và làm việc ở đâu?

Với các bạn học công nghệ Hóa nói chung, sau ra trường các bạn đều có thể lựa chọn các vị trí phù hợp với tính cách, kỹ năng, sức khoẻ và đam mê của mình.

Ví như làm kỹ sư trong các công ty, các cơ sở tuyển dụng và phấn đấu làm các vị trí quản lý cao hơn. Các bạn cũng có thể học và nghiên cứu lên các trình độ cao hơn và trở thành giảng viên.

Đối với Khoa Hóa – Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thì có 5 chuyên ngành là Công nghệ Hữu cơ, Công nghệ Vô cơ, Máy thiết bị, Kỹ thuật phân tích và đảm bảo chất lượng, chuyên ngành Hóa mỹ phẩm. Nên vị trí làm việc có thể rộng hơn nữa làm kiểm định, làm QC, làm thiết kế máy móc hay nhà xưởng, làm việc trong các trung tâm làm đẹp, phát triển sản phẩm (R&D) trong các nhà máy hóa mỹ phẩm... Tất cả phụ thuộc vào bản thân các bạn và chuyên ngành bạn chọn.

8. Cần bao nhiêu thời gian để trở thành một chuyên gia trong ngành này?

Nói thành chuyên gia thì vô cùng lắm. Với mỗi chuyên ngành khác nhau thì việc nắm bắt và phát triển sau khi ra trường đi vào chuyên sâu - không phải quá rộng. Tuỳ theo chuyên ngành, mỗi người sau khi ra trường có thể mất khoảng 6 tháng hoặc 1 năm với chuyên ngành Hóa mỹ phẩm; nhưng cũng có thể vài năm hay thậm chí dài hơn vì hóa học rất tuyệt vời luôn có cái mới mẻ theo sự phát triển của xã hội.

9. Mức lương và thu nhập của các ngành nghề thuộc ngành Hóa học?

Kỹ sư mới ra trường thường có mức lương từ 7 – 8 triệu đồng, tuỳ vào khả năng và kỹ năng của sinh viên cũng có thể 15 triệu đồng hoặc cao hơn nữa.

10. Nhu cầu nhân sự ngành Hóa học và xu hướng trong tương lai của ngành này?

Vài năm gần đây, các ngành công nghệ hóa thường tuyển sinh khó hơn so với các ngành kinh tế hay ngành dịch vụ, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 - bị cuốn theo xu thế giao dịch gián tiếp.

Tuy nhiên, ngành nghề như giới tính trong xã hội – cần phải cân bằng mới tồn tại bền vững được. Hiện nay, lao động các ngành công nghệ, lao động trực tiếp nói chung và Hóa nói riêng đang rất thiếu. Nếu không sớm cân bằng thì vài năm tới sẽ rất thừa lao động dịch vụ gián tiếp và rất thiếu kỹ sư cho khối công nghệ.